|
Ảnh minh họa |
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính giai đoạn 2016-2020, trong đó tập trung đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020: Đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước; đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, chủ yếu về tài chính - ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, gồm: Thu, cơ cấu thu ngân sách nhà nước (theo lĩnh vực và phân cấp), chi và cơ cấu chi ngân sách (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên,...); bội chi ngân sách nhà nước; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia; huy động vốn vay trong và ngoài nước; huy động và phân phối các nguồn lực trong 5 năm giai đoạn 2016 - 2020; việc thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại ngân sách, nợ công, số kinh phí cắt giảm/dành ra gắn với thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; việc thực hiện các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp đề ra; đánh giá, nhìn nhận những hạn chế, khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện kế hoạch; các nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh nghiệm.
Đánh giá tình hình thực hiện tài chính 5 năm của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2016 - 2020, trong đó tập trung đánh giá việc ban hành các chế độ, chính sách về thu, chi theo thẩm quyền; số thu và số chi đối với các chế độ, chính sách này trong từng năm và 05 năm 2016 - 2020.
Đánh giá các kết quả chủ yếu về tài chính - ngân sách nhà nước như tổng số thu và cơ cấu thu ngân sách trên địa bàn từng năm và 05 năm; phần thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, trong đó chi tiết thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế; các yếu tố tác động đến thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và các giải pháp về chính sách và quản lý thu đã triển khai nhằm huy động nguồn thu ngân sách nhà nước; tổng số thu phí, lệ phí thu được; số chi từ nguồn phí để lại cho các cơ quan thu và số tiền phí, lệ phí nộp ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, đề nghị địa phương đánh giá cụ thể tình hình thực hiện cổ phần hóa và bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của địa phương giai đoạn 2016 - 2020.
Lập kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc lập kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện theo các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Nghị định số 45/2017/NĐ-CP, Nghị định số 31/2017/NĐ-CP, cơ chế đặc thù đối với các địa phương theo quy định và các văn bản pháp luật có liên quan; bám sát dự kiến trình Đại hội Đảng các cấp về các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025; Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị; các Nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ/TW, số 27-NQ/TW, số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương Khóa XII; các Nghị quyết của Chính phủ triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương Khóa XII, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội; giả định tiếp tục các quy định tại thời kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2020.
Xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, trong đó dự báo tình hình kinh tế, tài chính thế giới và trong nước có ảnh hưởng đến khả năng huy động và nhu cầu sử dụng các nguồn lực tài chính - ngân sách nhà nước trong 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; Xây dựng mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, chủ yếu về tài chính - ngân sách nhà nước, gồm: Thu và cơ cấu thu ngân sách, chi và cơ cấu chi ngân sách; bội chi ngân sách nhà nước; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia; huy động vốn vay trong và ngoài nước; huy động và phân phối các nguồn lực trong 05 năm giai đoạn 2021 - 2025; xác định khung cân đối ngân sách nhà nước 05 năm giai đoạn 2021 - 2025, bao gồm: tổng thu ngân sách nhà nước, chi tiết cơ cấu thu theo khu vực; tổng chi ngân sách nhà nước, chi tiết theo cơ cấu chi đầu tư phát triển, chi dự trữ quốc gia, chi thường xuyên, chi trả nợ lãi, chi viện trợ, các khoản chi khác; các yếu tố tác động đến chi ngân sách nhà nước, trong đó có việc tiếp tục triển khai các Nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ/TW và việc triển khai thực hiện cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII; cân đối ngân sách nhà nước: Bội chi ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách trung ương; tổng mức vay của ngân sách nhà nước, bao gồm vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc.
Xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2021 - 2025: dự báo tình hình kinh tế, tài chính, chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu tại địa phương (tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tăng trưởng của các lĩnh vực sản xuất, ngành hàng và giá các sản phẩm, hàng hóa chủ chốt) có ảnh hưởng đến khả năng huy động và nhu cầu sử dụng các nguồn lực tài chính - ngân sách địa phương trong 05 năm giai đoạn 2021 - 2025; xác định mục tiêu tổng quát của kế hoạch tài chính 05 năm của địa phương; mục tiêu, định hướng huy động và phân phối các nguồn lực của địa phương trong thời gian 05 năm kế hoạch; xác định mục tiêu cụ thể, chủ yếu; khung về tài chính - ngân sách của địa phương trên cơ sở các chính sách, chế độ hiện hành...
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, cơ quan trung ương có liên quan lập kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trình cấp thẩm quyền xem xét quyết định, đảm bảo tiến độ theo quy định; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp nhu cầu của doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp công lập về vốn vay, trả nợ được Chính phủ bảo lãnh và vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, để xây dựng hạn mức bảo lãnh Chính phủ 05 năm và hạn mức vay về cho vay lại 05 năm, báo cáo Quốc hội quyết định.
Minh Hiển