|
Đa số các TTHC của Sở GD&ĐT TPHCM đạt chuẩn ISO 9001:2008 và sẽ được nâng cấp lên ISO 9001:2015 từ năm 2018. Ảnh minh họa |
Dịch vụ công trực tuyến ở lưng chừng ‘nâng cấp’
Theo Sở GD&ĐT TPHCM, cơ chế một cửa với tất cả TTHC trong GD&ĐT đã được thực hiện ngay ở cơ quan quản lý giáo dục cao nhất trên địa bàn. Đa số các TTHC của Sở GD&ĐT đã đạt chuẩn ISO 9001:2008 và sẽ được nâng cấp lên ISO 9001:2015 từ năm 2018.
Cụ thể, từ đầu năm 2017 đến nay, hệ thống gửi tin nhắn hàng loạt (SMS brandname) đã được sử dụng khá hiệu quả với gần 56.000 tin nhắn chuyển tải thông tin quản lý điều hành của toàn ngành. Phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ liên thông 24 quận, huyện cũng đang được gấp rút triển khai.
Sở GD&ĐT cũng tổ chức hệ thống tự động đánh giá sự hài lòng của người dân với kết quả được “đánh giá tốt” chiếm đến 98%. Hiện tất cả TTHC trong quản lý của Sở GD&ĐT đều đã được công khai trên Cổng Thông tin điện tử ngành giáo dục (hcm.edu.vn). Sở cũng bố trí phòng tiếp công dân với máy tính để mọi người có thể vào tìm hiểu, tra cứu TTHC, văn bản, biểu mẫu…
Nếu như các TTHC trong quản lý ngành được đơn giản hóa tối đa, với sự hỗ trợ của công nghệ, thì với TTHC phục vụ công dân, hiện cơ quan này mới chỉ có duy nhất một dịch vụ công trực tuyến được thực hiện ở mức độ 3, đó là thủ tục cấp bản sao bằng tốt nghiệp THPT.
Ở mức độ này, người dân có thể tải biểu mẫu, văn bản, điền và gửi hồ sơ hoàn thiện trực tuyến đến cơ quan cung cấp dịch vụ. Thực tế, đây là TTHC chiếm đến 70% khối lượng TTHC mà người dân phải tìm tới Sở GD&ĐT hằng năm.
Với mức độ 4 - mức cao nhất của định nghĩa về chính phủ điện tử, công dân có thể tiến tới trả lệ phí dịch vụ công và nhận kết quả trực tuyến, hoặc được nhận kết quả trực tiếp từ cơ quan làm dịch vụ qua đường bưu điện. Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, cơ quan này rất mong muốn sớm có thể nâng cấp dịch vụ này lên mức độ 4, bởi ở đây “tiếp xúc trực tiếp giữa chuyên viên và người dân giảm đi rất nhiều. Điều này không chỉ tiết kiệm chi phí xã hội, mà còn bớt đi tiêu cực”.
Thoạt nghe, cứ tưởng với TTHC vô cùng đơn giản ấy thì việc hướng tới mức độ 4 gần như chỉ là vấn đề thời gian và tổ chức thực hiện. Khi đó, những công dân sống ở các địa phương khác trên cả nước muốn làm thủ tục này sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức vì tất cả các khâu đều sẽ được thực hiện trên mạng.
Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chánh Văn phòng phụ trách TTHC Sở GD&ĐT TPHCM, khi người dân trả phí (qua ngân hàng) để được thực hiện dịch vụ công mức độ 4 thì cơ quan giải quyết TTHC phải chịu trách nhiệm trả phí chuyển tiền. Tuy nhiên, hiện mức thu phí bản sao bằng tốt nghiệp THPT lại thấp hơn phí chuyển tiền qua ngân hàng. “Vậy nên Sở GD&ĐT chưa biết cách nào để nâng cấp dịch vụ này lên mức độ 4 cho đúng nghĩa, đành hóa giải tạm thời bằng dịch vụ bưu chính công ích. Sở GD&ĐT và một số cơ quan khác có báo cáo khó khăn này lên UBND TPHCM và hiện vẫn đang chờ tháo gỡ”.
|
Ảnh minh họa |
Kiểm định chất lượng giáo dục: Có cần chi ‘mạnh tay’ hơn?
Được xem là một TTHC quan trọng, kiểm định chất lượng giáo dục các cấp từ mầm non đến đại học là một trong những hoạt động để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà.
Tại TPHCM, nơi có cả nghìn cơ sở đào tạo từ mầm non đến bậc đại học, công tác kiểm định chất lượng dường như khá “gấp rút” ở các cơ sở đào tạo do Sở GD&ĐT quản lý, tức từ cấp THPT trở xuống với gần 94% các trường đã xong khâu tự đánh giá theo bộ tiêu chuẩn. 47% các trường đã vượt qua bước tiếp theo là đánh giá ngoài, tức được kiểm định lại và xác nhận chất lượng bởi đoàn chuyên gia do Sở GD&ĐT làm đầu mối chủ trì.
Tất nhiên, không thể tránh khỏi có ý kiến cho rằng công tác kiểm định giáo dục chỉ là hoạt động mang tính hình thức vì vẫn theo kiểu “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, hoặc “con hát mẹ khen hay”. Nhưng đây lại là công tác mà các nền giáo dục khắp thế giới đã làm suốt 40 năm qua, và nền giáo dục Việt Nam cũng không thể là ngoại lệ.
Từ góc nhìn của người gắn bó với công tác kiểm định lâu năm, bà Đặng Thị Thùy Linh, Phó trưởng Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD&ĐT TPHCM tin rằng, khi nhà trường đã trải qua bước tự đánh giá thì cũng đã phải tự thay đổi rất nhiều mới đáp ứng được bộ tiêu chuẩn. Qua đó, mọi hoạt động dạy và học trở nên ngăn nắp, bài bản, cụ thể và đầy đủ hơn. “Hầu hết hiệu trưởng đều nói hoạt động này đã mang lại sự củng cố cho nhà trường, xem đây như cơ sở để cải tổ giáo dục theo chiều hướng tốt lên”, bà Linh nhấn mạnh.
Trong khi đó, là một trong 4 đơn vị có trách nhiệm kiểm định chất lượng giáo dục cho bậc đại học trên phạm vi cả nước, Trung tâm Kiểm định thuộc Đại học Quốc gia TPHCM dường như lại gặp khó khăn khác về quy chế tài chính để “chiêu mộ” người đủ tâm huyết và năng lực nhằm đáp ứng kịp thời khối lượng công việc đang tăng nhanh.
Theo PGS. TS Nguyễn Hội Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Kiểm định thuộc Đại học Quốc gia TPHCM: “Trước đây Bộ Tài chính cho rằng hoạt động này như đi kiểm tra, thanh tra thường kỳ, nên chỉ được phép chi mấy chục nghìn đồng/người. Bây giờ cả 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đã tạm thời cùng thống nhất một ‘bộ khung’ chi phí để ký kết hợp đồng kiểm định với các cơ sở đào tạo”.
Dù tạm “linh động” như vậy, nhưng người đứng đầu đơn vị kiểm định này cũng cho rằng, về lâu dài vẫn rất cần Bộ GD&ĐT cùng Bộ Tài chính xem xét lại các hạng mục chi phí này sao cho hợp lý, vì “đây là công tác mới, cần nhiều kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn để thực hiện, trong khi vật giá ngày càng tăng cao. Nếu không cải thiện thì công tác kiểm định sẽ gặp khó khăn”, nhà quản lý giáo dục ngập ngừng chia sẻ.
TS. Nguyễn Quốc Chính, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định thuộc Đại học Quốc gia TPHCM còn cho biết thêm: “Một số cơ sở đào tạo cũng than phiền đang lúng túng về thủ tục tài chính vì chưa có hướng dẫn cụ thể về phần chi phí dành cho các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục”.
Trong lúc nhu cầu của nền kinh tế và cả xã hội đều mong muốn chất lượng giáo dục ngày càng phải nâng cao thì có lẽ một cơ chế tài chính hợp lý và cụ thể hơn để gỡ dần nút thắt cho các TTHC của ngành giáo dục cũng cần được quan tâm đúng mức và kịp thời.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 1: Là dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về quy trình, thủ tục; hồ sơ; thời hạn; phí và lệ phí thực hiện dịch vụ.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 2: Là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: Là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: Là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.
|
Phương Hiền