|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị với doanh nghiệp lần thứ hai (2017). Ảnh: Quang Hiếu/VGP |
Đầu tuần tới, Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sẽ diễn ra tại Hà Nội. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ ghi nhận một số ý kiến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị chủ trì tổ chức sự kiện này, về bối cảnh và mục tiêu, ý nghĩa của Hội nghị so với các lần tổ chức trước đây.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thông điệp quan trọng của Hội nghị là: “Thế giới đang thay đổi, hội nhập mạnh mẽ, thách thức về môi trường, các vấn đề xã hội ngày một phức tạp, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cần tăng cường đoàn kết, liên kết sức mạnh, phát huy lòng tự hào dân tộc để phát triển lớn mạnh, đồng thời có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với quốc gia, dân tộc, tạo dựng đất nước độc lập, tự chủ, bền vững và hùng cường”.
Những tín hiệu rất tích cực
Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại lần thứ nhất với doanh nghiệp ngay khi vừa nhậm chức năm 2016 và sau đó, Chính phủ đã lần đầu tiên ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Tới năm 2017, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành, chúng ta cũng hướng tới những mục tiêu như phát triển doanh nghiệp bền vững, dài hạn hơn, Thủ tướng tiếp tục chủ trì hội nghị đối thoại với doanh nghiệp lần thứ hai và sau đó, ban hành Chỉ thị tiếp tục triển khai Nghị quyết 35. Năm 2018, Thủ tướng cũng chủ trì các hội nghị chuyên đề, như hội nghị thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, một lĩnh vực lợi thế lớn của Việt Nam.
Năm nay, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hơn và với những biến đổi sâu sắc về công nghệ, mục tiêu đặt ra là làm thế nào để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam liên kết phát triển bền vững. Chúng ta cũng đang chuẩn bị kết thúc năm 2019 và chuyển sang giai đoạn phát triển mới, thông điệp của Hội nghị là khẳng định vai trò, đóng góp của doanh nghiệp với sự ổn định và phát triển của nền kinh tế.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh mới của nền nền kinh tế Việt Nam. Đảng ta đã đã ban hành 3 nghị quyết cho 3 khu vực của nền kinh tế. Với tinh thần luôn đồng hành cùng doanh nghiệp của Đảng và Nhà nước, cũng như sự nỗ lực vươn lên mạnh mẽ của chính cộng đồng doanh nghiệp, sau hơn 30 năm đổi mới, khu vực doanh nghiệp ngày càng phát huy và khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội quốc gia. Tinh thần khởi nghiệp kinh doanh ngày càng mạnh mẽ, thể hiện qua số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao liên tục trong 5 năm gần đây.
Trong những năm gần đây, bên cạnh các tập đoàn nhà nước, doanh nghiệp FDI lớn, đã xuất hiện những tập đoàn kinh tế lớn trong khu vực tư nhân với quy mô ngày càng tăng, tiềm lực lớn tham gia đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có tác động lớn đến phát triển kinh tế- xã hội đất nước như phát triển hạ tầng, công nghệ thông tin, lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực chế tạo kỹ thuật cao,...
Các doanh nghiệp đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ các ngành đơn thuần về khai thác tài nguyên thô sang các lĩnh vực chế biến, chế tạo và dịch vụ, tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, hàng hóa; phát triển các mô hình kinh doanh bền vững, bao trùm hướng tới người thu nhập thấp, nhóm người yếu thế trong xã hội.
Sự linh hoạt và đổi mới sáng tạo trong kinh doanh cũng có những bước tiến lớn và được các tổ chức có uy tín trên thê giới ghi nhận và đánh giá cao. Chúng ta bước theo xu hướng chung không thể tránh khỏi trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ.
Đây là những tín hiệu rất tích cực. Bên cạnh đó, mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng nhưng tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng kinh doanh vẫn còn ở mức cao. Thiếu các doanh nghiệp có quy mô lớn và vừa. Ví dụ, tại TPHCM, trong số khoảng 370.000 doanh nghiệp, chỉ có khoảng 700 doanh nghiệp có vốn đăng ký từ 1.000 tỷ đồng trở lên.
Cùng với đó, năng lực khoa học công nghệ, trình độ quản trị doanh nghiệp, khả năng liên kết yếu, năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp còn có những hạn chế.
Kết quả của hội nghị sẽ được thể hiện qua những nỗ lực cụ thể sau đó của các bộ ngành, địa phương.
Nguồn lực khổng lồ từ doanh nghiệp
Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh: Thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục lập kỷ lục mới. Trung bình từ 2016-2019, mỗi năm có khoảng 120.000 doanh nghiệp thành lập mới, so với mức 70.000-80.000 doanh nghiệp mỗi năm trước đây.
Riêng năm 2019, tính đến tháng 11 đã có 127.000 doanh nghiệp thành lập mới với 1,5 triệu tỷ đồng vốn, đây là con số rất ấn tượng. Dự tính cả năm nay sẽ có khoảng 138.000 doanh nghiệp thành lập mới và 38.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Đặc biệt, có tới gần 40.000 doanh nghiệp tăng vốn với số vốn khoảng 2 triệu tỷ đồng, tức là nhiều hơn cả số vốn đăng ký mới. Và đây là nguồn vốn thật, là nguồn lực khổng lồ, đến từ các doanh nghiệp đang kinh doanh, đang chứng kiến sự cải thiện môi trường kinh doanh.
Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể trong 11 tháng qua là khoảng 80.000, tương đương khoảng 49% so với so với tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động. Đây là tình trạng không mong muốn, nhưng so sánh với các nước thì đây cũng không phải là hiện tượng bất thường.
Có 4 nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này. Thứ nhất là các điểm yếu cố hữu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thứ hai là một số khó khăn của môi trường kinh doanh. Thứ ba là quá trình tự thanh lọc, các doanh nghiệp yếu rút đi nhường chỗ cho các doanh nghiệp có ý tưởng mới, và điều này lại có ý nghĩa tích cực, giúp nền kinh tế tái cơ cấu liên tục. Theo thống kê, có tới 40% trong số này là các doanh nghiệp dưới 3 năm tuổi. Và thứ tư là quá trình các cơ quan nhà nước rà soát các doanh nghiệp ngừng hoạt động từ lâu trên thực tế để thu hồi đăng ký kinh doanh.
Quyết liệt cắt giảm các điều kiện kinh doanh
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Theo quan sát của tôi thì chưa có thời kỳ nào Đảng, Chính phủ thể hiện quyết tâm mạnh mẽ như hiện nay với việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Có những ý kiến đặt vấn đề có cần ban hành một Nghị quyết 02 ngay từ đầu năm về cải thiện môi trường kinh doanh không, nhưng tôi nghĩ Chính phủ sẽ vẫn ban hành Nghị quyết này với một quyết tâm mạnh mẽ.
Nghị quyết 02 được đánh giá độc lập, khách quan và năm 2019, Việt Nam đã đạt kết quả ấn tượng về năng lực cạnh tranh theo đánh giá của WEF. Còn theo đánh giá của WB, tất cả các chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam đều thăng hạng, trừ chỉ số khởi sự kinh doanh tụt hạng, tất cả các chỉ số đều tăng điểm hoặc giữ nguyên. Tuy vậy, tính chung Việt Nam vẫn tụt 1 bậc về môi trường kinh doanh, do nhiều nước khác có cải thiện mạnh hơn chúng ta.
Năm 2020, Nghị quyết 02 năm 2019 sẽ vẫn còn nguyên giá trị và Chính phủ sẽ ban hành một Nghị quyết mới để tiếp tục cập nhật, bổ sung, tập trung vào các nhóm ngành còn dư địa cải cách như thuế, có thể đưa kèm theo các giải pháp chi tiết cụ thể như yêu cầu phải bãi bỏ thủ tục gì, giảm bớt số ngày làm thủ tục.
Trong đó, cắt giảm điều kiện kinh doanh là nhiệm vụ chưa bao giờ dễ dàng. Thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt cắt giảm các điều kiện kinh doanh, chúng tôi đang nghiên cứu thêm cơ chế để kiểm soát các điều kiện được ban hành mới, chẳng hạn như nguyên tắc 1 đổi 1 (ban hành 1 điều kiện thì phải bớt 1 điều kiện) hoặc thậm chí 1 đổi 2.
Doanh nghiệp tự lực phát triển, Nhà nước hỗ trợ
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng: Thời gian qua, với thông điệp “Chính phủ kiến tạo”, tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tự do kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp đã phát triển rất nhanh và mạnh.
Hội nghị lần này là sự kiện hết sức quan trọng, có sự tham dự của đông đảo các hiệp hội doanh nghiệp, cả doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các ngành nghề, các địa phương. Hội nghị sẽ lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia, hiệp hội, tổ chức quốc tế đề xuất các giải pháp và cam kết nỗ lực cùng Chính phủ thúc đẩy lực lượng doanh nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Chính phủ và các bộ ngành cũng sẽ có các cam kết tháo gỡ vướng mắc môi trường đầu tư kinh doanh các năm tới.
Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, nhưng cá nhân tôi cho rằng cần phải tiếp tục ban hành các Nghị quyết mới. Bởi môi trường kinh doanh luôn biến động và các quy định phải thường xuyên điều chỉnh. Quy định này hôm nay hỗ trợ doanh nghiệp nhưng ngày mai lại là rào cản. Các Nghị quyết khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Quan trọng nhất là phải luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để xác định các vướng mắc, khó khăn, kịp thời tháo gỡ. Số lượng Nghị quyết nhiều hay ít không phải vấn đề.
Cá nhân tôi cho rằng doanh nghiệp là người chịu trách nhiệm chính về sự phát triển của mình, còn nhà nước, Chính phủ sẽ tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp tự lực phát triển với sự hỗ trợ của nhà nước. Sắp tới, chúng ta sẽ tiến hành tổng kết Nghị quyết 35 và chúng tôi sẽ trình Chính phủ nghị quyết mới để hỗ trợ doanh nghiệp qua các hoạt động tích cực nhất.
Vừa qua, Đảng đã ban hành 3 Nghị quyết rất quan trọng về phát triển kinh tế tư nhân, về doanh nghiệp nhà nước và về thu hút đầu tư nước ngoài. Các nghị quyết này sẽ thúc đẩy cả 3 khu vực kinh tế cùng phát triển. Hy vọng qua Hội nghị lần này, chúng ta sẽ có thêm nhiều giải pháp mới để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Hà Chính