Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu 

(Chinhphu.vn) - Để tìm kiếm giải pháp khai thác tiềm năng, thúc đẩy nhanh, bền vững, nâng cao giá trị ngành hàng lâm sản, vào ngày 8/8 tới đây tại TP. Hồ Chí Minh, sẽ diễn ra Hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu”. Hội nghị sẽ do Thủ tướng Chính phủ chủ trì.

Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, Hội nghị sẽ có sự góp mặt tham gia ý kiến của hơn 500 doanh nghiệp gỗ, các cơ quan ban ngành liên quan, các tổ chức trong và ngoài nước, hội nghị được kỳ vọng sẽ khơi thông những vấn đề còn tồn tại, đồng thời đưa ra định hướng phát triển cụ thể trong thời gian tới.

Độ che phủ rừng năm 2017 lên 41,45% - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Xuất siêu ấn tượng

Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, trong 7 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu lâm sản chính liên tục giữ mức tăng trưởng trung bình trên 14% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu chỉ tăng nhẹ khoảng 0,4%. Do đó, giá trị xuất siêu lâm sản chính là con số ấn tượng của ngành nông nghiệp nửa đầu năm 2018.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu lâm sản chính tháng 7/2018 ước đạt trên 681 triệu USD. Như vậy, tổng giá trị xuất khẩu lâm sản chính 7 tháng đầu năm 2018 ước đạt 5,025 tỷ USD, tương đương với 55,83% kế hoạch năm, chiếm 22,6% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp. Giá trị xuất siêu của lâm sản chính 7 tháng ước đạt 3,77 tỷ USD. Riêng giá trị xuất siêu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,52 tỷ USD.

Các mặt hàng xuất khẩu thuộc nhóm lâm sản chính gồm: Gỗ thành phẩm, dăm gỗ, các loại gỗ khác và một số mặt hàng lâm sản ngoài gỗ như: Mây, tre, cói, thảm, quế. Gỗ thành phẩm đã qua chế biến có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong số các mặt hàng trên, thu về trên 3,2 triệu USD trong tổng số hơn 5,025 USD xuất khẩu của toàn ngành.

Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 78,5% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm 2018. Ngoài ra, các thị trường có giá trị xuất khẩu gỗ tăng mạnh là Malaysia (109% với giá trị: 52,3 triệu USD, mặt hàng chủ yếu là gỗ dán, tấm gỗ dán veneer và các loại gỗ ghép - Mã 4412), Hàn Quốc (52,8%), Pháp (24,8%), Hoa Kỳ (12,5%) và Australia (14,8%). Kim ngạch xuất khẩu lâm sản chính 7 tháng đầu năm 2018 liên tục tăng trưởng, mức tăng trưởng trung bình đạt 14% so với cùng kỳ năm 2017.

Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 14% so với cùng kỳ, nhưng giá trị nhập khẩu chỉ tăng nhẹ. Theo đó, ước giá trị nhập khẩu tháng 7/2018 đạt 170 triệu USD nâng tổng giá trị gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu 7 tháng đầu năm đạt 1,24 tỷ USD, chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân là do các tổ chức, cá nhân đã chuẩn bị vùng trồng rừng nguyên liệu đảm bảo cả về sản lượng và chất lượng để cung ứng cho ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu.

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2018, giá trị nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ so với cùng kỳ năm 2017 giảm mạnh ở các thị trường như Campuchia giảm 51,3%, Thái Lan giảm 8,9%, Malaysia giảm 7,8% và thị trường New Zealand giảm 2,7%. Các thị trường có giá trị nhập khầu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017 là các thị trường có sản phẩm đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ như: Brazil  tăng 39,2%, Chile tăng 26,2%, và Hoa Kỳ tăng 15,6%.

Các loại lâm sản ngoài gỗ được định hướng phát triển để nâng thu nhập cho người giữ rừng - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

 

Gia tăng tỉ lệ nội địa hóa

Trong 10 năm qua, từ chỗ phải nhập khẩu phần lớn máy móc, thiết bị, thì đến nay, ngành công nghiệp chế tạo cũng đã có sự phát triển và đã gia tăng tỉ lệ nội địa hóa. Cách đây 3 năm, từ chỗ phải nhập khẩu, chưa ai nghĩ có ngày Việt Nam xuất khẩu máy chế biến gỗ và dầu màu trang sức bề mặt, thì nay thực tế các sản phẩm này do Việt Nam sản xuất đã hiện diện tại các thị trường Bolivia, Myanmar, Campuchia…

Cùng với sự tăng trưởng và phát triển của ngành chế biến lâm sản, nhu cầu về nguyên liệu gỗ cũng đã có sự gia tăng liên tục. Nguồn nguyên liệu chủ yếu được cung cấp từ nguồn gỗ khai thác trong nước và gỗ nhập khẩu.

Riêng đối với nguồn nguyên liệu trong nước, trên cơ sở thực hiện thành công các chương trình, dự án trồng rừng của Nhà nước trong thời gian qua như: Chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc giai đoạn 1993-1998 (CT 327), Dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 1998-2010 (DA 661); Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2011-2015... đã nâng độ che phủ rừng rõ rệt.

Độ che phủ rừng năm 2017 đã lên 41,45%, từ đó tạo được nguồn nguyên liệu rừng trồng ổn định, hợp pháp cho ngành chế biến gỗ trong giai đoạn từ 2007-2017, sản lượng khai thác gỗ trong nước tăng trưởng ổn định, bình quân hơn 10% /năm. Năm 2017, tổng nguồn nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chế biến gỗ là 31 triệu m3 gỗ tròn, trong đó lượng gỗ rừng trồng khai thác trong nước là 25 triệu m3 (chiếm 75% nhu cầu).

Nhờ phát triển nguồn nguyên liệu trong nước đã tạo điều kiện thuận lợi, từng bước giúp các doanh nghiệp chế biến chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, từ đó đã giảm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Đồng thời tạo ưu thế cạnh tranh cho các sản phẩm gỗ của Việt Nam tại thị trường trong nước và thế giới.

Ngoài ra, ngành chế biến gỗ phát triển, với nhu cầu nguyên liệu ngày càng tăng đã tạo động lực, thu hút đầu tư để phát triển các dự án trồng rừng cung cấp nguyên liệu, điều đó đã gián tiếp góp phần ổn định đời sống cho người dân làm nghề rừng; đồng thời hạn chế phá rừng tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học.

Cùng với đó, với sự phát triển của ngành chế biến gỗ hiện đại cũng đã giữ vai trò thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ như máy móc, công cụ sản xuất, vật liệu kim khí, bao bì, chèn lót và giúp các ngành khác như vận tải, logistic, chế tạo vật liệu mới… cùng phát triển.

Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp cũng cho thấy, về số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp chế biến lâm sản cũng có sự gia tăng, đến nay có khoảng 500.000 lao động, trong đó lao động được đào tạo, làm việc ổn định chiếm 55-60%, còn lại là lao động giản đơn theo mùa vụ chiếm khoảng 40-45% tổng số lao động. Nếu thống kê số lượng lao động trong lĩnh vực trồng rừng, cung cấp nguyên liệu cho chế biến lâm sản, thì ngành chế biến lâm sản còn thu hút hàng triệu lao động ở khu vực nông thôn miền núi trực tiếp đóng góp công sức để gây trồng tạo nguồn nguyên liệu cho sản xuất chế biến lâm sản.

Đỗ Hương

697 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 898
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 898
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87063083