Dân cư Sóc Trăng chủ yếu là ba dân tộc Kinh (836.513 người, chiếm 65,16%), Khmer (371.305 người, chiếm 28,92%), Hoa (75.534 người, chiếm 5,88%). Với bờ biển chạy dài 72 km và 3 cửa sông chính là cửa Định An, cửa Trần Đề (sông Hậu) và cửa Mỹ Thanh (sông Mỹ Thanh), Sóc Trăng có điều kiện để phát triển kinh tế biển nhất là về khai thác, nuôi trồng thủy sản, vận chuyển đường biển và du lịch biển.
Vùng biển này là nơi trú ngụ của nhiều loại thủy, hải sản nước lợ và nước mặn có giá trị kinh tế. Qua điều tra xác định có 661 loài cá, 35 loài tôm trong đó có cả các loài tôm hùm, tôm rồng, 23 loài mực gồm các họ mực nang, mực ống và mực sim; ngoài ra còn có nhiều loài cua, ghẹ và nhuyễn thể khác. Khả năng khai thác hải sản gần bờ có thể được trên 20 nghìn tấn/năm, ngoài ra tỉnh còn có điều kiện vươn ra khai thác xa bờ để tăng sản lượng và hiệu quả khai thác cao hơn nữa.
Năm 2016, Sóc Trăng thu hút 1,13 triệu lượt khách du lịch, trong đó trên 34 nghìn lượt khách quốc tế. Toàn tỉnh có 339 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp lên 2.366. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện (tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15% theo chuẩn mới). Chăn nuôi tiếp tục phát triển, đặc biệt là đàn bò sữa gần 10.000 con, tăng 24% so với năm trước. Tổng sản lượng thủy sản tăng 8%; sản lượng khai thác biển đạt trên 62.000 tấn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của hạn mặn, Sóc Trăng chịu thiệt hại gần 1000 tỷ đồng dẫn đến tăng trưởng kinh tế không đạt chỉ tiêu đề ra 5,22% (chỉ tiêu là 5,62%). Tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản nhìn chung còn khó khăn.
Đại diện các bộ, ngành đánh giá Sóc Trăng là một trong những địa phương nổi bật ở Đồng bằng sông Cửu Long đầu tư vào các giống lúa năng suất cao và phát triển được 10.000 con bò sữa. Nhấn mạnh đến lợi thế của tỉnh về sản lượng tôm nước lợ đạt 40 ngàn ha cao nhất cả nước, các bộ ngành đề nghị tỉnh cần tập trung phát triển tôm công nghiệp theo hướng công nghệ cao.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, là 1 trong 3 tỉnh khó khăn nhất của Đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng cần quan tâm nhiều hơn nữa đến khởi nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ. Thủ tướng đánh giá, trong bối cảnh khó khăn lớn bởi thiên tai, xâm nhập mặn trong năm 2016 nhưng Sóc Trăng đã có nhiều nỗ lực, thu được những kết quả đáng ghi nhận về kinh tế xã hội. Đảng bộ, chính quyền đoàn kết, gắn bó, quyết tâm cao xây dựng và phát triển địa phương ngày càng giàu mạnh. Theo Thủ tướng, Sóc Trăng đã chỉ đạo thực hiện khá quyết liệt, bám việc và hiệu quả đối với những chủ trương, giải pháp của Trung ương trên địa bàn một cách khá toàn diện từ kinh tế-xã hội, đoàn kết dân tộc, xóa đói giảm nghèo đến quốc phòng, an ninh. Sóc Trăng đã tìm ra một lối đi, cách làm mới trên cơ sở khoa học, đưa tỉnh phát triển đi lên, Thủ tướng nhận xét.
Nói về những vấn đề còn cần phải khắc phục ở Sóc Trăng, Thủ tướng chỉ rõ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm; nông nghiệp còn ở tỷ lệ cao nhưng lại có doanh thu thấp mặc dù tỉnh khá chú trọng đến việc triển khai xây dựng nông thôn mới. Thu ngân sách và thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Biến đổi khí hậu vẫn tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng lớn đến kinh tế của tỉnh. Số lượng doanh nghiệp của Sóc Trăng mới chỉ đạt tỷ lệ 565 người dân mới có 1 doanh nghiệp trong khi bình quân cả nước là 140 người dân/doanh nghiệp. Kết cấu hạ tầng còn thấp, thứ hạng thủ tục hành chính công chỉ ở mức 40/63 tỉnh, thành phố. Mặc dù nguồn nhân lực là thế mạnh nhưng chất lượng chưa cao, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư. Tỷ lệ nghèo vẫn ở mức cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc.
Đề cập đến giải pháp phát triển kinh tế-xã hội của Sóc Trăng thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, cần giải quyết bài toán tổng thể của Đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở sơ kết việc thực hiện các chủ trương của Đảng, Chính phủ.
“Trong khi giải quyết bài toán tổng thể, thì phải giải quyết bài toàn cá thể, tìm ra một lợi thế so sánh trong bối cảnh nguồn lực quá hạn hẹp; phát huy sự năng động sáng tạo tìm ra động lực phát triển của từng địa phương khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, nhất là những địa phương còn phát triển thấp”, Thủ tướng chỉ đạo.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Sóc Trăng chủ động nghiên cứu, tổng hợp chủ động tìm lối ra, cách làm, không chờ đợi sự hỗ trợ ở trung ương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng
Tán thành chủ trương đảm bảo an ninh lương thực, song, Thủ tướng gợi ý Sóc Trăng tập trung mở rộng lúa cao sản và các loại trái cây lợi thế trong tỉnh, bởi 1 ha bưởi da xanh và cam sành ở đây theo báo cáo đem lại giá trị kinh tế gấp 10 lần 1 ha trồng lúa. Hay nuôi bò với đàn bò số lượng lớn ở Sóc Trăng cũng là một lợi thế với phong tục, tập quán của bà con trên địa bàn trong bối cảnh nhu cầu về thịt bò là rất lớn trên thế giới. Đây cũng là một hướng ra cho xóa đói, giảm nghèo của tỉnh. Thủ tướng cũng đề nghị Sóc Trăng phấn đấu trở thành một trong những trung tâm sản xuất tôm của Đồng bằng Sông Cửu Long. Cùng với đó, tỉnh cần quan tâm nhiều hơn nữa đến thúc đẩy công nghiệp để giải quyết việc làm mà đặc biệt là công nghiệp năng lượng tái tạo, cũng là một ưu thế của tỉnh.
Bằng định hướng đó, về nhiệm vụ năm 2017, Thủ tướng đề nghị Sóc Trăng thực hiện tốt chủ trương, nghị quyết của Chính phủ nhất là Nghị quyết 35, Nghị quyết 19 để thực sự có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; chỉ đạo hoàn thành toàn diện chỉ tiêu, định mức kinh tế-xã hội quốc phòng, an ninh đối ngoại đã đề ra.
Khẳng định phương châm trung ương sẽ phân cấp, giao quyền nhiều hơn cho địa phương để chủ động phương án phát triển kinh tế-xã hội, phát huy tiềm lực, Thủ tướng cũng căn dặn Sóc Trăng trong tiến trình phát triển phải chú ý đến bảo vệ môi trường, nhất là việc khai thác cát.
*Nhân chuyến công tác tại Sóc Trăng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm dây chuyền kho trữ, công nghệ sấy và tiêu thụ gạo tại Nhà máy Chế biến lương thực Thành Tín, thành phố Sóc Trăng. Đây là dây chuyền chế biến sản xuất khép kín, hiện đại từ việc sấy lúa, xay xát bóc vỏ cho đến lau bóng gạo với công suất: 500 tấn/ngày, chế biến và cung ứng lúa gạo cho thị trường trong và ngoài nước. Công ty còn đầu tư thêm dây chuyền ép trấu viên: 40 tấn/ngày đáp ứng cho việc xuất khẩu ra thị trường bên ngoài. Hệ thống kho chứa 60.000 tấn của Công ty được bổ sung trong danh sách hệ thống dự trữ 4 triệu tấn lúa tại đồng bằng sông Cửu Long. Đây là cơ sở sản xuất được đầu tư công nghệ hiện đại, không để bụi phát sinh ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Công ty đang nỗ lực mở rộng thị trường để tiếp tục giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương.
*Thủ tướng cũng đã tới thăm mô hình nuôi tôm của Công ty TNHH Khánh Sủng, tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên. Với các sản phẩm chính là tôm thẻ chân trắng, tôm sú, tôm biển và khô cá bò da, Khánh Sủng hiện có 3 nhà máy chế biến tôm đông lạnh và 1 nhà máy chế biến cá khô. Các nhà máy đều được trang bị máy móc hiện đại nhập khẩu từ Nhật, EU, Mỹ. Năm ngoái, sản lượng của công ty đạt 5.600 tấn, doanh thu đạt giá trị 41 triệu USD. Hiện công ty có gần 1.000 người lao động, thu nhập bình quân khoảng 5,5 đến 6 triệu người. Thị trường xuất khẩu của công ty là Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Malaysia và một số thị trường khác. Với nguồn nguyên liệu tôm tự nuôi, công ty đảm bảo chất lượng tôm có thể truy xuất nguồn gốc từ trại giống đến bàn ăn.
Đánh giá cao mô hình nuôi tôm của công ty, nhất là việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải sau chế biến và không gây ô nhiễm môi trường, Thủ tướng mong muốn công ty tiếp tục mở rộng sản xuất, đầu tư dây chuyền chế biến hiện đại hơn để nâng cao chất lượng và xuất khẩu ra nhiều thị trường. Nhắc lại mục tiêu đặt ra đến năm 2020 cả nước xuất khẩu tôm đạt giá trị 10 tỉ USD, trong đó Sóc Trăng cần phấn đấu đóng góp 1 tỉ USD, Thủ tướng mong muốn công ty hoạt động hiệu quả, đẩy mạnh xuất khẩu và đóng góp vào mục tiêu này.
* Cũng trong chuyến công tác tại Sóc Trăng , Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Lưu Thị Tư và Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Hoàng Sương. /.
Quang Vũ – Trung Hiếu/TTXVN