Tiếp Tổng thống Nauru, Thủ tướng chúc mừng Nauru tiếp quản chức Chủ tịch Quỹ Môi trường toàn cầu từ Micronesia, đồng thời sẽ là Chủ tịch của nhóm các quốc đảo Thái Bình Dương từ tháng 9/2018.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam luôn quan tâm theo dõi tình hình Nauru cũng như các nước Nam Thái Bình Dương khác. Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị Tổng thống thúc đẩy việc trao đổi đoàn công tác trong một số lĩnh vực hai bên có tiềm năng như thủy sản, nghề cá, nông nghiệp, du lịch, khai khoáng... Việt Nam hoan nghênh các đoàn Nauru sang học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về trồng lúa, phát triển cây công nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, viễn thông...
Thủ tướng cảm ơn Nauru đã ủng hộ đề cử Việt Nam là ứng cử viên của Nhóm cho vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Tổng thống Nauru Baron Waqa bày tỏ vui mừng, vinh dự đến thăm Việt Nam và bày tỏ sự ngưỡng mộ về truyền thống của đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt là những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội. Tổng thống Baron Waqa cho rằng Việt Nam hiện là nền kinh tế mới nổi giàu tiềm năng ở khu vực; đồng thời hy vọng Việt Nam sẽ đóng vai trò ngày càng tích cực trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương thời gian tới.
|
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tổng thống Baron Waqa nhấn mạnh đến vai trò ngày càng to lớn của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, hiệu ứng nhà kính. Bày tỏ quan tâm đến lĩnh vực nghề cá, Tổng thống Baron Waqa mong muốn Việt Nam ủng hộ Nauru trong việc ngăn ngừa, phòng chống các hành vi đánh bắt cá trái phép bởi điều này không chỉ liên quan đến sinh kế của các quốc đảo như Nauru mà còn nhằm bảo vệ môi trường biển. Bên cạnh đó, Nauru cũng mong muốn hợp tác với Việt Nam trong đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán người, tội phạm xuyên biên giới.
Tiếp Tổng thống Marshall, Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trong thúc đẩy quan hê hữu nghị với Marshall, hoan nghênh Marshall đã cử Đại sứ Marshall tại Nhật Bản kiêm nhiệm Việt Nam (2014); sẵn sàng tạo điều kiện để Marshall sớm mở cơ quan đại diện tại Việt Nam.
|
Thủ tướng tiếp Tổng thống Marshall, bà Hilda Heine - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng đề nghị hai bên thúc đẩy việc trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, thúc đẩy các bộ, ngành hai nước xem xét, ký kết một số thỏa thuận hợp tác trong một số lĩnh vực cơ bản, thiết lập một số cơ chế hợp tác khung.
Chúc mừng Việt Nam tổ chức thành công Kỳ họp của GEF lần này, Tổng thống Marshall bày tỏ ấn tượng về tiến bộ nhanh chóng của Việt Nam, nhất là về xóa đói giảm nghèo, điều này thể hiện rất rõ ở thành phố Đà Nẵng.
|
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tổng thống cho biết, trước tác động của biến đổi khí hậu, quốc đảo Marshal đứng trước nguy cơ tồn vong, nếu nhiệt độ trái đất tăng thêm 1,5 độ C và nhìn nhận, thích ứng với biến đổi khí hậu là mối quan tâm chung của hai quốc gia.
Tổng thống Marshal hoan nghênh đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc hai bên ký kết cơ chế hợp tác khung để hai nước gần nhau hơn, chia sẻ kinh nghiệm, giúp hai nước cùng phát triển, đồng thời khẳng định ủng hộ quan điểm về bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, trên tinh thần tuân thủ luật pháp quốc tế.
|
Thủ tướng tiếp Tổng thống Guyana, ông David Granger - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tiếp Tổng thống Guyana, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng những thành tựu của Chính phủ và nhân dân Guyanna trong xây dựng và phát triển đất nước thời gian gần đây.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với Guyana; đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn và thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh, nhằm tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau.
|
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tổng thống Guyana nhất trí hai bên thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tiếp xúc, tìm hiểu thị trường của nhau, tăng cường hơn nữa kim ngạch thương mại và đầu tư hai chiều hiện nay.
Tại các cuộc tiếp, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các nước ủng hộ lập trường, nỗ lực của ASEAN và Việt Nam về duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Đức Tuân