Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4 

(ĐCSVN) - Theo chương trình, phiên họp thảo luận, cho ý kiến đối với 2 nội dung: Việc lấy ý kiến nhân dân và hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trình Quốc hội; việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4 năm 2023 

Sáng 10/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4 năm 2023. Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quang ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Theo chương trình, phiên họp thảo luận, cho ý kiến đối với 2 nội dung: Việc lấy ý kiến nhân dân và hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trình Quốc hội; việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hiện nay đã hết quý I/2023 và 1/3 của tháng 4, rất nhiều công việc phải thực hiện, Chính phủ chọn các vấn đề trọng tâm, trọng điểm để tập trung thực hiện, song ưu tiên số một vẫn là thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về xây dựng, hoàn thiện thể chế.

Hằng tháng, Chính phủ có một phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, trong khi thực tiễn vẫn diễn biến nhanh, khó lường. Do đó, Chính phủ phải bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để xây dựng pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tai phiên họp

Thời gian qua, các bộ, ngành đã chủ động rà soát các văn bản pháp luật, phát hiện các vướng mắc, trên cơ sở đó điều chỉnh, xây dựng, hoàn thiện pháp luật để khơi thông quá trình phát triển. Quốc hội đã tích cực, đồng hành cùng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là những vướng mắc liên quan đến người dân, doanh nghiệp, trên tinh thần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

Dự kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua 18 dự án luật, pháp lệnh. Đây là khối lượng công việc lớn, cần tập trung chuẩn bị, quyết liệt thực hiện, vừa phải đảm bảo tiến độ, vừa phải đảm bảo chất lượng và theo đúng quy trình xây dựng pháp luật.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) mà Chính phủ xem xét hôm nay đều là những dự án luật quan trọng, khó, phức tạp, nhạy cảm, phạm vi điều chỉnh rộng, có tác động sâu rộng đến người dân, doanh nghiệp, cần sớm tháo gỡ về thể chế. Do đó, Chính phủ phải tập trung trí tuệ, thảo luận về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau, bảo đảm tiến độ, chất lượng; tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đối tượng liên quan để hoàn thiện.

Cũng theo Thủ tướng, trong khi trình các dự án luật và chờ các luật có hiệu lực, nếu có vấn đề vướng mắc phát sinh thì tiếp tục tổng hợp xử lý theo thẩm quyền, hoặc trình cấp có thẩm quyền tháo gỡ. Ngoài ra, trong quá trình phát triển, thực thi, nếu phát sinh vướng mắc thì tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến để sửa đổi, bổ sung; đồng thời đẩy mạnh truyền thông chính sách để việc hoàn thiện thể chế và thực thi pháp luật đạt hiệu quả cao.

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Chính phủ tập trung vào một số nội dung trọng tâm được đông đảo nhân dân quan tâm và một số nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau như: về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; về giao đất, cho thuê đất; về giá đất.

Các đại biểu làm rõ một số nội dung còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật để 2 phương án như: về quyền thuê trong hợp đồng thuê đất hàng năm; thẩm quyền thu hồi đất quốc phòng, an ninh; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; hình thức giao đất, cho thuê đất cho đơn vị sự nghiệp công lập; trường hợp cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất.

Chính phủ cũng thảo luận về việc cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất; việc xử lý đất quốc phòng, an ninh đối với dự án, hợp đồng thuê đất, hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện và đối với doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn; quy định chuyển tiếp, điều khoản thi hành...

Đối với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Phiên họp tập trung thảo luận về: quy định sở hữu nhà chung cư, nhất là quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn; về quyền sử dụng đất gắn với nhà ở do cá nhân nước ngoài sở hữu tại Việt Nam; hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại; chính sách nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang...

Cùng với đánh giá về trình tự, thủ tục trình; nguyên tắc, yêu cầu tiếp thu, giải trình, hoàn thiện, trình dự án Luật; tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật; gợi mở nội dung thảo luận; Thủ tướng Chính phủ trực tiếp cho ý kiến đối với từng nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); giao việc cho các bộ, ngành liên quan tiếp thu, hoàn thiện các dự án Luật.

Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Thủ tướng cho rằng, đây là dự án luật có nhiều nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm, có tác động sâu rộng. Do đó phải xây dựng hết sức thận trọng, kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến của nhân dân phù hợp với thực tiễn; những vấn đề chưa tiếp thu phải thông tin, giải thích rõ để nhân dân thấy sự cầu thị, lắng nghe của Chính phủ đối với ý kiến của nhân dân. Bên cạnh tiếp thu ý kiến đóng góp có chọn lọc, đảm bảo vào Luật Đất đai (sửa đổi) không chồng chéo, mâu thuẫn với các luật chuyên ngành. Đối với các ý kiến còn khác nhau, tiếp tục phân tích rõ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án để đưa ra ý kiến khách quan.

Thủ tướng nhấn mạnh, quá trình chỉnh lý dự thảo Luật, phải hướng tới phát huy tối đa nguồn lực từ đất đai phục vụ phát triển; đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; tăng cường phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới; rõ phạm vi quyền hạn từng cấp, từng ngành; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận đất đai, tránh phiền hà, chi phí không đáng có.

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số trong thực hiện quản lý đất đai; kết hợp chuyển đổi số trong quản lý đất đai với chuyển đổi số trong quản lý dân cư và cơ sở dữ liệu về dân cư; tiếp tục rà soát các quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) với các luật khác; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệp quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Đối với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), cần phân tích rõ ưu, nhược điểm của từng phương án, trong đó thể hiện rõ quan điểm của Chính phủ với phương án được lựa chọn. Nhất là phân tích, làm rõ sự khác biệt giữa quyền sở hữu chung cư với quyền sử dụng chung cư; thời hạn sử dụng chung cư với thời hạn sử dụng đất và căn cứ pháp lý của các vấn đề này trong hồ sơ dự án Luật.

Về quyền sử dụng đất gắn với nhà ở do cá nhân nước ngoài sở hữu tại Việt Nam, những nội dung không trái với Nghị quyết số 18-NQ/TW thì giữ nguyên, đảm bảo sự ổn định của pháp luật.

Riêng, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang cần bổ sung, làm rõ các quy định về ưu đãi cho chủ đầu tư, trách nhiệm của các chủ thể… nhằm minh bạch nguồn tài chính, tạo điều kiện, khuyến khích đầu tư, phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, phải bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công, đấu thầu.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng tổ chức các tổ công tác tới các địa phương rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở xã hội, trên cơ sở thực tiễn hoàn thiện chính sách để áp dụng chung.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến nhân dân, ý kiến của thành viên Chính phủ, hoàn thiện các dự án luật. Theo đó, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp tục quan tâm, trực tiếp chỉ đạo để hoàn thiện các dự án luật theo phân công. Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp với cơ quan trình trong việc hoàn thiện, trình văn bản; bảo đảm tiến độ, chất lượng.

 
Minh Anh
103 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 919
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 919
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87120724