Hình ảnh tại Hội nghị (Ảnh: M.P)
Nhiều thành tích nổi bật trong năm 2017
Báo cáo tại Hội nghị, ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017 của cơ quan thuế được giao là 968.580 tỷ đồng, trong đó thu từ dầu thô là 38.300 tỷ, thu nội địa trừ dầu là 930.280 tỷ đồng. Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Bộ Tài chính; sự ủng hộ của cấp uỷ và chính quyền địa phương; sự phát triển sản xuất của cộng đồng doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh; cùng với những nỗ lực nêu trên của tập thể lãnh đạo và công chức thuế trong cả nước, kết quả thu ngân sách năm 2017 của Tổng cục Thuế ước đạt 1.019.041 tỷ đồng, vượt 5,2% dự toán, tăng 11,5% so với năm 2016.
Ông Bùi Văn Nam đánh giá, đây là năm đầu tiên số thu do cơ quan thuế quản lý vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, xác lập đỉnh cao mới trong công tác huy động nguồn lực nội địa, góp phần giảm bội chi ngân sách nhà nước.
Năm 2017 có trên 126.700 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng cũng có trên 67.400 doanh nghiệp chấm dứt kinh doanh, gần 22.000 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh. Đến thời điểm này cả nước có trên 639.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, và về cơ bản chấp hành tốt việc kê khai nộp thuế.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng đã tiến hành trên 103 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra thuế, giúp tăng thu 19 nghìn tỷ đồng. Thu nợ đọng thuế được gần 44.800 tỷ đồng, đạt 60% so với tổng số thuế nợ tính đến cuối năm ngoái.
Đồng thời, ngành thuế cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục duy trì tốt dịch vụ kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế. Đến nay đã có 127/336 thủ tục hành chính thuế được cung cấp trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp ở mức độ 3 và 4. Cụ thể 99,7% số doanh nghiệp tham gia dịch vụ khai thuế điện tử. Trên 97,5% số doanh nghiệp nộp thuế điện tử.
Ngoài ra, trong năm 2017, cơ quan thuế các cấp tiếp tục duy trì thời gian nộp thuế là 117 giờ /1 năm và theo Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới đã ghi nhận Chỉ số nộp thuế chung của Việt Nam tăng 81 bậc, từ xếp hạng vị trí 167 lên xếp hạng vị trí 86/190 quốc gia và vùng lãnh thổ...
Cần quan tâm bảo vệ quyền lợi người nộp thuế
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cải cách chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế chính là một yếu tố quan trọng trong môi trường kinh doanh nước ta. Do đó, vai trò của ngành thuế rất quan trọng trong thực hiện Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động mà Chính phủ thực hiện. Với trung tâm công nghệ hiện đại của ngành thuế, Thủ tướng đánh giá cao và cho rằng cần phát huy để kiểm soát được công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị (Ảnh:M.P)
Thủ tướng đánh giá cao ngành thuế lần đầu tiên thu vượt 1 triệu tỷ đồng, vượt dự toán 5,2% và nhấn mạnh, trong thành tích chung về kinh tế xã hội cả nước năm qua, có sự đóng góp quan trọng của ngành thuế. Thủ tướng vui mừng nhận thấy có 38 địa phương có số thu trên 5.000 tỷ đồng, trong thành tích đó có sự phối hợp đồng bộ của ngành thuế. Công tác hiện đại hóa ngành thuế, nhất là quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nộp thuế thông qua nộp, hoàn thuế đầu tư, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm được đẩy mạnh.
Tuy nhiên tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại của ngành thuế. Theo Thủ tướng, nhiều năm vừa qua, chính sách thuế thay đổi quá nhanh, nhiều, dẫn đến nhiều hệ luỵ cho người dân và doanh nghiệp. Do vậy, cần đảm bảo một chính sách thuế ổn định hơn. Chính sách thuế rất phức tạp, khó khăn, vẫn còn tư duy có lợi cho cơ quan nhà nước, chưa hướng đến bảo vệ quyền lợi người nộp thuế.
Cũng theo Thủ tướng, hiện vẫn còn nhiều tiêu cực xảy ra trong ngành thuế mà dư luận phản ánh dù số lượng ít hơn. Chây ì nợ đọng thuế, chuyển giá vẫn còn diễn ra, dẫn đến thất thu thuế, giảm tính công bằng trong thực hiên nghĩa vụ thuế. Đồng thời, chính sách thuế hiện còn tư duy theo hướng coi trọng tăng thuế suất hơn là mở rộng cơ sở thuế trong khi hoàn toàn có thể mở rộng cơ sở thuế theo những hình thức mới như du lịch trực tuyến, bán hàng qua mạng, kinh tế chia sẻ...
Ngoài ra, Thủ tướng cho rằng, cơ cấu nguồn thu ngành thuế chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra dẫn đến ngân sách trung ương luôn căng thẳng. Cơ chế kiểm soát hoá đơn còn nhiều kẽ hở nên nhiều doanh nghiệp trốn thuế. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, xây dựng cơ sở dư liệu về người nộp thuế đã có tiến bộ lớn nhưng còn chậm, hoá đơn điện tử còn thấp trong khi kê khai điện tử gần 100%. "Đặc biệt, thanh toán điện tử ở Việt Nam, là một trong những điểm yếu nhất, thói quen tiền mặt nặng nề làm ảnh hưởng đến hoá đơn điện tử", Thủ tướng nhận định.
Trong năm 2018, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách Nhà nước; phấn đấu tăng thu ngân sách 3% so với dự toán Quốc hội giao. Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa; bảo đảm tỷ trọng chi đầu tư phát triển 26%, tỷ trọng chi thường xuyên 64,1% trong tổng chi ngân sách Nhà nước.
Để thực hiện mục tiêu đó, Thủ tướng đề ra nhiệm vụ hiện đại hoá ngành thuế, ứng dụng công nghệ thông tin từ khâu khai, nộp thuế, quản lý thuế, từng bước giảm dần tiền mặt; giảm bớt sự tham gia của con người, phát huy vai trò ở khâu giám sát xây dựng ngành thuế. Tích cực triển khai nhiệm vụ nhằm thực hiện cải cách thuế, nghiên cứu chiến lược cải cách thuế ở giai đoạn tiếp theo.
Thủ tướng cũng yêu cầu ngành thuế phải nâng cao chất lượng nhân lực, thực hiện nghiêm quy định về luân chuyển, đào tạo cán bộ, đảm bảo minh bạch. Khi xây dựng chính sách thuế cần xác định chính sách thuế lấy người nộp thuế là trung tâm, quan tâm bảo vệ quyền lợi người nộp thuế, khi thiết kế chính sách thuế, cần mở rộng cơ sở thuế. “Đề nghị sửa đổi pháp luật về thuế tới đây phải quy định rõ bảo vệ quyền lợi người nộp thuế”. Thủ tướng nói.
Ngoài ra, cần tập trung quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh và khu vực ngoài quốc doanh, lĩnh vực còn tiềm ẩn nhiều rủi ro thất thu thuế, gây mất công bằng, nhất là trong bối cảnh thanh toán tiền mặt còn lớn.../.
Minh Phương