Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tạo mọi điều kiện để Vĩnh Long phát triển 

(Chinhphu.vn) - Là vùng đất "địa linh nhân kiệt", Vĩnh Long cần phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, đi lên từ bàn tay, khối óc, lợi thế thiên nhiên của mình, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện cho tỉnh Vĩnh Long phát triển - Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tạo mọi điều kiển để Vĩnh Long phát triển - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Vĩnh Long - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều 23/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Vĩnh Long.

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng và lãnh đạo một số bộ, ngành.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tạo mọi điều kiển để Vĩnh Long phát triển - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, kinh tế của tỉnh phục hồi tích cực, GRDP ước tăng 8,2% so với năm 2021. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng - Ảnh: VGp/Nhật Bắc

Tăng trưởng kinh tế 8,2%

Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, kinh tế của tỉnh phục hồi tích cực, GRDP ước tăng 8,2% so với năm 2021. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.

Ước cả năm thu ngân sách vượt 3,14% dự toán; xuất khẩu tăng 38%; tổng vốn đầu tư phát triển tăng 10,5% so cùng kỳ. Ước giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt hơn 95% kế hoạch.

Tỉnh đang thực hiện quy trình quy hoạch Bảo tàng nông nghiệp văn hóa lúa nước Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); bảo tồn, phát huy giá trị di sản đương đại Mang Thít. Lãnh đạo Vĩnh Long kiến nghị Trung ương hỗ trợ nguồn vốn triển khai dự án đầu tư xây dựng cầu Quới An bắc qua sông Măng Thít.

Dự án nằm trên tuyến đường tỉnh 902, là tuyến đường huyết mạch, kết nối tuyến công nghiệp Cổ Chiên, khu công nghiệp An Định với Quốc lộ 53, kết nối các dự án trọng điểm của tỉnh là Khu bảo tồn di sản đương đại Mang Thít (huyện Mang Thít) và Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL (huyện Vũng Liêm). Hiện tỉnh đã đầu tư nâng cấp, mở rộng mặt đường Tỉnh lộ 902 đạt 9 m, dài 23,5 km đến điểm đầu dự án cầu Quới An.

Tỉnh cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ nguồn vốn để triển khai xây dựng dự án cầu Đình Khao nối Vĩnh Long và Bến Tre, nhằm tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của vùng.

Tại cuộc làm việc, tỉnh đã báo cáo phương án chỉnh trang Khu tưởng niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tạo mọi điều kiển để Vĩnh Long phát triển - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho rằng, hệ thống giao thông kết nối của Vĩnh Long khá thuận lợi, cả đường bộ, đường thủy, đường hàng không -Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp và du lịch

Góp ý cho tỉnh Vĩnh Long, các ý kiến của đoàn công tác cho rằng, Vĩnh Long nằm ở trung tâm ĐBSCL, giữa sông Tiền và sông Hậu; vị trí địa lý, khí hậu thuận lợi, tiềm năng phát triển rất lớn.

Vĩnh Long có đất đai màu mỡ, nước ngọt quanh năm, thuận cho phát triển nông nghiệp. Nằm trong vùng tứ giác phát triển cây ăn trái ĐBSCL, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho rằng, hệ thống giao thông kết nối của Vĩnh Long khá thuận lợi, cả đường bộ, đường thủy, đường hàng không (có quốc lộ 1A, 80; 2 sông lớn là sông Tiền và sông Hậu; gần cảng và sân bay Cần Thơ...), gần TP. Cần Thơ - trung tâm phát triển vùng ĐBSCL.

Xác định vai trò quan trọng của hạ tầng giao thông trong phát triển kinh tế-xã hội, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, Bộ GTVT đã cân đối 4.187 tỷ đồng để đầu tư hoàn thành 2 dự án đang thi công và khởi công mới 2 dự án.

Vùng ĐBSCL xuất khẩu 40% giá trị sản xuất nông nghiệp cả nước, gồm: 90% sản lượng gạo, 65% thủy sản, 70% trái cây là các mặt hàng có yêu cầu cao về bảo quản, vận chuyển nên hạ tầng logictics là mắt xích quan trọng, thiết yếu trong chuỗi giá trị, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của vùng, của tỉnh. Vì vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, "cần tập trung quy hoạch, đầu tư các trung tâm logictics phục vụ các hoạt động nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, vùng".

Tỉnh cần nghiên cứu phát triển thành một trong những trung tâm công nghiệp chế biến nông sản của cả nước và khu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tạo mọi điều kiển để Vĩnh Long phát triển - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng: Vĩnh Long là tỉnh có tiềm năng lớn về phát triển du lịch (du lịch sinh thái, du lịch lịch sử văn hóa...); bản sắc văn hóa đa dạng với 20 dân tộc thiểu số - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Vĩnh Long là tỉnh có tiềm năng lớn về phát triển du lịch (du lịch sinh thái, du lịch lịch sử văn hóa...); bản sắc văn hóa đa dạng với 20 dân tộc thiểu số.

"Vĩnh Long có lợi thế về du lịch nhưng hiện tại chỉ mới nằm ở tiềm  năng. Lượng khách đến tỉnh còn khiêm tốn, năm nay dự kiến đón 1 triệu khách nội địa", ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng, Vĩnh Long có "khác biệt hóa" sản phẩm so với các địa phương khác trong vùng.

Toàn tỉnh không có khách sạn 5 sao, chủ yếu là 3 sao, nên rất khó phát triển du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo…). Bộ trưởng cho rằng, tỉnh nên ưu tiên tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tạo mọi điều kiển để Vĩnh Long phát triển - Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao việc tỉnh đã trình các bộ, ngành thẩm định quy hoạch tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Góp ý cho Vĩnh Long, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao việc tỉnh đã trình các bộ, ngành thẩm định quy hoạch tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. 

Theo Bộ trưởng, đây là cơ hội tốt để tỉnh sắp xếp lại không gian phát triển, tạo động lực, sức lan toả mới. "Tỉnh cần đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Phải biến tiềm năng thành tiềm lực, nguồn lực phát triển

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng nhất trí với các ý kiến nhận định về tiềm năng, lợi thế của Vĩnh Long. Tỉnh nằm trung tâm vùng ĐBSCL, tương đối thuận lợi về giao thông, giao lưu văn hoá, hợp tác kinh tế với các tỉnh xung quanh. Nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, là vùng trù phú, tỉnh có diện tích trên 1,5 nghìn km2; dân số hơn 1 triệu người, tỉ lệ trong độ tuổi lao động khá cao (khoảng 70%).

Nguồn lao động dồi dào. Tiềm năng phát triển nguồn nhân lực với hệ thống trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề lớn, cơ sở vật chất và kỹ thuật tốt.

Người dân Vĩnh Long có truyền thống cách mạng, anh dũng, kiên cường; thân thiện, hiền hòa, cần cù, yêu lao động, năng động, sáng tạo.

"Phải biến tiềm năng thành tiềm lực, nguồn lực, phục vụ phát triển nhanh, bền vững của Vĩnh Long, đấy là bài toán cần lời giải hiệu quả", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tạo mọi điều kiển để Vĩnh Long phát triển - Ảnh 6.

Thủ tướng: Người dân Vĩnh Long có truyền thống cách mạng, anh dũng, kiên cường; thân thiện, hiền hòa, cần cù, yêu lao động, năng động, sáng tạo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đánh giá cao các chỉ tiêu mà Vĩnh Long đạt được năm 2022, Thủ tướng nêu rõ, kinh tế phục hồi tốt. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp được chú trọng; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sinh thái, giá trị gia tăng cao và hiệu quả. 

Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt; năm 2022 có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số có 67/87 xã; có 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 25%, các nhóm ngành có sự phục hồi nhanh như công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 30,79%, sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 12,64%.

Thương mại, dịch vụ có nhiều khởi sắc. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 29,37% cùng kỳ. Xuất khẩu 10 tháng đạt hơn 634 triệu USD, ước cả năm đạt 793 triệu USD, tăng 38%.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, hạn chế lớn đối với Vĩnh Long là chưa phát triển ngang với tiềm năng của tỉnh. "Chưa có nhiều đột phá".

Hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, du lịch, ứng phó biến đổi khí hậu còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tạo mọi điều kiển để Vĩnh Long phát triển - Ảnh 7.

Thủ tướng cho rằng, Vĩnh Long cần phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc để vượt qua khó khăn, huy động mọi nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tiến độ lập, trình phê duyệt quy hoạch tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch vùng huyện còn chậm, năng lực tư vấn còn hạn chế.

Tăng trưởng GRDP chưa bền vững; là tỉnh thuần nông, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chuỗi sản xuất chưa gắn với chuỗi tiêu thụ, đầu ra sản phẩm hàng hóa gặp khó, thiếu bền vững.

Cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh tuy có cải thiện nhưng chưa đạt yêu cầu. Liên kết và hợp tác kinh doanh còn hạn chế, chưa có sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng dân tộc. Phần lớn hộ nghèo thiếu sinh kế, thu nhập thấp, thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp.

Phải mạnh mẽ, tự tin, quyết liệt, quyết đoán để điều hành hiệu quả

Đánh giá chung tình hình thời gian tới khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn, Thủ tướng cho rằng, Vĩnh Long cần bản lĩnh hơn, kiên trì, kiên định, quyết tâm hơn nữa. Phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc để vượt qua khó khăn, huy động mọi nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững.

Tỉnh cần quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 13-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL; Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh.

Cần vận dụng sáng tạo, linh hoạt, có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế với tinh thần mạnh mẽ, tự tin, bản lĩnh, quyết tâm, quyết liệt hơn nữa, tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Tận dụng, phát huy tối đa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh để phát triển nhanh, bền vững. Chú trọng phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa-xã hội và bảo vệ môi trường; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

"Phải mạnh mẽ, tự tin, quyết liệt, quyết đoán để điều hành hiệu quả", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tạo mọi điều kiển để Vĩnh Long phát triển - Ảnh 8.

Thủ tướng: Phải mạnh mẽ, tự tin, quyết liệt, quyết đoán để điều hành hiệu quả - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Là vùng đất "địa linh nhân kiệt", tỉnh cần phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, đi lên từ bàn tay, khối óc, lợi thế thiên nhiên, đất, trời của mình, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả.

Trong quá trình phát triển phải luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.

Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và phân bổ nguồn lực. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đẩy mạnh hợp tác công tư, tập trung phát triển doanh nghiệp, huy động mọi nguồn lực để phát triển. Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể.

"Đảng, Nhà nước không có mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu làm sao cho nhân dân sống trong độc lập tự do, ấm no hạnh phúc, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, người dân phát triển công bằng, lành mạnh, bình đẳng, bền vững, theo đúng pháp luật", Thủ tướng nói.  

Trong bất cứ trường hợp nào, Đảng, Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân theo quy định của pháp luật.

Định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, tiếp tục triển khai hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là tập trung thực hiện tiêm vaccine an toàn, khoa học, hiệu quả.

Rà soát, sắp xếp lại cơ sở đại học trên địa bàn để trường ra trường, lớp ra lớp.

Triển khai hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách hỗ trợ lãi suất kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Đẩy mạnh chuyển đổi số.

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững; chiến lược trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển thị trường nông sản trong và ngoài nước.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỉ trọng các ngành chế biến. Xây dựng các cụm công nghiệp; tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, từng bước tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường và tham gia trong chuỗi giá trị.

Phát triển văn hoá một cách bài bản, bền vững gắn với phát triển du lịch. Nhắc lại chuyến thăm khu làng nghề gạch, gốm Mang Thít, Vĩnh Long vào chiều nay, Thủ tướng cho rằng, Bộ VHTTDL cần hướng dẫn quy hoạch lại khu vực này, cần bảo tồn, phát huy, thành làng nghề truyền thống và di tích lịch sử, ứng dụng công nghệ cao.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, du lịch, đô thị và hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu. Huy động các nguồn lực xã hội, đẩy mạnh mô hình đối tác công tư và sử dụng có hiệu quả đầu tư nhà nước để phát triển hạ tầng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có sức lan tỏa cao.

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp.

Tăng cường thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo môi trường, điều kiện thuận lợi hỗ trợ đầu tư và sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy nhanh công tác quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, góp phần hoàn thiện hệ thống quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần quy hoạch phải đi một bước, có tầm nhìn chiến lược, tổng thể, bài bản, phát huy và khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cho ý kiến đối với các kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng bày tỏ sự ủng hộ trên tinh thần tạo mọi điều kiện cho tỉnh phát triển như ủng hộ xây dựng cầu Đình Khao, cầu Quới An.

Đức Tuân

230 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1285
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1285
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87148889