Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chúng ta cần có mạng lưới rộng rãi những người làm công tác xã hội 

(Chinhphu.vn) - Chiều 27/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt 50 tấm gương tiêu biểu đại diện cho 400 đại biểu dự Lễ tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng".
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ xúc động được gặp các đại biểu tiêu biểu với những thành tích ấn tượng - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ xúc động được gặp các đại biểu tiêu biểu với những thành tích ấn tượng, là những tấm gương sáng đáng trân trọng của đất nước có truyền thống nhân văn như Việt Nam.

Thủ tướng hoan nghênh Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội lần đầu tiên tổ chức lễ tuyên dương, đề nghị tổ chức thường xuyên hơn, quy mô hơn để “những gương sáng như vậy tỏa ra toàn xã hội”. Chúng ta vui mừng khi được nghe về những tấm gương sáng, lan tỏa trong xã hội, làng xã, cộng đồng, gia đình, đó chính là sức mạnh của dân tộc. Sự hy sinh, cống hiến cho cộng đồng cũng là cho đất nước, cho con người mà “con người là trên hết, không để ai bị bỏ lại phía sau”.   

Theo Thủ tướng, đây là những “tấm gương âm thầm, lặng lẽ nhưng vĩ đại”. Đảng, Nhà nước, nhân dân trân trọng, quý mến, biểu dương, biết ơn.

Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước luôn chăm lo, quan tâm đến những người có công, người nghèo, người khuyết tật. Đó là bản chất nhân văn của chế độ ta. Chúng ta đã làm rất nhiều việc để có một hệ thống trợ giúp xã hội ngày càng tốt hơn về độ bao phủ và mức trợ cấp, hệ thống cung cấp dịch vụ cơ bản cho người dân, đặc biệt là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, được cải thiện cả về số lượng và chất lượng.

 

Thủ tướng ân cần thăm hỏi những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tuy nhiên, bên cạnh sự cố gắng thì nguồn lực của Nhà nước còn rất hạn chế. Nỗ lực của Đảng, Nhà nước không thể bao phủ hết được các hoàn cảnh khó khăn của người dân. Cho nên, trong cuộc sống, trong làng, xóm, vùng núi cao, còn nhiều người vô cùng khó khăn. Vì vậy, những tấm lòng nhân ái, sự hỗ trợ giúp đỡ của cá nhân và cộng đồng là vốn quý để “phủ lại” lần nữa những trường hợp khó khăn ấy cùng với chính sách của Đảng, Nhà nước bởi “khó vạn lần dân liệu cũng xong” như Bác Hồ đã nói. Chúng ta cần có mạng lưới rộng rãi những người làm công tác xã hội, Thủ tướng nói. Vì chúng ta cần những trái tim, tấm lòng hảo tâm của những nhà hoạt động vì cộng đồng, tiêu biểu là 50 gương sáng trong hội trường hôm nay. Theo Thủ tướng, những tấm gương sáng này đã tạo ra năng lượng tích cực cho xã hội và có sức lan tỏa rất lớn về tình yêu thương, nhân ái trong xã hội. Trong khó khăn, người Việt Nam luôn thương yêu, giúp đỡ nhau, thể hiện tinh thần hết sức cao cả và nhân văn, như trong đại dịch COVID-19, có nhiều tấm gương sáng vì cộng đồng, từ cụ già 90 tuổi, đến những em bé đều với những hành động đóng góp rất cảm động. Cũng như trong bão lũ vừa qua, hàng vạn tấm lòng hướng về miền Trung ruột thịt. Những tấm gương sáng đó chúng ta luôn ghi nhớ và vinh danh.

Thủ tướng đề nghị cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp nhân lên những tấm gương tốt trong cộng đồng, nhân lên những điều đáng quý, lan toả tính nhân văn, sự thương yêu đùm bọc của người Việt Nam, “chúng ta lấy cái tốt đẹp dẹp cái xấu”.

Tiếp tục phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc “thương người như thể thương thân”, phong trào “cả nước chung tay vì người nghèo”, phấn đấu đến năm 2030 cơ bản bảo đảm an sinh xã hội cho toàn dân. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, đặc biệt là về công tác xã hội.

 

Thủ tướng tặng bằng khen cho anh Đỗ Hà Cừ, là tấm gương thầm lặng giúp đỡ nhiều người khuyết tật cải thiện cuộc sống và có công việc để mưu sinh - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trong đó, Thủ tướng giao ngành lao động, thương binh và xã hội cần có đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2021-2030, bảo đảm công tác xã hội phát triển sâu hơn, rộng hơn, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ công tác xã hội, phát triển công tác xã hội sang các lĩnh vực y tế, giáo dục, khuyến khích xã hội hóa công tác xã hội.

Cần có khung thể chế để huy động nguồn lực. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội có cơ hội phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, sự đóng góp không ngừng nghỉ cho chăm lo người có công với cách mạng, đối tượng yếu thế.

Nhà nước cũng nỗ lực ưu tiên cân đối nguồn vốn đầu tư cho công tác xã hội. Các cấp, các ngành cần quan tâm để công tác này chuyển biến tích cực hơn nữa.    

Thủ tướng mong các tấm gương có nhiều đóng góp cho xã hội, cộng đồng hơn nữa, không để ai bị bỏ lại ở phía sau, để cho mọi người đều được sống hạnh phúc, tốt đẹp hơn nữa.         

Tại buổi gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng các tấm gương tiêu biểu.

Đức Tuân

198 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1207
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1207
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87195559