Thủ tướng trao đổi với công nhân Ford Việt Nam - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Được thành lập năm 1995, Ford Việt Nam là một trong những công ty Hoa Kỳ đầu tiên đầu tư vào Việt Nam kể từ khi hai quốc gia bình thường hóa quan hệ ngoại giao, với tổng vốn đầu tư đến nay hơn 208 triệu USD.
Bên cạnh hai văn phòng đại diện tại Hà Nội và TPHCM, Ford vận hành nhà máy lắp ráp tại Hải Dương với công suất đạt 40.000 xe một năm, tạo 1.300 việc làm cho người lao động.
Thủ tướng tham gia dây chuyền sản xuất, lắp ráp của Ford Việt Nam - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Đây cũng là một trong các nhà máy trọng điểm của Ford ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đến nay, tỉ trọng xe lắp ráp trong nước đã chiếm hơn 70% trong tổng sản lượng bán ra của Ford tại Việt Nam.
Ford Việt Nam cũng là doanh nghiệp có số nộp ngân sách lớn nhất tỉnh Hải Dương, với 2.500 tỷ đồng năm 2022, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng Giám đốc Ford Việt Nam, ông Ruchik Praful Shah cho biết, Việt Nam là một trong 4 thị trường trọng điểm toàn cầu của hãng, cùng với Thái Lan, Australia và Nam Phi.
Thủ tướng đánh giá cao những kết quả hoạt động và phát triển của Ford Việt Nam - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả hoạt động và phát triển của Ford Việt Nam, đặc biệt là đóng góp ngân sách cho tỉnh Hải Dương; đồng thời thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường ô tô Việt Nam; góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tạo công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Thủ tướng chia sẻ, Ford là doanh nghiệp của Mỹ, nhưng đặt nhà máy tại Việt Nam với nhân sự lãnh đạo là người Ấn Độ, Thái Lan, đây là một minh chứng cho thấy xu thế hội nhập và toàn cầu hóa.
Thủ tướng cảm ơn và mong muốn Ford tiếp tục phát huy thế mạnh, kết quả đã đạt được, mở rộng đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển các công nghệ mới, nhất là xe điện, thúc đẩy quản trị hiện đại, đào tạo nhân lực, góp phần chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Thông báo những nét lớn về tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam thời gian qua với những kết quả quan trọng, Thủ tướng mong muốn và tin tưởng Ford sẽ thành công hơn nữa, phát triển bền vững, lâu dài và tăng trưởng cao ở Việt Nam
Về phần mình, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất, thông qua việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, phát triển hạ tầng chiến lược (giao thông, điện, viễn thông…) để giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính, đào tạo nhân lực, đáp ứng các yêu cầu mở rộng đầu tư về thủ tục, đất đai… cùng với đó, Việt Nam giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để các nhà đầu tư yên tâm hoạt động lâu dài.
"Chúng tôi luôn luôn lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn của các bạn, chúng ta lắng nghe, đồng cảm để giải quyết trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp", Thủ tướng phát biểu.
Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn Ford cũng như Chính phủ, nhân dân Mỹ đã luôn đồng hành, chia sẻ với Việt Nam trong phòng, chống dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện với trẻ khuyết tật tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Quan tâm hơn nữa tới các đối tượng yếu thế
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương (phường Phạm Ngũ Lão, TP. Hải Dương).
Hiện Trung tâm có hơn 200 cán bộ, nhân viên, thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy văn hóa, dạy nghề cho gần 477 trẻ em mồ côi, người khuyết tật, người già cô đơn, người tâm thần… - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hiện Trung tâm có hơn 200 cán bộ, nhân viên, thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy văn hóa, dạy nghề cho gần 477 trẻ em mồ côi, người khuyết tật, người già cô đơn, người tâm thần…, trong đó có 327 trẻ em đang học văn hóa. Theo báo cáo, có khoảng 10% các em khi trưởng thành có thể tự lo cuộc sống cho mình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra cơ sở vật chất của Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Kiểm tra cơ sở vật chất của nhà trường và qua nghe báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước là không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; bảo đảm an sinh xã hội là một tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển, với tinh thần "không có ai bị bỏ lại phía sau".
Thủ tướng trao đổi với nhân viên Trung tâm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hiện cả nước có khoảng 100 trung tâm bảo trợ xã hội, đang chăm lo cho khoảng 10.000 người. Thủ tướng đề nghị các cơ quan nghiên cứu, đánh giá toàn diện, cụ thể hơn về thực trạng trẻ em tự kỷ, khuyết tật bẩm sinh, phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp phù hợp, trong đó có việc bố trí, sắp xếp các trung tâm bảo trợ thuận lợi nhất cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục các em.
Thủ tướng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, rà soát các chính sách hiện hành, đề xuất các chính sách dành cho các trung tâm bảo trợ xã hội, điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho các đối tượng bảo trợ xã hội và cán bộ, nhân viên các trung tâm phù hợp điều kiện đất nước; Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, ban hành chương trình giảng dạy, sách giáo khoa phù hợp hơn với các đối tượng đặc thù.
Thủ tướng đề nghị tỉnh Hải Dương, các cơ quan quan tâm, đầu tư hơn nữa cơ sở vật chất cho trung tâm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Hải Dương, các cơ quan quan tâm, đầu tư hơn nữa cơ sở vật chất cho trung tâm, nhất là nâng cấp khu vệ sinh để bảo đảm tốt hơn nữa điều kiện sinh hoạt, học tập của các đối tượng bảo trợ xã hội.
Thủ tướng tặng quà cho cán bộ, nhân viên Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đây là công việc khó khăn, đòi hỏi rất nhiều đức tính, nhất là sự sẻ chia, lòng nhân ái, tình yêu thương, sự kiên trì, nhẫn nại, sự linh hoạt, nhạy bén. Thủ tướng mong các cán bộ, nhân viên Trung tâm luôn tận tâm, làm hết trách nhiệm của mình, coi những người được chăm sóc tại đây như người thân trong gia đình, khuyến khích, tạo động lực, truyền cảm hứng để người khuyết tật, các em nhỏ chịu thiệt thòi luôn nỗ lực, cố gắng vươn lên. Đồng thời, phải có chính sách, chế độ đặc thù, đặc biệt, phù hợp với những người làm công tác này, để họ gắn bó nhiều hơn nữa với công việc, với Trung tâm.
Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
"Làm sao để bù đắp được càng nhiều càng tốt cho các cháu, những người chịu thiệt thòi, với tất cả tấm lòng, trái tim của mình, để họ được hưởng thụ thành quả phát triển của đất nước, tính ưu việt của chế độ chúng ta", Thủ tướng xúc động.
Hà Văn