Thủ tướng biểu dương ‘tư tưởng, giải pháp và hiệu quả cải cách’ 

(Chinhphu.vn) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng khen ngợi tư tưởng, biện pháp và hiệu quả cải cách của BHXH Việt Nam, đồng thời lưu ý 5 vấn đề cần tiếp tục làm tốt. Còn Tổng Giám đốc BHXH thừa nhận với cơ quan này thì 'không cải cách là chết'.

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngày 18/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu đoàn kiểm tra Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao. Trước buổi làm việc, đoàn công tác đã khảo sát tại Trung tâm Điều hành hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) của BHXH.

Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng cho biết đây là buổi làm việc thứ 58 của Tổ công tác kể từ khi được thành lập tháng 8/2016. BHXH là cột trụ rất quan trọng của quốc gia về an sinh xã hội, được Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm.

Tổ trưởng Tổ công tác chuyển lời khen ngợi, đánh giá cao của Thủ tướng về 5 vấn đề tới BHXH Việt Nam và Tổng Giám đốc BHXH Nguyễn Thị Minh.

Trước hết, BHXH là một trong những đơn vị cải cách sớm nhất, sớm đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, chia sẻ thông tin, giám sát việc thanh toán, chi trả bảo hiểm.

Hệ thống công nghệ thông tin của BHXH được triển khai từ Trung ương tới 63 tỉnh, thành phố, 709 huyện và tất cả các cơ sở y tế. Đã giảm mạnh thời gian nộp BHXH của các doanh nghiệp từ 335 giờ/năm trước đây xuống còn 45 giờ, giảm từ 115 bộ TTHC xuống còn 28 bộ.

“Quan trọng nhất là tạo minh bạch, rất rõ ràng trong quản lý điều hành và đặc biệt mang tính chất phục vụ với người dân, người đóng bảo hiểm, kiểm soát cơ sở khám chữa bệnh để chống những kẽ hở có thể lợi dụng trong thanh toán bảo hiểm...”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ.

Cũng rất đáng hoan nghênh là việc BHXH đã xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, trong khi cơ sở dữ liệu về dân cư nói chung chưa có. “Thủ tướng đánh giá cao và cũng đề nghị báo chí khích lệ kết quả này của BHXH Việt Nam”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu.

Thứ hai, BHXH đã có nhiều giải pháp mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, việc này rất quan trọng. Năm 2017, có 13,9 triệu người tham gia BHXH, 79,9 triệu người tham gia BHYT, 11,8 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiêp. Hết 9 tháng đầu năm 2018, con số tương ứng đã tăng lên 14,34 triệu người, 82 triệu người và 12 triệu người.

Thứ ba, công tác thanh tra chuyên ngành đạt nhiều kết quả, nhất là trong phát hiện, xử lý các đơn vị nợ đọng bảo hiểm.

Thứ tư, công tác thực hiện chính sách BHYT có nhiều chuyển biến, đặc biệt phát hiện kịp thời các vi phạm trong thanh toán. Hiện hệ thống thông tin giám định BHYT đã được kết nối tới 12.000 cơ sở y tế.

“Qua hệ thống giám sát như chúng tôi thấy hôm nay thì việc phát hiện, kiểm soát, cảnh báo vi phạm rất kịp thời, chi trả đúng người, đúng việc hơn. Dư luận trước đây nói nhiều về tiêu cực trong thanh toán bảo hiểm, nhưng giờ giảm rất nhiều”, Bộ trưởng phát biểu.

Thứ năm, hệ thống đại lý bảo hiểm được mở rộng với trên 11.000 đại lý trên cả nước.

Đoàn công tác khảo sát tại Trung tâm Vận hành hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) của BHXH - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

“Xin chuyển lời khen ngợi của Thủ tướng về 5 vấn đề như vậy, đặc biệt là về tư tưởng cải cách, biện pháp cải cách và hiệu quả cải cách, tác động rõ rệt tới kinh tế xã hội đất nước, tạo công khai, minh bạch, rõ ràng giữa các cơ quan nhà nước, cơ quan bảo hiểm và người dân. Như trước đây, các cụ đi năm ba cây số mới nhận được tiền lương, hoặc đưa tiền cho xã rồi nhưng xã còn lâu mới đưa tới người nhận thì nay trả lương ngay tại điểm bưu điện văn hóa xã, rất nhanh”, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết ông “ngưỡng mộ” hệ thống công nghệ thông tin của bảo hiểm, nhưng lưu ý rằng cần hết sức chú ý việc bảo đảm an toàn cơ sở dữ liệu, đây là vấn đề hết sức quan trọng.

Cùng với đó, Tổ công tác cũng nêu 5 vấn đề để BHXH tiếp tục làm tốt hơn.

Thứ nhất, cần làm tốt hơn Nghị quyết 28 của Trung ương về cải cách chính sách BHXH, đặc biệt là về sắp xếp bộ máy, ứng dụng CNTT, cung cấp hơn nữa nhiều dịch vụ công trực tuyến với chất lượng tốt hơn.

“Không đơn giản mà BHXH làm được mã số định danh cho 82 triệu công dân, trong khi cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư chưa có. Nhưng làm sao chuyển sang thẻ điện tử hết, số hóa hết, chia sẻ được các dữ liệu”, Bộ trưởng nói.

Thứ hai, phải phát triển rộng hơn nữa đối tượng tham gia BHXH, đây là mục tiêu được nêu nhiều trong các nghị quyết của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ. Hiện mới có 14,34 triệu người tham gia BHXH, mới chiếm 27% số người trong độ tuổi lao động. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động về lợi ích BHXH tự nguyện là nhiệm vụ rất lớn.

Thứ ba, dư luận, báo chí vẫn thường đề cập tới khả năng mất cân đối trong thu chi bảo hiểm y tế. BHXH đã có nhiều giải pháp nhưng cần tích cực hơn nữa trong việc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng để tránh việc mất cân đối.

Thứ tư, BHXH đã có nhiều giải pháp tốt để kiểm soát, giám sát tự động trong chi bảo hiểm, giảm tiêu cực, gian lận, trục lợi bảo hiểm, cần làm tốt hơn nữa.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ năm, có những thông tin cho rằng y tế tư nhân đang bị coi là yếu thế trong ký kết, thương thảo thanh toán bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội. Do đó, BHXH cần cố gắng bảo đảm công khai, bình đẳng, minh bạch giữa các cơ sở y tế công lập và tư nhân, giữa các bệnh nhân của các cơ sở này.

Về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao, tính từ đầu năm 2017 tới nay, BHXH được giao 84 nhiệm vụ, trong đó có một nhiệm vụ đã được dừng có lý do, 57 nhiệm vụ đã hoàn thành, còn 26 nhiệm vụ chưa hoàn thành trong thời hạn cho phép.

“Như vậy, BHXH là một trong những đơn vị vị gương mẫu, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Tổ công tác hoan nghênh và xin chuyển lời khen ngợi của Thủ tướng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu.

Các ý kiến phát biểu tại buổi kiểm tra đều đánh giá cao những nỗ lực, kết quả mà BHXH đã đạt được. Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều vấn đề góp ý.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đặt vấn đề, nguồn thu của BHXH rất lớn, vậy việc đầu tư như thế nào để sinh lời lớn, báo cáo của BHXH chưa đề cập nội dung này. “Có thể gửi ngân hàng để lấy tiền lãi, tốt hơn nữa thì đầu tư vào các công ty với lợi nhuận hàng chục phần trăm mỗi năm”, vị chuyên gia gợi ý.

Cùng với đó, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung nhận xét báo cáo của BHXH chưa đề cập chi phí hoạt động hằng năm của BHXH là bao nhiêu, chiếm bao nhiêu phần trăm tổng thu, có giảm được không, đây cũng là một chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động.

Hơn nữa, cần tiếp tục các giải pháp để người lao động có động lực đóng bảo hiểm, muốn tham gia bảo hiểm chứ không phải họ bắt buộc phải tham gia.

Đại diện VCCI đề nghị nên có thời gian phù hợp hơn để các doanh nghiệp thích ứng với các chính sách mới về BHXH, đồng thời khi xử phạt xong vi phạm về bảo hiểm thì BHXH nên có cán bộ hướng dẫn doanh nghiệp để doanh nghiệp biết sai ở đâu và không vi phạm lại.

'Không cải cách là chết'

Phát biểu tại buổi kiểm tra, Tổng Giám đốc BHXH Nguyễn Thị Minh chia sẻ, để có được kết quả như hôm nay, BHXH xác định “không cải cách là chết”, bởi khối lượng công việc cực kỳ lớn.

Đơn cử, mỗi năm cơ quan này phải giám định trên 170 triệu lượt hồ sơ thanh toán bảo hiểm, rà đến từng viên thuốc. Cùng với đó, quản lý hơn 14 triệu người tham gia BHXH, “mỗi cán bộ khi thay đổi phụ cấp đều phải cập nhật”, 4 triệu người hưởng lương hưu… “Đã có thời gian cán bộ chúng tôi phải thường xuyên làm việc tới 9-10 giờ đêm, hơn 1.000 cán bộ bỏ việc”, bà Minh nói.

Tinh thần phục vụ, cải cách đã đem lại hiệu quả thực sự, bà Minh cho biết, từng có trường hợp cán bộ bị kỷ luật vì vô cảm với người dân. “Quy định là phải có tóm tắt hồ sơ bệnh án mới được thanh toán, nhưng bệnh nhân đó chỉ có tóm tắt bệnh án, tức thiếu mất hai chữ “hồ sơ”, cán bộ bắt người đó phải đi 250km để làm lại”, bà Minh kể.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc thừa nhân đúng như các ý kiến góp ý, cơ quan này mới đi được 70-80% quãng đường cải cách và cần tiếp tục đẩy mạnh. Mục tiêu đến năm 2021, nâng tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội lên 35% vẫn là rất áp lực.

Tổng Giám đốc BHXH cũng kiến nghị nhiều nội dung, như đề xuất Chính phủ ban hành một Nghị định về chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, nhất là về trách nhiệm của các bên trong bảo mật các dữ liệu đã được chia sẻ.

Kết luận buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng đề nghị BHXH xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện 5 nội dung mà Thủ tướng đã gợi ý cần làm tốt hơn. Đồng thời, thực hiện tốt 26 nhiệm vụ được giao chưa hoàn thành.

Tổ công tác sẽ tổng hợp đầy đủ kết quả kiểm tra và các kiến nghị của BHXH để báo cáo tại phiên họp Chính phủ sắp tới.

Bộ trưởng cho biết, vừa qua Thủ tướng đã thành lập và đứng đầu Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử. Đồng tình với kiến nghị cần xây dựng Nghị định về chia sẻ dữ liệu, Bộ trưởng cho biết những kết quả của BHXH trong ứng dụng CNTT là khích lệ lớn với VPCP và các cơ quan khác trong việc thực hiện nhiệm vụ này.

Hà Chính

359 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 258
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 258
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87208939