Thủ tướng chỉ thị nâng cao hiệu quả sử dụng ODA 

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong tình hình mới cho chi đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên.

 

Ảnh minh họa

Chỉ thị nêu rõ, trong thời gian qua, việc huy động, quản lý và sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài đều tập trung cho đầu tư các dự án, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đã có những đóng góp tích cực cho đầu tư phát triển của đất nước, nhất là trong việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, sản xuất điện, xử lý nước thải, phát triển nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng một số trường học, bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc huy động, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài còn có những hạn chế, bất cập như: Một số dự án được đàm phán, ký kết xong nhưng chưa được các bộ, ngành tổng hợp báo cáo cơ quan có thẩm quyền đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và giải ngân đã cam kết với nhà tài trợ; chất lượng chuẩn bị dự án chưa đạt yêu cầu, quá trình thực hiện dự án chậm tiến độ làm tăng tổng mức đầu tư và chi phí cho công tác giải phóng mặt bằng...

Để sớm khắc phục những hạn chế, bất cập trên đây và phát huy hơn nữa vai trò của các nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, nguồn vốn ODA ngày càng hạn hẹp, nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ hiện nay chủ yếu là vay ưu đãi với lãi suất gần với lãi suất thị trường, việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài trong tình hình mới là hết sức cần thiết.

Tập trung sử dụng ODA chi đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên

Theo Chỉ thị, việc huy động, quản lý và sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài phải gắn với việc cơ cấu lại đầu tư công và định hướng huy động, sử dụng nguồn vốn này trong từng thời kỳ, nhất là việc thực hiện Đề án cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 63/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài chỉ được sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên. Tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quản, người ra quyết định đầu tư, chủ dự án, người sử dụng vốn. Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm rà soát các chương trình, dự án đã ký kết và có hiệu lực, đang triển khai thực hiện, cắt giảm các khoản chi mang tính chất quản lý hành chính như mua sắm xe ô tô, thiết bị văn phòng, khảo sát nước ngoài, nâng cao năng lực, quản lý dự án, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm trên cơ sở thống nhất với nhà tài trợ. Không gia hạn thời gian thực hiện đối với cấu phần chi thường xuyên của các chương trình, dự án ODA đang triển khai thực hiện.

Đối với các dự án vay mới, các dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đàm phán ký kết Hiệp định vay, các bộ, ngành, địa phương không sử dụng vốn vay cho chi thường xuyên, chỉ đề xuất sử dụng vốn vay theo các tiêu chí: (i) ưu tiên sử dụng vốn vay cho khoản chi bằng ngoại tệ (chi nhập khẩu/mua sắm hàng hóa, dịch vụ, tư vấn nước ngoài); (ii) khoản chi cho cấu phần xây lắp trong tổng mức đầu tư; (iii) khoản chi có liên quan đến chuyển giao công nghệ; giải trình rõ sự cần thiết vay vốn có yêu cầu ràng buộc của nhà tài trợ về xuất xứ hàng hóa, nhà thầu. Không sử dụng vốn vay để mua sắm ô tô, thiết bị văn phòng, vật tư, thiết bị dự phòng cho quá trình vận hành sau khi dự án hoàn thành, chi đào tạo, hội thảo. Vốn đối ứng được sử dụng để chi chuẩn bị dự án đầu tư, nộp thuế, trả các loại phí, lãi suất tiền vay, chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý dự án theo quy định.

Các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, giám sát, thực hiện chế độ báo cáo đánh giá định kỳ về mọi hoạt động quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, báo cáo cấp có thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ và công khai nợ công, nợ Chính phủ, nợ chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan thanh tra, kiểm toán.

Công khai các thông tin về khung điều kiện vay ODA, vay ưu đãi

Về phân công tổ chức thực hiện, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính: Công khai các thông tin về khung điều kiện vay ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ chủ yếu để các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án, các tổ chức, cơ quan, các doanh nghiệp làm cơ sở tính toán khi quyết định đăng ký đề xuất dự án dự kiến sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo quy định của Luật Quản lý nợ công.

Bộ Tài chính xây dựng Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm, chương trình quản lý nợ công trung hạn 3 năm và kế hoạch vay, trả nợ công hàng năm, báo cáo cấp thẩm quyền phê duyệt và tổ chức giám sát thực hiện. Thực hiện giải ngân, rút vốn, kiểm soát chi bảo đảm trong dự toán được duyệt. Trao đổi, thống nhất với nhà tài trợ về cơ chế áp dụng tỷ giá thanh toán bằng nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 16/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và Nghị định số 132/2018/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2016/NĐ-CP để phù hợp với Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua.

Đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương lựa chọn chương trình, dự án phù hợp với nguyên tắc, định hướng thu hút vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1489/QĐ-TTg để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất chương trình, dự án.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương: Xây dựng danh mục dự án đầu tư phát triển ưu tiên, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, trong đó cân nhắc kỹ về hiệu quả, quy mô dự án khi đề xuất sử dụng vốn vay ưu đãi. Chỉ vay theo phương thức chỉ định nhà cung cấp, nhà thầu của nhà tài trợ nước ngoài trong trường hợp chứng minh hàng hóa, thiết bị của nhà tài trợ nước ngoài có ưu thế vượt trội về công nghệ. Rà soát các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài, đánh giá khả năng bố trí nguồn vốn trả nợ và bố trí vốn đối ứng, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, khả năng trả nợ của địa phương, chủ dự án, trường hợp các dự án thẩm định không hiệu quả thì không đề xuất triển khai; ưu tiên tập trung nguồn vốn vay ODA cho các công trình, dự án trọng điểm có sức lan tỏa lớn và giải quyết các vấn đề phát triển của quốc gia, vùng và liên vùng.

Không sử dụng vốn vay nước ngoài để nộp thuế, trả các loại phí, lãi suất tiền vay; không sử dụng vốn vay để mua sắm ô tô, vật tư, thiết bị dự phòng cho quá trình vận hành sau khi dự án hoàn thành. Chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý dự án, các khoản thuế, chi phí lãi suất, các khoản phí nước ngoài thu trong thời gian xây dựng phải được bố trí từ vốn đối ứng theo quy định, không sử dụng vốn vay.

KL

276 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 491
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 491
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88938192