|
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước trao quà cho đồng bào các dân tộc sống và sinh hoạt tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. |
Tối 18/11, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (khu du lịch Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc" và khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hoá Việt Nam” năm 2019.
Tham dự chương trình có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn.
Dự chương trình còn có có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện; Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở Trung ương, thành phố Hà Nội và đồng bào 54 dân tộc đang sinh sống tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
Phát biểu tại Chương trình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đoàn kết là truyền thống quý báu, nguồn sức mạnh, động lực quan trọng, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đặc biệt, từ khi có Đảng, Bác Hồ lãnh đạo, đồng bào các dân tộc trên đất nước Việt Nam luôn đoàn kết một lòng theo Ðảng trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn luôn là một trong những nguồn lực quan trọng nhất, mạnh mẽ nhất để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 89 năm qua, MTTQ Việt Nam đã không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc, nhân lên gấp bội tinh thần yêu nước của mọi người dân đất Việt. Từ đó tập hợp các tầng lớp nhân dân, phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức thành viên tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phát huy dân chủ, thi đua đổi mới sáng tạo; thực hiện giám sát và phản biện xã hội; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
|
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đông đảo các đại biểu tham dự chương trình . |
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thân ái gửi tới các vị đại biểu và toàn thể đồng bào những tình cảm sâu nặng và lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân ngày truyền thống của MTTQ Việt Nam, ngày hội đại đoàn kết toàn dân. Đồng thời hoan nghênh và đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hoá Việt Nam” trong những năm qua, nhằm tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc và bảo tồn những di sản văn hóa quý báu của các dân tộc anh em trên đất nước ta.
Thông tin tới đồng bào những thành tựu nổi bật về kinh tế -xã hội của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong thời gian qua, mặc dù đất nước gặp không ít những khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội và MTTQ Việt Nam, sự quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng tâm, hiệp lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Tuy nhiên, bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước hiện nay đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, việc củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân và phát huy các giá trị văn hóa, con người Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
Khẳng định nguồn lực lớn nhất của Tổ quốc ta chính là gần 100 triệu đồng bào trong và ngoài nước thuộc 54 dân tộc anh em, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, truyền thống đại đoàn kết, trên dưới một lòng đã làm nên một sức mạnh vô bờ bến không chỉ trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giữ gìn non sông, bờ cõi trước đây mà còn đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi nguy cơ tụt hậu trong phát triển, thoát bẫy thu nhập trung bình ngày nay.
“Vì vậy, chúng ta cần phải tiếp tục đại đoàn kết, không ngừng khơi dậy khát vọng và ý chí, lòng tự hào và tự tôn dân tộc trong toàn dân; khai thác hết những tiềm năng, thế mạnh trong dân để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đưa đất nước ta vững bước trên con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn”, Thủ tướng nói.
|
Đồng bào các dân tộc tham dự chương trình. |
Nhân ngày truyền thống 89 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, đơn vị tiếp tục khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần thi đua sáng tạo trong mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới; triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX đã đề ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị MTTQ Việt Nam cần tiếp tục giương cao ngọn cờ tập hợp đại đoàn kết toàn dân tộc để Tổ quốc ta, nhân dân ta đi tới được bến bờ thành công và thịnh vượng, để đồng bào 54 dân tộc anh em không kể miền xuôi hay miền ngược được phát triển đồng đều, "không ai bị bỏ lại phía sau".
Bên cạnh đó cần thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân; đoàn kết các dân tộc, đoàn kết các tôn giáo, đoàn kết đồng bào trong nước cũng như bà con Việt kiều ở nước ngoài. Tiếp tục có nhiều hành động và việc làm cụ thể, thiết thực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ người dân gặp khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng bị thiên tai...
Đồng thời cần cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân, từng gia đình và từng người dân nỗ lực phấn đấu, hăng say lao động sản xuất, đổi mới, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tự vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng; giữ vững lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, không để các thế lực thù địch, kẻ xấu lợi dụng xúi giục, lôi kéo, kích động chống Đảng, Nhà nước và chế độ, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, tổ chức các hoạt động phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán truyền thống của đồng bào 54 dân tộc anh em để giới thiệu với du khách trong nước và bạn bè quốc tế về những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam, phát huy thế mạnh của văn hóa dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay; đổi mới hoạt động, duy trì sử dụng có hiệu quả tài sản và nguồn lực của Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, nhất là nguồn lực đất đai….
Trong không khí của Ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc" hôm nay, thực hiện những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, với truyền thống yêu nước, đại đoàn kết và nền tảng lịch sử, văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc ta, tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa cộng đồng 54 dân tộc anh em trong ngôi nhà chung MTTQ Việt Nam tiếp tục được tăng cường vững chắc, góp phần củng cố mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Đảng và chính quyền, tạo thành sức mạnh to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
|
Chương trình nghệ thuật gồm các tiết mục văn nghệ đặc sắc, tiêu biểu cho văn hóa các vùng miền. |
Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tặng quà cho đại diện cộng đồng các dân tộc thường xuyên hoạt động giới thiệu di sản tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Ngay sau lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật “Âm vang đất Việt”. Chương trình nghệ thuật gồm các tiết mục văn nghệ đặc sắc, tiêu biểu cho văn hóa các vùng miền. Thông qua đó, giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam với sự đa dạng phong phú trong bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam./.