Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đây là Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng để chính quyền thành phố Hà Nội và các nhà đầu tư gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm cơ hội đầu tư mới, là cơ hội để Hà Nội tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đây cũng là một dịp tốt thông qua việc quảng bá tiềm năng và cơ hội đầu tư của Thủ đô và của các địa phương trong vùng để tăng cường thu hút đầu tư từ nhiều nguồn vào Hà Nội. Đồng thời, còn là dịp để đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác với các địa phương; phát triển kinh tế - xã hội vùng Thủ đô Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tạo sức hút mạnh hơn về cung cầu và sức lan tỏa về công nghệ, đổi mới sáng tạo trong toàn vùng, tạo sức bật mới trong điều kiện cơ cấu lại nền kinh tế trong điều kiện hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, cũng qua đây, Hà Nội tiếp tục triển khai hiệu quả chỉ đạo của Trung ương về việc triển khai các kế hoạch, chương trình, biên bản hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển, liên kết vùng. Việc gặp gỡ giao lưu giữa Hà Nội với lãnh đạo các tỉnh, thành phố tham dự hội nghị, với các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như với các đơn vị cầu nối, đưa nhà đầu tư, doanh nghiệp liên kết đầu tư và kinh doanh cùng Hà Nội. Khai thác tối đa mọi tiềm năng, lợi thế, cơ hội của Thủ đô và các tỉnh trong vùng trên nguyên tắc hài hòa về lợi ích, trách nhiệm và bình đẳng, cùng khai thác các cơ hội, lợi thế so sánh của từng địa phương trong điều kiện mới khi đất nước đang thực hiện có kết quả năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2016-2020.
Thực tế, trong thời gian qua, Hà Nội đã tích cực tăng cường đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp/nhà đầu tư tiếp cận đất đai, thị trường, khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng quản trị và phát triển mạnh doanh nghiệp. Với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ, Hà Nội đã tích cực đổi mới phương thức quản lý điều hành, nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ, tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức thông qua triển khai 2 bộ quy tắc ứng xử của cán bộ công chức và quy tắc ứng xử nơi công cộng; đẩy nhanh việc xây dựng Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính làm điểm bứt phá; đặc biệt tỷ lệ doanh nghiệp đang đăng ký kinh doanh qua mạng đã đạt 100%, kê khai thuế điện tử đạt 98%; hải quan điện tử đạt 100%. Nỗ lực của Hà Nội đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Hiện, chỉ số năng lực cạnh tranh đứng thứ 13, chỉ số cải cách hành chính của Hà Nội xếp thứ 2 cả nước, nằm trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt. Kinh tế của Thành phố tiếp tục ổn định, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô của cả nước.
Các đại biểu tham dự Hội nghị (Ảnh: HNV)
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được,Thủ đô Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn và cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại. Đó là, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định, bền vững; chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh chưa cao; chuyển dịch cơ cấu còn chậm. Vấn đề quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, ùn tắc giao thông, quá tải hạ tầng, ô nhiễm môi trường một số mặt còn yếu; nhiều dự án trọng điểm triển khai chậm, đội vốn lớn; nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp còn chậm mới đạt 55,8%; tỷ lệ cấp nước sạch mới đạt 50%). Thách thức về chuyển đổi hiệu quả mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, đào tạo lao động, ứng dụng công nghệ mới, thu hút, trọng dụng nhân tài; thách thức về nguồn lực trước yêu cầu phát triển hạ tầng. Phát triển văn hóa - xã hội chưa thực sự xứng tầm với vai trò, tiềm năng, vị thế của Hà Nội. Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt kết quả mong muốn. Công tác quản lý, điều hành của bộ máy hành chính ở một số nơi chưa thực sự quyết liệt; hiệu lực, hiệu quả thấp.Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Hà Nội, chỉ số tham gia của người dân, chỉ số công khai minh bạch, chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân… ở mức thấp.
Thủ đô Hà Nội, với vị thế đặc biệt quan trọng, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm lãnh đạo thường xuyên, trực tiếp. Do đó, Hà Nội cần tạo bước đột phá trong phát triển với một chiến lược phát triển tốt, bài bản, có tầm nhìn dài hạn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng rằng, với bản lĩnh chính trị, trí tuệ, truyền thống đoàn kết, bề dày kinh nghiệm, năng động, sáng tạo; sự phối hợp, giúp đỡ tích cực của các bộ, ngành; sự ủng hộ của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế; sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp, nhất định Hà Nội sẽ hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của mình, đồng thời đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển của đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, để tăng cường thu hút đầu tư và phát triển Thủ đô Hà Nội, cần phải có tư duy mới, cách làm mới. Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian tới, cần huy động tối đa sức mạnh tổng hợp cả về vật chất và tinh thần của Thủ đô và cả nước xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; có kinh tế-xã hội phát triển toàn diện, bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Phấn đấu để Hà Nội thực sự là địa phương đi đầu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đóng góp ngày càng quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Riêng đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, Thủ tướng lưu ý, phải có chiến lược kinh doanh lâu dài, giữ cam kết đầu tư và triển khai dự án đầu tư đúng tiến độ, thượng tôn pháp luật. Phải thể hiện rõ quan điểm "hai bên cùng thắng" trong hoạt động kinh doanh. Nói là làm, đã ký kết thì thực hiện. Song song là phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, chất lượng cuộc sống tại Thủ đô Hà Nội, có trách nhiệm xã hội bảo đảm cho phát triển bền vững. Đặc biệt, tập trung thực hiện đầy đủ các chế độ cho người lao động; quan tâm xây dựng môi trường làm việc tốt hơn nhằm giúp tăng năng suất và tái sản xuất sức lao động.
Trong khuôn khổ Hội nghị lần này, Hà Nội đã trao 73 Giấy chứng nhận đầu tư và Quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 400.000 tỷ đồng tương đương 17 tỷ USD và Biên bản ghi nhớ các dự án, trong đó có 11 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5,4 tỷ USD.
Trước đó, Hội nghị "Hà Nội 2017 - Hợp tác và Đầu tư phát triển" đã diễn ra thành công với sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu. Tại Hội nghị, Lãnh đạo thành phố Hà Nội đã trao các Quyết định chủ trương đầu tư cho 48 dự án; ký 135 Biên bản ghi nhớ các dự án với Nhà nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; đồng thời công bố 136 dự án kêu gọi thu hút đầu tư trong các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ,...kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. (Nguồn: UBND TP Hà Nội)
|
Nhóm PV Ban Kinh tế