Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Báo cáo về công tác năm 2017, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết: tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,81% trong khi kế hoạch là 6,7%, sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi và phát triển toàn diện trên cả 3 lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt 127 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,2%; số FDI giải ngân đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8%. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,53% . Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. 

Xuyên suốt năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nỗ lực xây dựng, theo dõi, giám sát 3 kịch bản tăng trưởng, cũng như xây dựng Nghị quyết 01 và các báo cáo kinh tế hàng tháng, hàng quý… Điều này đã góp phần quan trọng để nền kinh tế đạt và vượt cả 13/13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tiên phong đổi mới, đi đầu trong công tác tham mưu về thể chế, chính sách, góp phần hiện thực hóa tư tưởng đổi mới của Đảng, Chính phủ. Chẳng hạn, tham mưu xây dựng Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, các Nghị quyết 19/NQ-CP, 35/NQ-CP, 70/NQ-CP...; hay tham mưu Chính phủ trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…, cũng như trong thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược… 

Bộ còn quyết liệt đổi mới trong công tác quản lý đầu tư công, đẩy mạnh phân cấp, mạnh dạn từ bỏ những lợi ích và quyền lực trong công tác phân bổ vốn, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công… 

“Những kết quả đó đã củng cố niềm tin, tạo lập không khí phấn khởi, thi đua sáng tạo trong toàn xã hội, góp phần phát triển mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ, bảo đảm an ninh quốc gia, thúc đẩy hội nhập và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung đánh giá. 

Đáng chú ý, báo cáo tại hội nghị, Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết năm 2018, sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát như kinh tế ngầm; kinh tế phi pháp. Cũng theo ông Lâm, hoạt động kinh tế ngầm bao gồm các hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng bị giấu một cách chủ ý nhằm tránh thực hiện nghĩa vụ với nhà nước, với người lao động và với xã hội và tránh thực hiện các thủ tục pháp lý, hành chính như thực hiện báo cáo tài chính, báo cáo thống kê. 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Những thành tích kinh tế xã hội đất nước năm qua có đóng góp quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ đã cùng một số bộ khác đã làm tốt công tác tham mưu cho Chính phủ cơ chế chính sách, giải pháp, nhất là về kinh tế vĩ mô; tham mưu cho Chính phủ nâng cao chất lượng tăng trưởng. 

Bộ cũng đã có nhiều cố gắng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, đã bãi bỏ 1.930 điều kiện kinh doanh được cho là giấy phép con cản trở doanh nghiệp. Bộ cũng đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư quy mô lớn và hiệu quả ở nước ngoài, phối hợp với các địa phương tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư lớn ở trong nước, thu hút sự quan tâm của nhiều tập đoàn lớn của thế giới và trong nước. 

Cho biết xếp hạng năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh, đổi mới sáng tạo, chỉ số phát triển bền vững của nước ta vừa qua đều tăng nhiều bậc, Thủ tướng cho rằng, kết quả này có đóng góp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thủ tướng cũng đánh giá cao Bộ thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trình Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch, Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là những Luật rất quan trọng để khắc phục tình trạng chồng chéo, lợi ích nhóm trong công tác quy hoạch.  

Về nhiệm vụ của ngành năm 2018, Thủ tướng nhấn mạnh, ngành phải tham mưu, làm rõ vai trò của kế hoạch và chống bao cấp, xin cho; công tác kế hoạch và xã hội hóa nguồn lực; thị trường và định hướng trong chỉ đạo thực hiện kế hoạch, nhất là phân bổ nguồn lực. 

Nhắc lại việc Việt Nam có thể trở thành một “con hổ kinh tế” mới ở Châu Á, tại sao không?!, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Cục, Vụ, Chủ tịch UBND tỉnh trả lời câu hỏi này để tham mưu tổng hợp cho Đảng và Nhà nước. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu, trước mắt Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các tỉnh cần vận dụng áp dụng Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để thúc đẩy phát triển. 

Đánh giá Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có cố gắng trong công tác tham mưu, tổng hợp, điều phối chính sách vĩ mô, nhưng Thủ tướng đánh giá, nhiệm vụ trọng tâm này của ngành thời gian qua còn chưa tốt. Trong nhiều trường hợp Bộ chưa thể hiện được là vai trò là nhạc trưởng trong điều phối vĩ mô, trong đó có kế hoạch tăng trưởng. Dù có nhiều cơ quan nghiên cứu, nhưng Bộ lại chưa có những báo cáo phân tích đánh giá sắc sảo thực trạng nền kinh tế và những nhiệm vụ cần làm. Do đó, Thủ tướng đề nghị, với tư cách là Tổ trưởng Tổ Kinh tế vĩ mô, Bộ cần nhận thức rõ nhiệm vụ tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng:    

Thủ tướng  yêu cầu Bộ Kế hoạch Đầu tư cần thường xuyên theo dõi Nghị quyết 01/2018 để đề xuất kịch bản tăng trưởng Quý 1 và các quý tiếp theo. Cùng với đó là tính đúng, tính đủ quy mô GDP,  huy động tốt nguồn lực đầu tư phát triển. 

Tại hội nghị, Thủ tướng đã nêu lên nhiều bất cập trong triển khai đầu tư công hiện nay và chỉ đạo Bộ cần đề xuất biện pháp để không xảy ra lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.  

Theo đó, từ thực tế các địa phương phương đang gặp phải, Thủ tướng cho rằng, Luật Đầu tư công đang áp dụng có một số vướng mắc cần sửa đổi. Thủ tướng nêu ví dụ như nhiều dự án ứng vốn mà không có nguồn cho dự án khởi công mới chuyển tiếp; nợ đọng xây dựng cơ bản; hay việc thực hiện giao vốn đầu tư công còn rất chậm, trong đó có giao vốn trái phiếu Chính phủ và 21 chương trình mục tiêu quốc gia… Dù năm 2017 giải ngân vốn đầu tư công có được cải thiện, nhưng Thủ tướng yêu cầu khắc phục tình trạng này, trong đó Thủ tướng lưu ý có sự “kêu ca” đối với một số vụ, đơn vị cụ thể của Bộ.  

Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo, trong năm 2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo lãnh đạo Bộ, các vụ, cục và từng cán bộ, viên chức của Bộ tập trung xử lý triệt để tồn tại hạn chế trong công tác đầu tư công. Khẩn trương hoàn thiện trình Quốc hội Luật Đầu tư công sửa đổi để khắc phục các vướng mắc. Bộ cũng cần phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ ngành, nghiên cứu xây dựng phương án huy động nguồn lực đầu tư, các công trình kết cấu hạ tầng trọng yếu như đường cao tốc Bắc Nam, đường sắt cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành. 

Phải chấn chỉnh mạnh mẽ công tác đấu thầu dự án theo hướng công khai minh bạch, không để kéo dài tình trạng có quân xanh-quân đỏ trong đấu thầu dù bất cứ cấp nào - Thủ tướng chỉ đạo. 

Cho rằng công tác cải cách hành chính mới chỉ đạt kết quả bước đầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư  cần cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo đó phấn đấu năm nay có thêm 150 nghìn doanh nghiệp mới, để đến năm 2020 có trên 1 triệu doanh nghiệp. Nhấn mạnh đến việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Thủ tướng yêu cầu bỏ ngay cơ chế “xin-cho”  nặng nề còn tồn tại. “Các đồng chí phải thay đổi tư duy của toàn bộ cán bộ, công chức, phải từ bỏ tư tưởng chờ địa phương doanh nghiệp đến gặp mới xử lý, phải đặt lợi ích chung, yêu cầu nhiệm vụ lên trên hết " Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần thực hiện chủ trương 10 chữ năm 2018 là Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả - Thủ tướng đã chỉ rõ./. 

Theo TTXVN