Thủ tướng có nhiều cuộc đối thoại, tiếp xúc song phương tại Davos 

(Chinhphu.vn) - Bên lề Hội nghị WEF Davos 2019, ngày 24/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp, tiếp xúc, dự đối thoại giữa các nhà lãnh đạo cấp cao và chứng kiến lễ ký Thoả thuận hợp tác về xây dựng Trung tâm cách mạng công nghệ 4.0 và Ý định thư về xây dựng sáng kiến rác thải nhựa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Hoàng hậu Hà Lan Máxima, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về tài chính toàn diện cho phát triển và là chuyên gia có uy tín của Liên Hợp Quốc về lĩnh vực tài chính vi mô; bày tỏ vui mừng được gặp Hoàng hậu, trân trọng mời Nhà vua và Hoàng hậu sang thăm Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đang tập trung xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. Đây là nền tảng rất quan trọng để Việt Nam đạt được các mục tiêu về tài chính toàn diện nói riêng và các mục tiêu chung về phát triển kinh tế xã hội và phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam). Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tại buổi tiếp Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), Thủ tướng khẳng định Hong Kong luôn là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam; đề nghị trong thời gian tới, Việt Nam và Hong Kong tăng cường giao lưu, tiếp xúc dưới hình thức đa dạng giữa các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp và người dân hai bên; sẵn sàng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp lớn của Hong Kong mở rộng đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ vận tải, xây dựng cơ sở hạ tầng, linh kiện điện tử, công nghiệp phụ trợ, chế biến, tài chính, ngân hàng; tích cực tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Thủ tướng đánh giá cao việc Chính quyền Hong Kong quyết định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ Việt Nam; đồng thời đề nghị Chính quyền Hong Kong tạo thuận lợi hơn nữa trong việc cấp thị thực nhập cảnh cho công dân và doanh nhân Việt Nam đến Hong Kong làm việc, học tập, kinh doanh.

Tiếp Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jyrki Katainen, Thủ tướng đánh giá cao quan hệ Việt Nam-EU đang phát triển rất tích cực, tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và nhà đầu tư lớn của Việt Nam. Thủ tướng đề nghị thúc đẩy để EVFTA được ký, phê chuẩn trong quý I/2019 đáp ứng lợi ích của cả hai bên, tạo động lực mới cho quan hệ Việt Nam-EU, đặc biệt về kinh tế;  đề nghị EU hỗ trợ Việt Nam xử lý vấn đề khai thác IUU và sớm dỡ bỏ thẻ vàng đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Về vấn đề Biển Đông, đề nghị EU tiếp tục quan tâm đến an ninh, an toàn hàng hải, ủng hộ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Thủ tướng tiếp Phó Thủ tướng Romania Ana Birchall. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tại buổi tiếp Phó Thủ tướng Romania Ana Birchall, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ với các nước bạn bè truyền thống ở khu vực Trung Đông Âu; chúc mừng Romania đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên EU trong 6 tháng đầu năm 2019; đề nghị Romania thúc đẩy EU sớm ký, phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Hai bên nhất trí tích cực thúc đẩy quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, triển khai các thỏa thuận hợp tác với Romania như việc ký kết Nghị định thư sửa đổi Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2019-2021, Thỏa thuận hợp tác du lịch...; tổ chức họp Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế, khoa học-kỹ thuật Việt Nam-Romania trong năm 2019.

Tại buổi tiếp Tổng thư ký OECD Angel Gurria, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh OECD phối hợp xây dựng Báo cáo rà soát quốc gia đa chiều cho Việt Nam, đề nghị sớm hoàn thành Báo cáo trong năm 2019 để kịp phục vụ cho đánh giá toàn diện, tổng thể việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 và xây dựng Chiến lược phát triển 2021- 2030 của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Tập đoàn Siemens Joe Kaeser. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Nhân dịp này, Thủ tướng đã có nhiều cuộc gặp với các tập đoàn lớn trên thế giới như Siemens, Qualcomn, Google, Total, Allianz, JBIC, GE, Prudential; đặc biệt là cuộc làm việc với lãnh đạo các tập đoàn lớn về công nghệ thông tin trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang đem đến những thay đổi sâu sắc trên toàn thế giới. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam để có thể cạnh tranh bằng sáng tạo trên cơ sở phát huy tinh thần khởi nghiệp, nâng cao chất lượng nhân lực, hạ tầng kết nối. Thủ tướng cam kết Việt Nam sẽ không ngừng cải thiện, khắc phục những hạn chế đang tồn tại, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, hợp tác chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp để loại bỏ các rào cản đối với đổi mới sáng tạo.

Đức Tuân
686 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 654
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 654
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86334193