Sáng 9/4, tại Hải Dương, lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam với chủ đề "Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới". Chương trình do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức.

Dự buổi đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với nông dân Việt Nam còn có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng và lãnh đạo nhiều bộ, ngành liên quan.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời câu hỏi của nông dân tại buổi đối thoại 

Mở đầu buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chưa bao giờ nền nông nghiệp Việt Nam có nhiều thành quả to lớn như hiện nay do thị trường đã ổn định, xuất khẩu nông sản ngày càng tăng, đời sống nông dân tốt hơn. Theo Thủ tướng, còn nhiều câu hỏi cần đặt ra là tại sao nông dân chưa giàu lên? Tại sao có đến 70% người dân sống ở nông thôn, chiếm trên 43% lao động nhưng chỉ đóng góp cho GDP 18%?. Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển, Chính phủ và nhân dân phải tìm cách tháo gỡ mọi khó khăn để phát triển nền nông nghiệp nông thôn, hướng tới nâng cao đời sống người dân. Thủ tướng mong muốn qua cuộc đối thoại, sẽ có lời giải cho những bài toán nêu trên.

Để không còn điệp khúc “được mùa, rớt giá”

Nông dân Tăng Xuân Trường chia sẻ về tình trạng "được mùa, rớt giá"

Trả lời câu hỏi của nhiều nông dân về tình trạng “được mùa, rớt giá” vẫn thường xuyên xảy ra dẫn đến dư thừa nông sản, việc liên kết, thành lập hợp tác xã (HTX) đã được Nhà nước chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa có sự thay đổi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp ở nước ta đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhiều loại nông sản xuất khẩu có giá trị cao. Nhưng ở đâu đó, vào thời điểm nào đó, vẫn xuất hiện tình trạng nông sản được mùa mất giá và chúng ta phải tìm cách khắc phục tình trạng này.

Theo Thủ tướng để không còn điệp khúc “được mùa, rớt giá” thì việc tìm thị trường, nhất là thị trường cho sản phẩm nông nghiệp đã và đang được Chính phủ và các bộ, ban, ngành nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc tìm thị trường Nhà nước phải làm, nhưng doanh nghiệp, người sản xuất cũng có vai trò quan trọng trong nhiệm vụ này, đó là khâu sản xuất phải theo tín hiệu của thị trường; phân phối phải đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng. Thủ tướng quán triệt tinh thần này đến hộ nông dân, HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp.

Cùng với đó, Thủ tưởng đề cập đến tầm quan trọng của khâu chế biến với vai trò điều tiết thị trường. Phải đẩy mạnh chế biến nông sản hơn nữa, trong đó việc xây dựng các nhà máy chế biến nông sản hiện đại là rất quan trọng. Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp cần tham gia xây dựng nhà máy chế biến để nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.

Hiện nay, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan đang tiếp tục hoàn thiện chính sách, chỉnh sửa và bổ sung Nghị định 210 về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Hi vọng chính sách mới này sẽ tạo động lực giúp thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.

 Ưu tiên đầu tư vốn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp


Nông dân Lương Minh Đồng ở xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đặt câu hỏi về nguồn vốn vay 

Tại buổi đối thoại, nhiều nông dân bày tỏ với Thủ tướng về những khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho sản xuất nông nghiệp. Để duy trì sản xuất, nhiều nông dân cho biết đã phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao, thậm chí phải vay tín dụng đen với lãi suất cao gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng.

Trả lời câu hỏi của nhiều nông dân về vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: Hiện, tổng dư nợ cho vay tam nông đã đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 22% tổng dư nợ nền kinh tế; riêng tốc độ tăng trưởng vốn cho vay lĩnh vực tam nông đạt khoảng 20% (tăng trưởng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 7%). Điều đó cho thấy sự quan tâm sát sao của Đảng, Chính phủ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Theo ông Tú, nguyên nhân dẫn đến tình trạng người nông dân khó tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng là tính minh bạch của  thông tin chưa đảm bảo. Trên thực tế, rất nhiều người vay vốn nhưng không sử dụng hiệu quả đồng vốn, hoặc sử dụng sai mục đích. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, khiến các ngân hàng siết chặt quy định cho vay.

Hiện, Chính phủ đang chỉ đạo sửa đổi Nghị định 55 theo hướng bổ sung một số quy định mới như: Nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm để phù hợp với đặc điểm, chu kỳ sản xuất của từng loại cây trồng, vật nuôi và nhu cầu vốn ngày càng tăng; ưu đãi cho vay nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, vốn từ 50 triệu đồng sẽ tăng gấp đôi lên 100 triệu đồng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú trả lời câu hỏi của nông dân 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, trong năm 2017, Bộ Tài chính đã cấp 600 tỷ đồng cho hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân. Năm 2018, Bộ Tài chính cũng đã đề nghị với Thủ tướng Chính phủ để bổ sung kinh phí và đề nghị Hội Nông dân Việt Nam triển khai các dự án cũng phân cấp cho các đơn vị ngành dọc để đảm bảo hiệu quả nguồn vốn.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Phạm Toàn Vượng nhấn mạnh, cho vay để phát triển nông nghiệp, nông thôn là cam kết quan trọng trong hoạt động của ngân hàng. Hiện dư nợ cho vay đối với nền kinh tế của Ngân hàng Nông nghiệp là 1 triệu tỷ, trong đó trên 50% vốn vay là dành cho khu vực nông nghiệp nông thôn. Về cho vay phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, ngân hàng cũng đã triển khai trước gói cho vay 100.000 tỷ của Chính phủ, nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt hiện không thiếu vốn, còn dư nợ vốn để cho vay và sẽ tìm các giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ những khó khăn giúp cho người nông dân, doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội tiếp cập với nguồn vốn vay, đồng chí Phạm Toàn Vượng khẳng định.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành đã giải đáp nhiều thắc mắc của các doanh nghiệp, nông dân về những vấn đề liên quan đến sản xuất nông nghiệp như: Phương án tìm đầu ra cho sản phẩm; vấn đề về vay vốn, đất đai; quản lý giống cây con, vật tư nông nghiệp; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới...

Chính phủ sẽ quan tâm hơn nữa đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi đối thoại 

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Lần đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với đại diện nông dân trong cả nước, với sự tham dự trực tiếp của đại biểu là các nông dân đại diện đến từ mọi miền Tổ quốc và đại diện Hội Nông dân các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng ấn tượng và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trí tuệ, rất thẳng thắn của bà con.

Thủ tướng đánh giá cao việc đại diện các bộ, ngành thẳng thắn trao đổi, thảo luận, làm rõ, chia sẻ và nhất trí nhiều vấn đề quan trọng từ định hướng chiến lược đến giải pháp cụ thể về nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Chia sẻ về tầm nhìn phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn Thủ tướng nhấn mạnh thời gian tới cần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài; hướng tới nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn; xây dựng lực lượng nông dân có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực. 

Bên canh đó, cần tập trung quyết liệt triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển chế biến sâu, sản phẩm mới, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển doanh nghiệp ở khu vực nông thôn. Chính phủ, các bộ, ban, ngành cần có giải pháp giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tối đa tình trạng bị động, dư thừa sản phẩm, phải giải cứu như thời gian qua. 

Mặt khác, tăng cường dân chủ cơ sở, thường xuyên đối thoại với nông dân, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, nhất là Hội nông dân các cấp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ bà con, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; các đia phương, đơn vị khuyến khích các doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh rõ nét, tập trung xây dựng các chuỗi giá trị nông nghiệp, thực tâm thiết lập quan hệ đối tác với nông dân.

Về phía Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khẳng định sẽ tiếp tục quan tâm sâu sắc hơn nữa đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân, mở thêm các kênh để lắng nghe được nhiều hơn ý kiến của người dân, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, cũng như tạo điều kiện cho người nông dân phát huy hết khả năng để làm giàu cho bản thân, cho đất nước./.

Hoàng Mẫn