|
Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 16. Ảnh: VGP |
Các nhà lãnh đạo ASEAN hoan nghênh Ấn Độ triển khai Chính sách Hành động hướng Đông, tích cực ủng hộ vai trò trung tâm cũng như nỗ lực liên kết khu vực, xây dựng cộng đồng của ASEAN. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định cam kết mạnh mẽ của Ấn Độ với ASEAN và nhấn mạnh ASEAN nằm ở trung tâm Chính sách Hành động Hướng Đông và Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ, tích cực ủng hộ Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP).
Các nhà lãnh đạo ghi nhận quan hệ kinh tế giữa ASEAN và Ấn Độ đang tiến triển rất tích cực những năm qua với kim ngạch thương mại 2 chiều năm 2018 đạt 80,8 tỷ USD và FDI từ Ấn Độ sang các nước ASEAN đạt 1,7 tỷ USD. Hợp tác được đẩy mạnh toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai bên.
Các nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác hiệu quả trên tinh thần Tuyên bố Dehli thông qua tại Cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN-Ấn Độ, nhất là trên các lĩnh vực như trao đổi thương mại- đầu tư, hợp tác biển và đảm bảo an ninh biển, kết nối và phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đường biển, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, thích ứng Cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh giao lưu nhân dân, giáo dục-đào tạo, du lịch v.v...
Các nhà lãnh đạo hoan nghênh quyết định của các Bộ trưởng Kinh tế khởi động rà soát Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Ấn Độ, tận dụng hiệu quả tiềm năng thị trường rộng lớn với 2 tỷ dân của ASEAN và Ấn Độ. Hai bên khẳng định phối hợp thúc đẩy hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) theo đúng tiến độ.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 16. - Ảnh: VGP |
ASEAN và Ấn Độ nhất trí tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực phối hợp thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, hình thành và tuân thủ các chuẩn mực ứng xử, đóng góp duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, trong đó có các hoạt động quân sự hóa, các hành vi đi ngược lại luật pháp quốc tế trên biển, nhấn mạnh ủng hộ lập trường của ASEAN, kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, ủng hộ các nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ đánh giá của các nhà lãnh đạo hai bên về những tiến triển tích cực trong quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ thời gian qua. Thủ tướng nhấn mạnh năm 2020, hai bên sẽ bước vào chu kỳ hợp tác mới với Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2025, cần quan tâm thúc đẩy hơn nữa hợp tác hiệu quả trên các lĩnh vực thuộc quan tâm và lợi ích chung như phát triển kinh tế biển, trong đó có kinh tế biển xanh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số, phát triển du lịch v.v…
Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì an ninh và ổn định trên các vùng biển và đại dương, trong đó có Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới. Thủ tướng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, nhấn mạnh thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, hình thành và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, thực hiện nghiêm túc, đẩy đủ Tuyên bố DOC và xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế để duy trì Biển Đông là vùng biển hòa bình, hợp tác và thịnh vượng.
Đức Tuân