Theo Thủ tướng, những vuông thổ cẩm với những họa tiết, màu sắc sinh động mang ngôn ngữ, thông điệp riêng, thể hiện bản sắc văn hóa, nét thẩm mỹ của từng dân tộc. Thổ cẩm không chỉ được dùng làm trang phục, mà còn là sản phẩm văn hóa tộc người, là quan điểm về thế giới quan, nhân sinh quan, là các giá trị về phong tục, tập quán.
“Chúng ta cũng cần nhìn ra khía cạnh kinh tế với những tiềm năng cần được đánh thức trong từng tấm thổ cẩm mà đồng bào ta đã cần cù làm ra với tất cả niềm tự hào thiêng liêng về bản sắc văn hóa, những nét đặc trưng riêng được chuyển tải bằng chất liệu thổ cẩm”, Thủ tướng nói.
Các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tích hợp khía cạnh văn hóa trong các sản phẩm thổ cẩm, gắn với từng vùng miền, từng cộng đồng, vào chiến lược phát triển du lịch, đặc biệt là các mô hình du lịch văn hóa cộng đồng, trải nghiệm miền núi từ Tây Bắc, Đông Bắc đến Tây Nguyên.
“Hãy để mỗi một tấm thổ cẩm dệt ra đều hàm chứa những câu chuyện đặc sắc về lịch sử, về bản sắc văn hóa, về niềm tin và các giá trị thẩm mỹ đã làm nên sự đa dạng về văn hóa của 54 dân tộc anh em”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn báo chí từ Trung ương đến địa phương phải góp phần xây dựng chiến lược truyền thông và định vị sản phẩm thổ cẩm Việt Nam; những nét khác biệt độc đáo, những giá trị đặc sắc văn hóa cần được chuyển tải một cách sâu lắng và hiệu quả đến người dân, đến du khách trong nước và bạn bè du khách quốc tế. Làm sao từ nay, một trong những món quà Thủ tướng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành tặng các nhà lãnh đạo quốc tế trong các chuyến công du chính là sản phẩm thổ cẩm của đồng bào ta, trong đó có đồng bào Đắk Nông, làm ra.
|
Thủ tướng chào các vị khách quốc tế tham gia lễ hội. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Kiên quyết chống làm giả, làm dối, “vàng thau lẫn lộn”
Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành thời trang, dệt may, hàng tiêu dùng cần hợp tác với các địa phương có thế mạnh về thổ cẩm, các doanh nghiệp có liên quan... cùng nghiên cứu cách tiếp cận, đưa chất liệu thổ cẩm vào các quy trình sản xuất sản phẩm cao cấp như áo, quần, túi xách, các đồ thời trang khác.
Nhắc đến ngành sơn mài của Việt Nam hiện đã được quốc tế quan tâm và đánh giá cao, Thủ tướng bày tỏ tin tưởng nếu có quyết tâm và chiến lược đúng đắn, chúng ta có thể làm được điều tương tự đối với thổ cẩm Việt Nam.
“Chúng ta cần tạo ra sự tương tác mạnh mẽ hơn nữa giữa sản phẩm thổ cẩm với các sản phẩm văn hóa khác”, Thủ tướng lưu ý. Chính phủ sẽ nghiên cứu các cơ chế, chính sách, nhằm nâng cao hơn nữa và phát triển các giá trị truyền thống đích thực; kiên quyết không chấp nhận sự lai căng, những biểu hiện làm giả, làm dối trong sản xuất kinh doanh thổ cẩm; quyết không để “vàng thau lẫn lộn” làm phương hại đến sinh kế, niềm tin của những người làm ra thổ cẩm đích thực, chân chính.
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ kêu gọi tinh thần khởi nghiệp trong đồng bào, đặc biệt là thanh niên, với mục tiêu đánh thức mọi tiềm năng sản xuất kinh doanh thổ cẩm. Nếu Việt Nam không có những doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm thổ cẩm mạnh, có năng lực quản trị, trình độ công nghệ và tư duy thị trường tiên tiến, thì sản phẩm thổ cẩm của chúng ta khó có chỗ đứng trong nước và càng ít có khả năng được thị trường nước ngoài biết đến.
“Hãy nhớ rằng, bảo tồn và phát triển thổ cẩm không chỉ là cơ hội kinh tế mà đó còn là sứ mệnh của chúng ta đối với một phần di sản quan trọng và thiêng liêng đã được trao truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác của đồng bào các dân tộc Việt Nam”, Thủ tướng bày tỏ. Mỗi tấm thổ cẩm dệt ra không chỉ là mồ hôi, công sức, đó còn là tình cảm bao người kết tinh trong đó. Giá trị làm nên tấm thổ cẩm không chỉ là chất liệu mà còn là hoa văn. 54 dân tộc có những nét đặc sắc riêng, nhưng nói chung hầu hết đều sống bằng nghề làm ruộng, trồng bông, dâu, nuôi tằm, dệt vải và thổ cẩm, rồi nhuộm bằng những cây, lá, củ của núi rừng. Do sống hòa mình với thiên nhiên nên các hoa văn thổ cẩm đều hướng về thiên nhiên, là sự hòa quện giữa thiên nhiên với con người, là việc miêu tả đời sống thực, là sự chấm phá, tô điểm nét văn hóa rất riêng của mỗi dân tộc. Đó còn là thể hiện tâm tư, tình cảm, tài năng, phẩm hạnh của người thợ dân gian.
|
Biểu diễn văn nghệ tại lễ hội. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Mỗi tấm thổ cẩm đóng vai trò tích cực trong đời sống xã hội, là thước đo “công, dung, ngôn, hạnh” của người phụ nữ; mượn tấm thổ cẩm để dệt vào bản chất tốt bụng, tài hoa, hiếu khách, trung thực, thẳng thắn, phóng khoáng, hào sảng, giàu tình cảm, bản lĩnh, cương nghị của các dân tộc Việt Nam.
Nhấn mạnh rằng mỗi tấm thổ cẩm bán được còn là sinh kế của rất nhiều người, Thủ tướng kêu gọi hãy cùng chung tay đưa thổ cẩm Việt Nam đến rộng rãi với người dân hơn nữa, tiếp cận du khách, đặc biệt là du khách quốc tế, đến những nhà thiết kế lớn và show diễn thời trang trong nước và quốc tế. Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quảng bá thổ cẩm Việt Nam ra thế giới.
Cho rằng mỗi tấm thổ cẩm chính là sứ giả văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, Thủ tướng nhìn nhận Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất là sáng kiến rất đáng trân trọng, được tổ chức nhân chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập tỉnh Đắk Nông (1/1/2004-1/1/2019), nơi hội tụ vẻ đẹp lãng mạn của Đà Lạt và nét hùng vĩ của Tây Bắc, một vùng đất giàu tiềm năng, bản sắc.
Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTT&DL, các tỉnh, thành phố cùng các nghệ sĩ, nghệ nhân, đồng bào ta, nhất là các địa phương còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống, với tất cả tình cảm và trách nhiệm, hãy hợp tác chặt chẽ, triển khai có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa thổ cẩm truyền thống của các dân tộc Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị cần tập trung gìn giữ để tôn vinh các giá trị văn hóa thổ cẩm Việt Nam, tri ân công lao của các nghệ nhân qua các thế hệ có công sáng tạo, bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm, để trở thành bản sắc văn hóa đặc trưng của từng dân tộc trên mọi miền Tổ quốc.
Đức Tuân