Thủ tướng: Phát triển Đắk Lắk nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau 

(Chinhphu.vn) - Chiều 18/8, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn trong 7 tháng đầu năm 2024.
Thủ tướng: Phát triển Đắk Lắk nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau- Ảnh 1.
 

Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng tham dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Trước đó, trong chuyến công tác tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi khảo sát hiện trường dự án cao tốc Buôn Ma Thuột – Khánh Hòa; dự lễ phát động 500 ngày thi đua cao điểm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc; thăm, làm việc với Bộ Chỉ huy quân sự và Công an tỉnh Đắk Lắk.

Trung tâm địa bàn "chiến lược của chiến lược"

Các báo cáo, ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc đã tập trung phân tích các tiềm năng, lợi thế của tỉnh Đắk Lắk và những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.

Về tiềm năng, lợi thế, Đắk Lắk có vị trí, vai trò quan trọng với Tây Nguyên và cả nước về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại, nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên là địa bàn "chiến lược của chiến lược".

Đắk Lắk có diện tích đứng thứ 4 cả nước (trên 13 nghìn km2). Diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 658 nghìn ha (đứng thứ 2 cả nước), với hơn 370 nghìn ha đất đỏ bazan phì nhiêu thích hợp cho việc trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn trái, cây dược liệu. Tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất cả nước với thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng trong và ngoài nước.

Thủ tướng: Phát triển Đắk Lắk nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau- Ảnh 2.
 

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk báo cáo tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đắk Lắk có dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào với khoảng 1,1 triệu lao động. Đây cũng là tỉnh giàu truyền thống cách mạng và có cộng đồng các dân tộc giàu bản sắc văn hóa, với 49 dân tộc anh em cùng chung sống.

Đắk Lắk có nhiều tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, được biết đến như một điểm du lịch hấp dẫn với nhiều địa danh (như hồ Lắk, cụm thác Gia Long - Dray Sap, Buôn Đôn, thác Krông Kma, Diệu Thanh, Tiên Nữ…), bên cạnh đó là các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên (như Chư Yang Sin, Easo…).

Đắk Lắk có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh với 23 di tích lịch sử cách mạng, 2 di tích lịch sử văn hoá, 13 di tích kiến trúc nghệ thuật, 8 di tích khảo cổ, 71 di tích thắng cảnh, 25 danh lam thắng cảnh; 9 di tích được công nhận di tích quốc gia và 4 di tích quốc gia đặc biệt. Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là "Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể" của nhân loại.

Về hạ tầng, Đắk Lắk có sân bay Buôn Mê Thuột, cùng hệ thống giao thông vùng Tây Nguyên, duyên hải miền Trung.

Thủ tướng: Phát triển Đắk Lắk nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau- Ảnh 3.
 
Thủ tướng: Phát triển Đắk Lắk nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau- Ảnh 4.
 

Các báo cáo, ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc tập trung phân tích các tiềm năng, lợi thế của tỉnh Đắk Lắk và những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm ước đạt gần 25.500 tỷ đồng, tăng 4,13% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,38%; công nghiệp - xây dựng tăng 4,52%; dịch vụ tăng 4,04%.

Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt hơn 15.600 tỷ đồng, tăng 3,62% so với cùng kỳ năm 2023. Giải ngân vốn đầu tư công đến hết ngày 31/7/2024 đạt 38,9% kế hoạch, cao hơn mức bình quân chung cả nước (32,2%), đứng đầu trong 5 tỉnh Tây Nguyên và đứng thứ 13/63 địa phương cả nước.

Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt gần 4.500 tỷ đồng, bằng 64,12% dự toán năm do Trung ương giao.

Xuất khẩu 7 tháng năm 2024 đạt 1,13 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt 295 triệu USD, tăng 33,1%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt hơn 62.600 tỷ đồng, tăng 9,52% so với cùng kỳ.

Các chính sách đảm bảo an sinh xã hội được triển khai kịp thời, thiết thực, đúng đối tượng. Tỉnh đã khởi công xây dựng 1.200 căn nhà (đạt 100% kế hoạch đề ra), trong đó bàn giao, đưa vào sử dụng 1.068 căn (89%); thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội...

Thủ tướng: Phát triển Đắk Lắk nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau- Ảnh 5.
 

Thủ tướng trân trọng ghi nhận, biểu dương nỗ lực và những kết quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đắk Lắk đã đạt được - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cải cách hành chính tiếp tục đạt những kết quả tích cực, chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) năm 2023 tăng 10 bậc, chỉ số PAPI tăng 10 bậc, chỉ số PCI tăng 9 bậc…

Tỉnh làm tốt công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; kịp thời đấu tranh, ngăn chặn các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; không để xảy ra vụ việc phức tạp, không để bị động, bất ngờ; đã kiện toàn và ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở gồm gần 2.200 tổ…

Đắk Lắk cần tập trung vào 4 trụ cột tăng trưởng

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các nội dung báo cáo, 15 ý kiến phát biểu sâu sắc, trách nhiệm, nhiều cảm xúc, ấn tượng với mong muốn thúc đẩy tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả vùng Tây Nguyên nói chung tiếp tục phát triển nhanh, bền vững và bao trùm trong thời gian tới; giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với tỉnh Đắk Lắk và các cơ quan liên quan rà soát, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện, sớm trình ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng trân trọng ghi nhận, biểu dương nỗ lực và những kết quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đắk Lắk đã đạt được, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Bên cạnh những kết quả rất cơ bản đã đạt được mà các đại biểu đã chỉ ra, Thủ tướng cho rằng Đắk Lắk vẫn là một tỉnh khó khăn trên nhiều lĩnh vực; kết cấu hạ tầng còn hạn chế, hạ tầng giao thông vẫn là điểm nghẽn; tiềm năng nhiều, nhưng cơ chế chính sách hạn hẹp; tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh, quốc phòng…

Tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra và còn thấp hơn mức trung bình cả nước. Doanh nghiệp phát triển chưa nhiều, hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới thấp. Tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều ở mức cao so với cả nước và vùng Tây Nguyên. Tình hình người dân phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn còn xảy ra...

Thủ tướng: Phát triển Đắk Lắk nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau- Ảnh 6.
 

Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đắk Lắk phát huy tinh thần "6 tăng cường" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về quan điểm, mục tiêu phát triển thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, cần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm trên cơ sở thu hút, huy động nguồn lực cho các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, tập trung vào 4 trụ cột tăng trưởng là: (i) Phát triển các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế quy mô lớn, chất lượng cao, hướng tới thị trường xuất khẩu; (ii) Công nghiệp chế biến nông sản và sản xuất năng lượng tái tạo quy mô lớn; (iii) Kinh tế đô thị, hạ tầng số, hạ tầng thủy lợi; (iv) Dịch vụ logistics, du lịch dựa trên nền tảng số, kinh tế số, xã hội số.

Phát triển kinh tế - xã hội song hành với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Phát triển kinh tế - xã hội gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên đất, nước, rừng và các loại tài nguyên khác; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.

Phát triển kinh tế - xã hội lấy con người là trung tâm, giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện phát triển đồng đều giữa các đồng bào dân tộc sinh sống trên địa bàn, trên tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau". Đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác dân tộc, cán bộ người dân tộc, người làm công tác dân tộc.

Thủ tướng: Phát triển Đắk Lắk nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau- Ảnh 7.
 

Thủ tướng chỉ rõ các phương hướng, nhiệm vụ cụ thể - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về mục tiêu tổng quát, Thủ tướng nhấn mạnh cần không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của Nhân dân trên địa bàn tỉnh sớm đạt mức trung bình khá của cả nước, trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; phát triển không gian sinh thái, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; tỉnh Đắk Lắk trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.

Cùng với đó, xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột là trung tâm của vùng Tây Nguyên, là cửa ngõ hội nhập và liên kết của vùng với khu vực và quốc tế; người dân được thụ hưởng một đời sống chất lượng với dịch vụ xã hội tốt, môi trường được đảm bảo, cơ hội việc làm và thu nhập cao.

Trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đắk Lắk phát huy tinh thần "6 tăng cường".

Theo đó, tăng cường niềm tin chính trị của nhân dân với Đảng, sự tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc giữa 49 dân tộc trên địa bàn và các dân tộc vùng Tây Nguyên, không để ai bị bỏ lại phía sau, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển.

Đồng thời, tăng cường cơ chế huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là hợp tác công tư, đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông để tạo không gian phát triển mới, khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu dịch vụ mới, giảm chi phí logistics, thời gian đi lại, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.

Cùng với đó, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với phương châm "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài"; tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và vùng Tây Nguyên, chuyển dịch lao động từ khu vực nông thôn, nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, thành thị.

Thủ tướng: Phát triển Đắk Lắk nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau- Ảnh 8.
 

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành "thành phố cà phê thế giới"

Chỉ rõ các phương hướng, nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng trước hết yêu cầu tỉnh rà soát lại các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, trong đó có Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; bám sát đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Từ đó, nỗ lực hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024 và cả nhiệm kỳ; các mục tiêu sẽ đạt được thì tiếp tục đẩy mạnh, các mục tiêu chưa đạt được phải cố gắng nhiều hơn, các mục tiêu khó đạt được thì cần phải có giải pháp đột phá.

Thứ hai, đẩy mạnh triển khai quy hoạch tỉnh Đắk Lắk đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành và đảm bảo hài hoà, kết nối với quy hoạch vùng Tây Nguyên. Khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh; xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong Quy hoạch.

Tổ chức, sắp xếp hợp lý không gian, lãnh thổ, phát triển hệ thống đô thị trở thành các cực phát triển, trung tâm kinh tế của tỉnh, vùng. Tổ chức triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Thứ ba, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, liên kết vùng…)

Thứ tư, huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư (đặc biệt là vốn FDI và hình thức đối tác công tư PPP). Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung đầu tư các công trình hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch, dịch vụ; các dự án phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu, môi trường, đổi mới sáng tạo…

Triển khai có hiệu quả các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh và của vùng Tây Nguyên nhằm kết nối đồng bộ, khép kín giữa hệ thống đường bộ cao tốc Bắc Nam phía tây, đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Quốc lộ 27 với mạng lưới giao thông đô thị thành phố Buôn Ma Thuột; tăng khả năng kết nối thuận lợi, khai thác hiệu quả cảng hàng không Buôn Ma Thuột.

Tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ. Phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm; duy trì và mở rộng các làng nghề truyền thống gắn với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng; tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, bán tín chỉ carbon.

Thủ tướng: Phát triển Đắk Lắk nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau- Ảnh 9.
 
Thủ tướng: Phát triển Đắk Lắk nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau- Ảnh 10.
 
Thủ tướng: Phát triển Đắk Lắk nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau- Ảnh 11.
 

Lãnh đạo các bộ, ngành phản hồi với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tăng cường đầu tư vào chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm quan trọng của tỉnh, ví dụ như cà phê Buôn Ma Thuột phải trở thành ngành hàng có hàm lượng giá trị gia tăng cao, một sản phẩm có sức mạnh thương hiệu mang tầm thế giới.

Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, liên kết chuỗi du lịch với các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và các nước Lào, Campuchia. Phải đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Thứ năm, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục, nhất là về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, môi trường. Đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 và tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Thứ sáu, chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm để mọi người dân đều được hưởng thành quả của phát triển, được đón nhận cơ hội và không bị bỏ lại phía sau, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện giảm nghèo bền vững gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ người dân có sinh kế bền vững thông qua đào tạo, hỗ trợ tín dụng, chuyển đổi việc làm, nâng cao dân trí.

Thứ bảy, chú trọng công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. "Chúng ta phải biết chắt chiu tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên nước để có thể phát triển lâu dài, không được sử dụng lãng phí. Phải có tính toán căn cơ và bước đi thích hợp để ứng phó với biến đổi khí hậu. Cần có quy hoạch hệ thống hồ chứa nước và trạm bơm hợp lý, có các giải pháp công nghệ cao; tiết kiệm sử dụng nước; thu hồi tái tạo lại nước sạch", Thủ tướng lưu ý.

Thứ tám, làm tốt công tác giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân.

Thứ chín, coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; chuẩn bị tốt việc tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp theo Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng Chú trọng công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, công chức nói không với tiêu cực, tham nhũng. Tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng và đạo tào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Người đứng đầu Chính phủ mong muốn và tin tưởng rằng, với vị trí, vai trò của tỉnh Đắk Lắk là trung tâm liên kết, điều phối và cực tăng trưởng chính của vùng Tây Nguyên, với bản sắc, truyền thống cách mạng và đà phát triển những năm qua, với sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, cùng khát vọng, nhiệt huyết vươn lên được lan tỏa trong toàn thể Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc, thời gian tới tỉnh Đắk Lắk sẽ mạnh mẽ khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn để tạo động lực, xung lực phát triển mới, nhanh, xanh, hài hòa và bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục đổi mới, tư duy, cách làm với quan điểm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân". Với quan điểm "lấy dân làm gốc", "người dân là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực và động lực cho phát triển", và trên tinh thần "dân cần - chính quyền có; dân khó - chính quyền lo", Thủ tướng nhấn mạnh phải gần dân, sát dân, hiểu dân và chăm lo cho đời sống của dân, để người dân Đắk Lắk có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc, cộng đồng cả 49 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh luôn đoàn kết, cùng nhau phát triển, cảnh giác, đấu tranh với âm mưu của các thế lực thù địch, phản động.

Cùng với đó, xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành "Thành phố cà phê thế giới", trung tâm đô thị vùng, góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển vùng Tây Nguyên, địa bàn "chiến lược của chiến lược", phên dậu quan trọng của Tổ quốc.

Cũng tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đã phản hồi và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có ý kiến chỉ đạo với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, như liên quan việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Pleiku (Gia Lai) - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), cao tốc Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - Gia Nghĩa (Đắk Nông), tuyến đường giao thông đoạn kết nối điểm cuối đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột với Đại lộ Đông Tây, kết nối sân bay Buôn Ma Thuột (khoảng 5,05 km, nguồn vốn khoảng 1.500 tỷ đồng).

Cơ bản đồng tình với các kiến nghị, Thủ tướng nêu rõ tinh thần là địa phương làm cơ quan chủ quản, phát huy tinh thần chủ động, năng động, tích cực, hiệu quả trong triển khai các dự án. Các bộ ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cần chủ động, tích cực cùng địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc, các vấn đề đặt ra.

Nhân dịp này, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực với nguồn vốn đa dạng để đầu tư, hoàn thành 1.900 km cao tốc cho khu vực Tây Nguyên trong những năm tới, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch để có thể làm sớm hơn so với dự kiến.

Hà Văn

37 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1302
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1302
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87154610