Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo
trật tự, an toàn giao thông (ATGT) 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2019
(ảnh: Báo Thanh niên)
Chiều 22/7, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Trương Hoà Bình- Uỷ viên Bộ Chính trị- Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (ATGT) 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2019.
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Khuất Việt Hùng-Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, trong 6 tháng đầu năm toàn quốc xảy ra 8.385 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 3.810 người, bị thương 6.358 người. So với 6 tháng đầu năm 2018, số vụ TNGT giảm 641 vụ (-7,1%), số người chết giảm 311 người (-7,55%), số người bị thương giảm 679 người (-9,65%). Đây cũng là thời gian số vụ TNGT giảm nhiều nhất trong 4 năm trở lại đây.
Cùng đó, có 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2018 và 11 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2018. Xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 73 người, bị thương 87 người. Trong khi tai nạn giảm thì số liệu từ báo cáo lại cho thấy ùn tắc giao thông lại gia tăng.
Cụ thể, cả nước xảy ra 46 vụ; so với cùng kỳ năm 2018, tăng 8 vụ (17,4%). Nguyên nhân ùn tắc do TNGT là 33 vụ (71,7%), lưu lượng phương tiện đông: 7 vụ (15,2%), nguyên nhân khác (sự cố phương tiện, cháy nổ, sạt lở…): 6 vụ (13,04%).
Các tỉnh có xu hướng gia tăng ùn tắc gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang…Cũng trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý gần 2 triệu trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền 1.274 tỷ 900 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 163.990 trường hợp, tạm giữ 292.287 phương tiện, đồng thời lực lượng CSGT đã phát hiện xử lý 78.117 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn, 239 trường hợp lái xe dương tính với ma túy…
Bên cạnh tình hình TNGT tiếp tục diễn biến phức tạp như kể trên, đáng chú ý là bên cạnh nguyên nhân do thiếu ý thức, sử dụng rượu bia...gây bức xúc trong xã hội thì tình hình vi phạm về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, vi phạm về trọng tải vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Cùng với đó, trong 6 tháng qua trên địa bàn cả nước cũng đã xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ mà một trong những nguyên nhân là do lái xe sử dụng chất gây nghiện, kể cả ma túy.
Để kìm chế TNGT trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tăng cường tuần tra tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông như vi phạm tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, không thắt dây an toàn trên ô tô, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy.
Chủ tịch Quốc hội dâng hương tưởng niệm liệt sỹ ở Vĩnh Long
Kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, sáng 22/7, tại tỉnh Vĩnh Long, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho 72 thân nhân liệt sỹ, đại diện cho 468 thân nhân liệt sỹ trong cả nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; lãnh đạo một số cơ quan của Quốc hội; lãnh đạo các tỉnh: Vĩnh Long Bến Tre, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng, lãnh đạo Quân khu 9, các vị lão lãnh thành cách mạng, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thân nhân các liệt sỹ trên cả nước, đại diện các tầng lớp nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã đến dự.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân và đồng chí Đào Ngọc Dung
trao Bằng Tổ quốc ghi công cho 72 thân nhân liệt sỹ. (ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trao Bằng Tổ quốc ghi công cho 72 thân nhân liệt sỹ.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, thân nhân các gia đình liệt sỹ và những người có công với cách mạng đã cống hiến to lớn cho đất nước; đồng thời khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân mãi mãi khắc ghi công lao to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sỹ, các thương binh và những người có công với nước.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Ghi nhận những công lao đóng góp to lớn đó, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân thường xuyên chăm lo đến công tác thương binh, liệt sỹ, người có công và thân nhân người có công với nước: hệ thống chính sách về người có công được ban hành, sửa đổi, bổ sung thường xuyên cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và được đảm bảo thực hiện đồng bộ; các hoạt động đền ơn đáp nghĩa được triển khai sâu rộng trong cả nước. Qua đó, phần nào đã xoa dịu những nỗi đau, mất mát của những người ở lại, thể hiện được trách nhiệm, tinh thần "hiếu nghĩa, bác ái" của toàn dân tộc ta đối với những người đã hy sinh xương máu cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Đảng, Nhà nước luôn chỉ đạo nhất quán chủ trương "Uống nước, nhớ nguồn", không để người có công nào không được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước và đã giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung rà soát, xem xét, xác nhận người có công với cách mạng, đặc biệt là đối với các hồ sơ không còn giấy tờ gốc, những người giao nhiệm vụ và biết sự việc không còn nữa... Đây là một công việc rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự thận trọng và nêu cao vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác thương binh, xã hội các cấp từ Trung ương tới địa phương.
Qua 3 năm triển khai theo quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với nỗ lực rất cao đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng với những cách làm sáng tạo, thận trọng, chặt chẽ, công khai, minh bạch, đến nay đã xác nhận được gần 2.000 liệt sỹ, trên 2.600 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, trong đó nhiều trường hợp đã hy sinh cách đây 70 - 80 năm.
Trong số 468 liệt sỹ được Nhà nước trao Bằng Tổ quốc ghi công dịp này, có phần lớn các liệt sỹ được xác nhận thuộc thời kỳ kháng chiến chống Pháp: là những bộ đội, đội viên du kích chống càn hoặc những trường hợp hoạt động cách mạng bị địch bắt, tra tấn đến chết trong tù, những thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và trong đó có những tín đồ tôn giáo yêu nước đã hy sinh thân mình vì sự nghiệp cách mạng.
“Đây là kết quả rất đáng biểu dương. Đảng, Nhà nước đánh giá cao vai trò của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, địa phương, sự tham gia tích cực của nhân dân trong quá trình xác nhận, giải quyết hồ sơ tồn đọng. Đây là việc làm thực sự có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc và nhân văn. Đây cũng là trách nhiệm cao cả, nghĩa tình sâu nặng, là sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, của các thế hệ người Việt Nam hiện nay đối với sự hy sinh của bao thế hệ cha, anh đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trân trọng gửi lời chia sẻ, động viên tới các thân nhân gia đình liệt sỹ đã đón nhận Bằng Tổ quốc ghi công sau bao khắc khoải chờ mong.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong việc xác nhận hồ sơ tồn đọng trong ba năm qua; tiếp tục làm công tác này trong thời gian sắp tới. Chủ tịch Quốc hội đề nghị xác nhận đến đâu sẽ công bố cho thân nhân gia đình biết đến đó, không để sự chờ đợi của gia đình kéo dài thêm. Việc công bố chung sẽ được tổ chức lễ long trọng trong các ngày lễ lớn của dân tộc.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và hệ thống chính sách đối với người có công để góp phần thực hiện ngày càng tốt hơn các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, nhằm bù đắp được phần nào những đau thương, mất mát của người có công và thân nhân người có công; đồng thời thực hiện được mục tiêu trong Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác người có công với cách mạng đã đề ra: "phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú".
Chủ tịch Quốc hội chúc các thương binh, bệnh binh và thân nhân các gia đình liệt sỹ, những người có công với cách mạng luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đạt nhiều thành tích hơn nữa, trở thành những tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đồng thời mong rằng mỗi người, mỗi Bộ, mỗi ngành, mỗi địa phương bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, tích cực tham gia có trách nhiệm đối với công tác người có công và phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng", coi đây là trách nhiệm, tình cảm, vinh dự của chúng ta để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có công lao đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thắp hương tại nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Vĩnh Long
(ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Trước đó, trong sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, đại diện Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã tới đặt vòng hoa, dâng hương trước Tượng đài Liệt sỹ; thắp hương, viếng mộ các liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Vĩnh Long.
Cũng trong buổi sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các thành viên Đoàn công tác đã tới thăm và tặng quà gia đình mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Diệu, sinh năm 1932; gia đình bà Huỳnh Thị Hạnh, thương binh 1/4; bà Võ Ngọc Thoại, sinh năm 1950, thương binh.
Thí sinh cả nước bắt đầu điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng
Hôm nay (22/7), thí sinh cả nước bắt đầu điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng theo hai phương thức là trực tuyến và làm phiếu đăng ký xét tuyển.
Với phương thức điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trực tuyến, thí sinh thực hiện từ ngày 22/7 đến 17h ngày 29/7.
Trong lần điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng này, thí sinh chỉ được phép thay đổi, điều chỉnh nguyện vọng, chứ không được bổ sung nguyện vọng, không điều chỉnh ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng.
Khi điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến, thí sinh có thể thay đổi toàn bộ các nguyện vọng cũ, thay thế bằng các nguyện vọng mới, nhưng không được tăng thêm bất cứ nguyện vọng nào.
Đối với phương thức làm phiếu đăng ký xét tuyển, thí sinh phải đến tận nơi đã đăng ký xét tuyển, dự thi trước đây (trường THPT) để thực hiện việc điều chỉnh trên phiếu điều chỉnh nguyện vọng, đóng lệ phí xét tuyển bổ sung nguyện vọng bắt đầu từ ngày 22/7 đến 17h ngày 31/7.
Nếu muốn điều chỉnh đối tượng ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng, thí sinh cũng phải đến tận nơi điểm tiếp nhận hồ sơ để điều chỉnh thông qua phiếu điều chỉnh nguyện vọng.
Thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng một lần duy nhất, nằm trong khoảng thời gian quy định như đã nêu ở trên, sử dụng một trong hai hình thức là trực tuyến và làm phiếu đăng ký xét tuyển. Vì thế, thí sinh cần phải cân nhắc kỹ trước khi điều chỉnh nguyện vọng.
Theo PGS. TS Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam: "Qua kinh nghiệm của bản thân, tôi cho rằng các em nên tham khảo ý kiến của người lớn, người thân trong gia đình, tự tìm hiểu ngành mà mình chọn, đầu ra của ngành đó,… Từ đó, lựa chọn ngành phù hợp với sức khỏe, đam mê của bản thân và tương lai làm việc sau khi ra trường".
Cần cẩu dự án chống ngập đè nhà dân Sài Gòn
Sự cố trên xảy ra vào trưa nay (22/7) tại công trường thi công cống Phú Định (phường 7,Q.8 TP.HCM). Đây là hạng mục thuộc dự án 10.000 tỷ đồng giải quyết ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu; chủ đầu tư là Tập đoàn Trung Nam.
Hiện trường vụ sập cần cẩu. (ảnh: Vietnamnet)
Theo nhiều người dân sống gần khu vực xảy ra vụ việc thì, vào khoảng 12h30 trưa 22/7, mọi người giật mình bởi tiếng động mạnh. Khi chạy ra kiểm tra đã thấy một cần cẩu dài khoảng 25 m tại công trường thi công cống Phú Định ngã đổ về phía nhà dân, khiến mái tôn của căn nhà số 39, đường Đình An Tài bị sập.
Các nhân chứng cho biết, thời điểm xảy ra vụ việc, có 3 người sinh sống trong căn nhà hốt hoảng chạy ra ngoài. May mắn, không có ai bị thương tích...
Sự cố sập cần cẩu này làm gãy một trụ điện khiến toàn khu vực mất điện diện rộng. Cơ quan chức năng đã đến phong tỏa, xử lý hiện trường.
Đại diện tập đoàn Trung Nam xác nhận vụ việc và cho biết, cần cẩu thi công do công ty TNHH thương mại & xây dựng Trung Chính sở hữu; kỹ thuật viên công ty này đang vận hành thì xảy ra sự cố.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng làm rõ.
Sét đánh chết hơn 30 người trong 24 tiếng ở Ấn Độ
Truyền thông địa phương tại Ấn Độ hôm nay (22/7) đưa tin, chỉ trong vòng 24 giờ qua, tại bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ, đã có tới hơn 30 người thiệt mạng và 13 người khác bị thương do bị sét đánh.
Theo Thống đốc bang Uttar Pradesh, Yogi Adityanath, trong số những địa phương có người thiệt mạng, ở thành phố Kanpur và Fatehpur mỗi nơi có 7 người, Jhansi 5 người, Jalaun 4 người, Hamirpur 3 người…
Chính quyền bang Uttar Pradesh đã gửi lời chia buồn đến gia đình có người thiệt mạng, đồng thời thông báo sẽ hỗ trợ cho gia đình mỗi nạn nhân 5.714 USD.
Chính quyền bang Uttar Pradesh cũng nhấn mạnh, vẫn còn quá sớm để lý giải nguyên nhân hiện tượng sét đánh bất thường vừa qua, vì chúng chỉ xảy ra vào ngày hôm qua (21/7) và rải rác ở nhiều nơi trong bang./.
PV tổng hợp