|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Chiều tối nay, nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc để tiếp tục lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của các doanh nghiệp.
Tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, cả nước hiện có 500 hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề, hầu hết là thành viên VCCI. Thời gian qua, các hiệp hội đã làm được nhiều việc rất có ý nghĩa, nhất là tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại, đầu tư, đào tạo và tham gia xây dựng chính sách, xóa đói giảm nghèo. Nhiều bộ, ngành đã thiết lập cơ chế đối thoại thường xuyên với hiệp hội, doanh nghiệp. Một số bộ, ngành, địa phương đã giao cho hiệp hội doanh nghiệp làm nhiều việc như tổ chức “Cà phê doanh nhân”, xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp quận, huyện, sở; thực hiện một số dịch vụ công…
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết một tín hiệu vui mà các doanh nghiệp đón nhận trước thềm “Tết doanh nhân” 13/10 là việc Chính phủ ban hành Chương trình hành động phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 3/10/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW).
Kỳ vọng văn bản này sẽ đem lại ý nghĩa to lớn như “Khoán 10” năm xưa, ông Vũ Tiến Lộc cho biết đây sẽ là niềm động viên, khích lệ to lớn các doanh nhân yên tâm sản xuất kinh doanh, làm giàu cho xã hội và đất nước.
|
Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ đổi mới, cải cách, kiến tạo hơn nữa; sẽ tiếp tục mở các diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp ở các cấp độ, quy mô khác nhau để lắng nghe ý kiến. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, đại diện các hiệp hội, doanh nhân bày tỏ trân trọng và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Các ý kiến cũng đề nghị Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời khẳng định sẽ nêu cao đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, hợp tác cùng phát triển.
Chúc mừng các doanh nhân cùng tiến bước, cùng thành công, Thủ tướng nhấn mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Chính phủ, dự kiến đất nước sẽ hoàn thành và đạt vượt mức các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2017 đã đề ra. Trong thành tích đó, có sự đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp.
Qua các ý kiến phát biểu của lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, Thủ tướng bày tỏ “niềm tin của doanh nghiệp đối với Đảng, Nhà nước, đối với Chính phủ ngày càng nhân lên mà quý vị cho biết đó là điều quan trọng để quý vị có thể yên tâm xây dựng doanh nghiệp mình, hiệp hội mình phát triển lớn mạnh trên tinh thần kinh tế tư nhân là động lực quan trọng phát triển đất nước”.
Thủ tướng cho biết thời gian qua, Chính phủ đã cố gắng làm hết sức mình để cải thiện một bước môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam. Điều này đã được các tổ chức như Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá là Việt Nam có bước tiến bộ.
Với sự tham vấn của các hiệp hội, Chính phủ đã cắt bỏ trên 5.000 thủ tục hành chính, nhất là các điều kiện cản trở môi trường kinh doanh. Dẫn những ví dụ về các chủ trương không hình sự hóa quan hệ kinh tế hay chỉ được thanh tra 1 lần/1 năm đối với doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng,“chúng tôi muốn sửa được chính sách trong thời gian qua thì tiếp cận ý kiến của quý vị, phản ánh của quý vị về sự ràng buộc, gây khó khăn trong kinh doanh là kênh rất quan trọng”.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ đổi mới, cải cách, kiến tạo hơn nữa; sẽ tiếp tục mở các diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp ở các cấp độ, quy mô khác nhau để lắng nghe ý kiến “như cách làm hôm nay của chúng ta”.
“Nếu một cuộc mít tinh bình thường về Ngày Doanh nhân thì rất dễ nhưng lắng nghe ý kiến của quý vị rất quan trọng để ngày này có ý nghĩa với mọi người chứ không phải là hình thức”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng khẳng định cái gì tư nhân, xã hội làm được thì để tư nhân, xã hội làm. Chính phủ sẽ tiếp tục tôn vinh, khen thưởng, bảo vệ doanh nghiệp phù hợp với thông lệ quốc tế. Đẩy mạnh giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp cạnh tranh thành công.
Đề cập đến mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các cấp các ngành tiếp tục lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội.
|
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng mong muốn doanh nghiệp tăng cường nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao năng lực quản trị; có tầm nhìn chiến lược với những bước đi cụ thể. Các hiệp hội làm tốt hơn nữa vai trò duy trì đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp theo tinh thần “muốn đi xa thì cùng nhau đi”. Cùng với đó đề cao đạo đức doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp; quan tâm công tác an sinh xã hội, chia sẻ với người nghèo.
Thủ tướng cũng mong muốn kết hợp giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI để cùng phát triển, “chứ cái lo của các nhà kinh tế chính là sự tách rời giữa khu vực FDI và kinh tế trong nước”.
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã trân trọng tặng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiếc tù và - đây là mẫu giải thưởng đầu tiên dành cho lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp tiêu biểu.
Đức Tuân