Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đang nỗ lực xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân. Chính phủ đã và tiếp tục có những chính sách đúng đắn, hiệu quả nhằm phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, thân thiện môi trường; gắn kết chặt giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân. Trong bối cảnh đó, người lao động là một bộ phận quan trọng cấu thành của doanh nghiệp, là trí tuệ, là tài sản quý của doanh nghiệp. Chính vì vậy, thời gian qua, Chính phủ đã dành thời gian để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của những người lao động trực tiếp, những kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện thể chế, vì mục đích tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, người lao động có công ăn việc làm ổn định.
Tại buổi đối thoại, đại diện công nhân vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã gửi tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều băn khoăn xoay quanh việc làm cũng như cuộc sống của người lao động. Trong đó, các câu hỏi tập trung vào: Đề án về xây dựng các thiết chế công đoàn; chính sách cho lao động nữ khi Bộ luật Lao động được sửa đổi; Chính phủ có chính sách gì để giúp công nhân đảm bảo việc làm khi còn độ tuổi lao động; tình trạng chậm trễ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của một số doanh nghiệp hiện nay….
Trả lời những vấn đề mà người lao động đặt ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Đề án về xây dựng các thiết chế công đoàn đã được Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất. Theo báo cáo, trong số 2,7 triệu lao động của 344 khu công nghiệp - chế xuất trên cả nước thì có hơn 1,2 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra về nhà ở, nơi gửi trẻ, tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, chăm sóc y tế, hỗ trợ pháp luật cho công nhân lao động hết sức bức thiết. Theo đó Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng các khu thiết chế phục vụ công nhân lao động và đoàn viên công đoàn tại các khu công nghiệp - chế xuất gồm: Thiết chế về nhà ở, nhà văn hóa, thư viện, nhà trẻ, trung tâm hỗ trợ pháp lý pháp luật cho công nhân nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho công nhân.
Thủ tướng cũng đề nghị chính quyền các tỉnh, thành phố phối hợp cao nhất với công đoàn trong việc cấp đất, hỗ trợ hạ tầng để xây dựng nhà ở và thiết chế công đoàn dành cho công nhân. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cần quan tâm, hỗ trợ mọi mặt cho công nhân, giúp họ “an cư, lạc nghiệp”, từ đó người lao động sẽ có điều kiện gắn bó lâu dài tại doanh nghiệp, chung tay xây dựng đất nước.
Đại diện người lao động trình bày những tâm tư, nguyện vọng tới
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ (Ảnh:KS)
Về câu hỏi liên quan đến những chính sách dành cho lao động nữ, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, lao động nữ Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng với khoảng 50% tổng số lao động. Bên cạnh công việc, lao động nữ còn phải làm mẹ, trách nhiệm với các con, các cháu và gia đình. Chính vì vây, Luật Lao động sửa đổi bổ sung đã có một số quy định mới nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ như: chế độ thai sản, chế độ đối với lao động cho con bú, và nhiều chế độ liên quan khác. Trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị, các tổ chức công đoàn cần tiếp tục nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội để bổ sung những điều còn thiếu trong xây dựng và triển khai thực hiện chính sách lao động nữ.
Về thực trạng một số doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong thực tiễn, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp không thực hiện quyền lợi chính đáng cho công nhân. Vì vậy, Luật BHXH sửa đổi có một số điểm thay đổi lớn đó là BHXH Việt Nam có quyền thanh tra, kiểm tra, đôn đốc công tác BHXH ở các doanh nghiệp. Đặc biệt, công đoàn sẽ có quyền khởi kiện người trốn đóng BHXH, doanh nghiệp không đóng BHXH ra tòa án.
“Bên cạnh đó, những điểm mới trong Luật BHXH sửa đổi lần này đã tăng cường quyền lợi, trách nhiệm của các tổ chức công đoàn. Từ những đổi mới này, các tổ chức công đoàn có trách nhiệm, quyền hạn hơn nữa để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động. Tôi hy vọng, với sự quan tâm, giám sát, kiến nghị của công đoàn và tinh thần thực hiện Luật mới, BHXH nước ta ngày càng tốt hơn, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân chúng ta trong thời gian tới”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao 20 ngôi nhà “Mái ấm Công đoàn”
cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn (Ảnh:KS)
Nói về tình trạng các doanh nghiệp hạn chế sử dụng lao động lớn tuổi, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp thu để hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo thị trường lao động bình đẳng, khung pháp lý phù hợp, yêu cầu các chủ doanh nghiệp thực hiện đúng luật lao động đã quy định. Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị, bản thân người lao động cũng cần có biện pháp khắc phục vấn đề này bằng cách nâng cao tay nghề để chứng tỏ rằng tuổi 35-40 tuổi vẫn có thể làm việc tốt và không thua kém lao động trẻ.
Cũng tại buổi đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao 20 ngôi nhà “Mái ấm Công đoàn”, giá trị 1 tỷ đồng cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn và trao tặng bằng khen cho 10 công nhân tiêu biểu trong phong trào lao động sáng tạo./.
Kim Sơn