Thủ tướng kỷ luật Chủ tịch tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành
Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, do đã có vi phạm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng.
|
Chủ tịch tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành (tienphong.vn) |
Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định 941 của Thủ tướng Chính phủ thi hành kỷ luật đối với ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang. Cụ thể, Thủ tướng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Lâm Minh Thành do đã có vi phạm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng. Thời gian thi hành kỷ luật tính từ ngày công bố Quyết định số 1007-QĐ/UBKTTW ngày 20/6/2023 của UBKT Trung ương.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 29 (từ 12-15/6/2023), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả giải quyết tố cáo đối với ông Lâm Minh Thành. Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy ông Lâm Minh Thành đã vi phạm quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác cán bộ và mua sắm, quản lý, sử dụng sinh phẩm, hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật khiển trách ông Lâm Minh Thành.
Vụ án tại Saigon Co.op: Hoàn tất kết luận điều tra bổ sung lần 3
Cơ quan An ninh Điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất Kết luận điều tra bổ sung lần thứ 3, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố bị can Diệp Dũng (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh - Saigon Co.op) và 2 đồng phạm về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”; 6 bị can còn lại bị đề nghị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Các sai phạm của bị can Diệp Dũng và đồng phạm đã gây thiệt hại cho Saigon Co.op gần 115,7 tỷ đồng (trong đó thiệt hại về thuế hơn 29,7 tỷ đồng).
|
Nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Saigon Co.op Diệp Dũng (TTXVN) |
Ngày 5/6/2023, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung 3 vấn đề liên quan đến giám định chủ sở hữu một số tài khoản ngân hàng, quy trình chuyển tiền và các hồ sơ vay ngân hàng, hồ sơ hợp tác đầu tư của 4 doanh nghiệp gồm: Công ty Cổ phần Du lịch Bắc Mỹ An, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Anh Anh Minh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Phước Hùng Anh, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô Thị Mới.
Nêu quan điểm tại Kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan An ninh Điều tra cho biết các công ty trên chưa cung cấp được vì lý do thời gian ký kết các hợp đồng đã lâu. Tuy nhiên, theo các tài liệu từ phía ngân hàng, có căn cứ xác định nguồn gốc số tiền góp vốn vào Saigon Co.op của các công ty này là vốn vay ngân hàng. Việc chưa cung cấp được các hợp đồng liên quan không ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án. Đối với những yêu cầu liên quan đến nghiệp vụ ngân hàng, Cơ quan An ninh Điều tra cho biết đã gửi yêu cầu nhưng đến nay chưa nhận được trả lời từ Tổ giám định tư pháp-Ngân hàng Nhà nước và Saigon Co.op.
Niger: Chính quyền quân sự chỉ định ông Zeine giữ vị trí Thủ tướng
Chính quyền quân sự ở Niger đã thông báo về việc chỉ định ông Ali Mahaman Lamine Zeine giữ vị trí thủ tướng. Động thái mới nhất này diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tìm cách khôi phục trật tự hiến pháp tại quốc gia Tây Phi.
|
Ông Ali Lamine Zeine được chỉ định làm Thủ tướng Niger. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Ông Ali Mahaman Lamine Zeine từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính từ năm 2002 đến năm 2010 dưới thời cựu Tổng thống Mamadou Tandja, có nhiệm vụ giúp khắc phục tình hình kinh tế và tài chính hỗn loạn khi đó. Ngoài ra, chính quyền quân sự ở Niger cũng chỉ định Trung tá Habibou Assoumane nắm giữ vị trí chỉ huy lực lượng bảo vệ tổng thống mới. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế, các nước phương Tây và đối tác của Niger ở Tây Phi vẫn đang tìm cách khôi phục trật tự hiến pháp tại Niger.
Ngày 7/8, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã có cuộc gặp giới tướng lĩnh quân sự của Niger. Tuy nhiên, yêu cầu do bà Nuland đưa ra về việc gặp tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum và lãnh đạo chính quyền quân sự, Tướng Abdourahamane Tiani, đều không được chấp thuận. Trả lời giới báo chí qua điện thoại trước khi rời Niger, bà đánh giá không có nhiều triển vọng trong nỗ lực hóa giải cuộc khủng hoảng ở Niger.
Washington tiến hành bước đi này sau khi thời hạn của tối hậu thư do Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đưa ra cho chính quyền quân sự ở Niger đã trôi qua. Trong tối hậu thư này, lãnh đạo các nước thành viên ECOWAS cảnh báo sẽ sử dụng vũ lực nếu các tướng lĩnh đảo chính không khôi phục quyền lực cho Tổng thống Bazoum sau thời hạn chót 6/8.
Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến mới tại Niger, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ đầy đủ đối với những nỗ lực trung gian hiện nay của ECOWAS. Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại Tây Phi và Sahel, ông Leonardo Santos Simão đã đến Nigeria để cung cấp hỗ trợ kịp thời cho các nước và tổ chức ở khu vực như ECOWAS đang tham gia vào nỗ lực khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger. Trong khi đó, chính quyền quân sự ở hai nước láng giềng Mali và Burkina Faso đã lên tiếng phản đối bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào ở Niger.
Dự kiến, vào ngày 10/8, các nhà lãnh đạo ECOWAS sẽ nhóm họp tại Abuja, thủ đô của Nigeria. Tổng thống Mohamed Bazoum hiện vẫn bị giam lỏng tại dinh thự riêng kể từ khi đảo chính xảy ra hôm 26/7./.