Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ - Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT phát biểu tại buổi làm việc
Bão lũ, cùng 13 đợt nắng nóng, hạn hán nghiêm trọng...
Chiều 6/11, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ - Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị về công tác phòng chống thiên tai (PCTT) năm 2019.
Từ đầu năm 2019 đến nay, tỉnh Quảng Trị chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4, áp thấp nhiệt đới và ảnh hưởng gián tiếp của bão số 5; 4 đợt không khí lạnh, 2 đợt giông lốc và mưa đá; 5 đợt mưa lớn. Đặc biệt, trong năm 2019, khu vực tỉnh Quảng Trị đã xảy ra 13 đợt nắng nóng gây hạn hán nghiêm trọng, tình trạng thiếu nước cục bộ phục vụ sản xuất nông nghiệp đã xảy ra trên diện rộng tại các địa phương trên địa bàn.
Đáng chú ý là xảy ra 2 đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng, vùng đồng bằng có nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày 20/4 tại trạm khí tượng Đông Hà đạt 41,0 độ, độ ẩm 42%; tại Khe Sanh ngày 25/4 nhiệt độ cao nhất đạt 38,6 độ, độ ẩm thấp nhất 35%. Ngoài ra, gió mạnh trên biển, không khí lạnh tăng cường xảy ra và ảnh hưởng thường xuyên. Mưa bão từ đầu năm đến nay ở Quảng Trị đã khiến 3 người chết, 2 người bị thương, giá trị thiệt hại trên 288 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Quân Chính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, công tác PCTT những năm qua được cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt, luôn được đặt trong tâm thế phòng là trên hết. Để làm được việc này, cùng với công tác tuyên truyền, tất cả các địa phương, tất cả các lực lượng đều xây dựng phương án, kết hoạch rất rõ ràng, cụ thể. “Tại Quảng Trị khi có bão thì có 2 vấn đề quan trọng được tập trung triển khai là di dời dân và tất cả tàu thuyền vào nơi neo đậu tránh trú an toàn. Không có tình trạng đã có phương án di dời nhưng người dân không đi, hay cố ở lại trên tàu thuyền để giữ tài sản là không có”, ông Chính cho hay.
Quang cảnh buổi làm việc
Trước mùa mưa bão hàng năm, tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra hệ thống đê kè, công trình thủy lợi, thủy điện. Địa phương cũng luôn chú trọng công tác củng cố đê điều, nhất là các phương án phòng chống của thủy điện… Ông Chính cho biết, trong năm 2019, nắng nóng, hạn hán đã khiến nước trên sông ở Quảng Trị để bơm lên bể phục vụ nước sinh hoạt khô cạn, phải nạo vét, bơm chuyển nước từ hồ về sông trong nhiều tháng. Nước tưới phục vụ sản xuất thiếu cục bộ, nhiều diện tích lúa, màu bị ảnh hưởng, thiệt hại. Trong khi đó, mưa lũ khiến nhiều địa phương bị ngập lụt, thiệt hại, nhất là các địa phương tại huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông.
Đáng chú ý, thời điểm này những năm trước các hồ thủy lợi, thủy điện phải xả tràn, còn năm nay, lượng nước cần phải giữ trong hồ đập để phục vụ cho tưới tiêu và thủy điện hiện chỉ mới đạt chưa đến 57%. Tỉnh đã chỉ đạo phải tiết kiệm nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và có kế hoạch điều tiết nước hợp lý. Quảng Trị cũng đối mặt với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng. Sau giải phóng, Quảng Trị được Trung ương quan tâm làm một số đê, đập lớn phục vụ cho sản xuất, nhưng đến nay mới chỉ một số được quan tâm cải tạo nâng cấp...
Phải có những giải pháp cụ thể, sát tình hình
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ - Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Quảng Trị trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn những năm vừa qua. Đặc biệt, cùng với công tác tuyên truyền, tỉnh đã xây dựng các phương án, kế hoạch chi tiết, cụ thể trong công tác này.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh, trước tình hình biến đổi khí hậu, công tác PCTT cần phải có những giải pháp phù hợp, sát tình tình
Thứ trưởng Lê Đình Thọ lưu ý, trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng có nhiều diễn biến thất thường, tỉnh Quảng Trị những năm vừa qua đã làm tốt công tác PCTT nhưng không được chủ quan, phải tiếp tục quán triệt hơn nhiệm vụ này thường xuyên, liên tục trong các cấp ủy chính quyền và nhân dân. Cùng với bão, lụt, xâm thực, Quảng Trị còn chịu nắng nóng, hạn hán khắc nghiệt. Do đó, bên cạnh những chỉ đạo của Trung ương, Quảng Trị cần dựa trên tình hình thực tế của địa phương để có những giải pháp cụ thể, sát với tình hình, “tùy cơ ứng biến”. Trên tinh thần phòng ngừa là chính, hạn chế đến mức tối đa thiên tai gây ra đồng thời với việc khi thiên tai gây ra thì khắc phục như thế nào. “Phòng rồi, nhưng còn chống, khắc phục”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân chủ động phòng tránh, tỉnh Quảng cần nêu bật những bài học kinh nghiệm vận dụng tình hình thực tiễn, quyết sách thực hiện phù hợp có giá trị. Lưu ý công tác gia cố đảm bảo đê điều, hồ đập, phương án di dời người dân vùng hạ lưu; đồng thời tỉnh phải bám chặt các quy định, chỉ đạo của Chính phủ để triển khai bằng những kế hoạch, hành động của mình. Đối với các kiến nghị của tỉnh Quảng Trị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ ghi nhận và cho biết sẽ nghiên cứu, tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT xem xét, đề xuất Chính phủ xem xét, quyết định.
Duy Lợi
Tại buổi làm việc, tỉnh Quảng Trị đề xuất, kiến nghị Đoàn công tác nghiên cứu, tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT xem xét, đề xuất Chính phủ quan tâm tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Hỗ trợ khẩn cấp để khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của bão số 4 và áp thấp nhiệt đới xảy ra trên địa bàn tỉnh từ ngày 28/8- 5/9/2019 như: hỗ trợ 300 tấn giống lúa các loại sản xuất vụ đông xuân 2019- 2020; 60 tấn giống ngô và 10 tấn giống rau các loại; 10 tấn giống đậu xanh vụ hè thu 2020.
Bên cạnh đó, hỗ trợ khắc phục khẩn cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu 154 tỷ đồng, bao gồm hỗ trợ dân sinh; khắc phục khẩn cấp đường giao thông tỉnh lộ, huyện lộ, giao thông nông thôn bị sạt lở, hư hỏng; xử lý khẩn cấp các công trình kênh mương, đê điều, sạt lở bờ sông, bờ biển trong năm 2019 đảm bảo kịp thời phục vụ sản xuất, dân sinh. Bố trí kinh phí cho công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh năm 2019, với tổng kinh phí 55 tỷ đồng...