Thủ tục quá rườm rà, ngư dân Quảng Trị ngóng mãi tiền bảo dưỡng tàu 67 

Đoàn tàu vỏ thép của tỉnh Quảng Trị được đóng mới theo NĐ 67 ra khơi đánh cá khá hiệu quả. Tuy nhiên, trong đó có rất nhiều chiếc tàu đi biển đã quá một năm nhưng chưa được lên đà bảo dưỡng lần đầu theo quy định.

Ngư dân phải vay nóng tiền bảo dưỡng tàu 67

Thấy vỏ tàu bị hoen rỉ, ông Võ Minh Bình ở xã Gio Hải, huyện Gio Linh, chủ tàu vỏ thép QT 98777 đã phải vay nóng tiền để cho tàu lên đà bảo dưỡng. Theo NĐ 67 thì Nhà nước sẽ hỗ trợ 1% trị giá chiếc tàu cho ngư dân có thêm điều kiện lên đà bảo dưỡng tàu lần đầu. Ông Bình trước đó đã vay ngân hàng 14,5 tỷ đồng đầu tư đóng tàu vỏ thép, công suất trên 800CV. Như vậy, ông Bình sẽ được hỗ trợ 1% tương đương 145 triệu đồng.

08-45-13_bo_duong_tu_vo_thep
Không ít ngư dân Quảng Trị phải vay tiền nóng để bảo dưỡng tàu vỏ thép tại Cty Đóng tàu cửa Việt

Trên thực tế, số tiền công phải trả cho các công ty đóng tàu thực hiện lên đà bảo dưỡng gấp 1,5 lần. Ông Bình cho biết đến tháng 3 vừa rồi tàu của ông đã đi biển được 1 năm, khi đó phát hiện vỏ tàu đã gỉ. Vì Nhà nước chưa hỗ trợ tiền bão dưỡng nên ông cho tàu đi liều thêm 6 tháng nữa. Khi cặp bờ ông tá hỏa vì lớp vỏ thép phía ngoài bị nước biển làm cho gỉ sét nhiều hơn. Nếu không kịp bảo dưỡng sẽ rất nguy hiểm cho tàu nên ông Bình đã vay tiền nóng đưa tàu đi bảo dưỡng. Mới đây, ông Bình đã viết đơn gửi cơ quan chức năng đề nghị được hỗ trợ khẩn cấp khoản tiền 1% giá trị con tàu cho các chủ tàu vỏ thép có điều kiện lên đà bảo dưỡng.

Tại Cty Đóng tàu Cửa Việt, ngư dân Đoạn Dũng ở thị trấn Cửa Việt, chủ tàu vỏ thép “Tiến Dũng QT 9099”, có công suất trên 800 CV, trị giá đầu tư 15,2 tỷ đồng cũng đang đưa tàu lên đà bảo dưỡng lần đầu. Ông Dũng cho biết đã quá hạn bảo dưỡng, tàu gỉ sét hết vỏ, mà đợi tiền của Nhà nước chưa biết khi nào nhận được nên đã vay nóng 230 triệu đồng trả cho công ty bảo dưỡng tàu.

Không đủ tiềm lực tài chính như hai người trên, ngư dân Nguyễn Văn Hóa ở thị trấn Cửa Việt, chủ tàu vỏ thép QT 9333, có vốn vay đầu tư 14,5 tỷ đồng, công suất hơn 800 CV, đã đi biển 18 tháng, nhưng chưa được bảo dưỡng lần đầu. Sợ tiếp tục đi biển tàu sẽ chóng hỏng phần vỏ nên ông Hóa chấp nhận cho tàu nằm bờ đợi tiền bão dưỡng. Không đi biển được ngư dân lại không thể có tiền trả nợ vốn vay và lãi cho các ngân hàng.

Ông Phan Văn Nghi, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết riêng huyện này đã có 8 tàu vỏ thép hoạt động hơn một năm trên biển, toàn bộ đã bị hoen gỉ vỏ do chưa được bão dưỡng. Chưa nhận được tiền hỗ trợ 1% cho việc bảo dưỡng, nhiều ngư dân viết đơn gửi lên huyện. Trước tình hình này huyện đã đề nghị Sở NN-PTNT Quảng Trị sớm có hướng dẫn thủ tục nhận tiền hỗ trợ cho ngư dân như một số tỉnh khác đã thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Thụ, Giám đốc Cty Đóng tàu Cửa Việt đang thực hiện bảo dưỡng cho 2 tàu vỏ thép quá thời hạn của ngư dân huyện Gio Linh. Thông thường để bảo dưỡng lần đầu hoàn chỉnh cho mỗi chiếc tàu vỏ thép mất thời gian đến 20 ngày. Ông Thụ cho biết khi đưa hai chiếc tàu lên đà, phía vỏ tàu đã quá hoen gỉ vì bị nước biển bào mòn. Nếu ngư dân không cho tàu lên đà bảo dưỡng đúng quy định thời gian, sau 5 năm nước biển sẽ làm thủng vỏ gây chìm tàu là chuyện đương nhiên.  

Thủ tục quá rườm rà

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Văn Huân - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị thừa nhận việc nhiều tàu vỏ thép quá hạn bảo dưỡng lần đầu là đúng như ngư dân phản ánh. Vì vậy, Sở đề nghị các ngư dân khi tàu đến thời hạn phải mang đến các công ty đóng tàu bảo dưỡng. Sau đó, chủ tàu gửi hồ sơ gồm hợp đồng liên quan đến đầu tư, bão dưỡng tàu lên cấp xã chứng nhận rồi trình lên huyện, lúc đó huyện sẽ trình lên Sở NN-PTNT. Trên cơ sở này, sở kiểm tra lại các hồ sơ và trình lên UBND tỉnh phê duyệt thì khi đó ngư dân sẽ nhận được số tiền hỗ trợ 1% bảo dưỡng này. Ông Huân đốc thúc ngư dân phải thực hiện ngay công việc bảo dưỡng tàu đúng quy định, không được để chậm trễ ảnh hưởng đến chất lượng vỏ thép.

Tuy nhiên, nhiều chủ tàu vỏ thép than rằng thủ tục quy định để nhận được 1% trị giá chiếc tàu phục vụ công tác bảo dưỡng là quá phức tạp và rườm rà. Các ngư dân mong muốn, tỉnh Quảng Trị tạo điều kiện thuận lợi để bà con sớm nhận được khoản tiền này. Vì thực tế mỗi tàu muốn được bảo dưỡng cần đến số tiền hơn 200 triệu đồng là không nhỏ. Trong lúc đó các chủ tàu cũng bắt đầu đến kỳ hạn trả nợ gốc và lãi vay đóng tàu vỏ thép cho các ngân hàng. Nhiều người làm ăn khó khăn, không trả nợ đúng hạn, đã bị phía ngân hàng phạt.

Theo Sở NN-PTNT Quảng Trị, toàn tỉnh đã đóng mới được 16 tàu cá vỏ thép và đã đưa vào hoạt động 14 tàu. Về chất lượng vỏ tàu bảo đảm, máy chính hoạt động tốt, đặc biệt máy Yanmar. Tuy nhiên, nhiều tàu đã sử dụng qua một năm nên trên mặt boong có hiện tượng han gỉ, có trục trặc như hệ thống hút khô không hoạt động được dẫn đến sản phẩm thu được để trong hầm bảo quản không bảo đảm chất lượng; hệ thống tời thu lưới trên tàu lưới vây gặp nhiều sự cố, không đủ lực để thu lưới phải sửa chữa thay thế; một số tàu lưới vây thiết kế có một số điểm chưa hợp lý nên khi đi khai thác còn gặp phải một số sự cố như trong quá trình đánh thả lưới thường xảy ra việc lưới bị cuốn vào trong chân vịt.

LÂM QUANG HUY
865 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1459
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1459
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76381964