|
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết Bộ GTVT đang thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp để đảm bảo tiến độ dự án thu phí không dừng trên toàn quốc. Ảnh: VGP/Phan Trang |
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã có cuộc trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về vướng mắc này và cách giải quyết.
Tiến độ của dự án thu phí không dừng Theo quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng (ETC) đến thời điểm này đã thực hiện đến đâu thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Lê Đình Thọ: 26 trạm thuộc giai đoạn 1 của dự án đã cơ bản hoàn thành. Trong đó, hiện đã vận hành thương mại được 23 trạm, 1 trạm đã vận hành thử nghiệm, đã lắp đặt, chưa vận hành do trạm chưa thu phí 1 trạm (trạm Cai Lậy), 1 trạm chưa triển khai do đang dừng thu.
Trong số 18 trạm bổ sung vào dự án, đã vận hành thương mại được 2 trạm, đang chạy thử nghiệm 1 trạm, 15 trạm còn lại sẽ triển khai trong năm 2019.
Như vậy, tiến độ triển khai dự án giai đoạn 1 cơ bản đáp ứng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 07/2017.
Giai đoạn 2 của dự án sẽ đầu tư hệ thống thu phí không dừng tại các trạm thu phí còn lại trên toàn quốc bao gồm 33 trạm.
Thực hiện theo Nghị định số 15/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư và Nghị định số 30/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức sơ tuyển quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, có 4 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển.
Hiện, Tổng cục Đường bộ đang tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, dự kiến các trạm này hoàn thành trước 31/12/2019 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tuân thủ đúng quy định pháp luật về đấu thầu.
Khó khăn, vướng mắc lớn nhất của dự án trong thời điểm hiện tại là gì?
Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Thực tế, đến nay mới có khoảng trên 700 nghìn phương tiện trong tổng số trên 3 triệu ô tô trong cả nước dán thẻ Etag, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra về số lượng phương tiện tham gia dịch vụ.
Bộ GTVT và nhà đầu tư, địa phương đã thực hiện tuyên truyền trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Bên cạnh đó, do hệ thống thu phí tự động không dừng áp dụng công nghệ mới, đầu tư theo hình thức PPP rất phức tạp, liên quan đến lợi ích của nhiều chủ thể như: Nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ, các ngân hàng, người sử dụng đường bộ nên trong quá trình triển khai thực hiện còn phát sinh các tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến tài khoản giao thông, việc nộp và quản lý tài khoản giao thông chưa được thuận tiện cho người sử dụng.
Có ý kiến cho rằng, tài khoản giao thông hiện chưa có cơ sở pháp lý nên các ngân hàng gặp khó khăn khi triển khai, Thứ trưởng giải thích thế nào về điều này?
Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Theo quy định tại Quyết định số 07, tài khoản giao thông được định nghĩa là tài khoản trả trước giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Tài khoản này được chủ phương tiện mở tại nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng, chủ phương tiện nộp tiền vào tài khoản trả trước để chi trả giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Như vậy, tài khoản giao thông có đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, vướng mắc chính liên quan đến việc thanh toán qua tài khoản giao thông không phải là cơ sở pháp lý mà là sự chưa thuận tiện cho người sử dụng trong việc nạp tiền, quản lý số tiền trong tài khoản khi chưa kết nối với các tài khoản cá nhân tại các ngân hàng.
Hệ thống làm ra mà người dân không sử dụng sẽ gây lãng phí rất lớn. Bộ GTVT có giải pháp nào cho tình trạng này chưa, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Để tháo gỡ vướng mắc trên, tạo thuận tiện cho người sử dụng, hiện Bộ GTVT đang làm việc với Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng cung cấp tín dụng xây dựng các phương án kết nối tài khoản giao thông với tài khoản cá nhân của các chủ phương tiện tạo điều kiện thuận lợi cho chủ phương tiện trong quá trình tham gia sử dụng dịch vụ.
Đây là vấn đề mới, nên gặp phải vướng mắc về mô hình, tính pháp lý, chúng tôi đang vừa làm vừa hoàn thiện.
Thứ trưởng đã từng nói đến hệ thống kiểm soát các trạm thu phí mà máy chủ đặt tại Tổng cục đường bộ Việt Nam. Xin Thứ trưởng nói rõ hơn về hệ thống này?
Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Thu phí không dừng chỉ là một trong nhiều hình thức để cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát nhằm công khai, minh bạch thu phí. Điều quan trọng phải kết hợp các giải pháp khác. Do đó, Bộ GTVT đang chỉ đạo Tổng cục Đường bộ xây dựng hệ thống kiểm soát độc lập các trạm thu phí và dữ liệu từ các trạm thu phí sẽ được truyền trực tuyến về Tổng cục Đường bộ kiểm soát.
Qua dữ liệu này, Tổng cục Đường bộ sẽ kiểm soát được lưu lượng phương tiện, chủng loại phương tiện qua trạm thu phí hàng ngày, thậm chí từng phút.
Hệ thống này, ngoài Tổng cục Đường bộ tiếp cận được dữ liệu còn có thể chia sẻ với cơ quan thuế, các ngân hàng cho vay vốn, các nhà đầu tư để cùng giám sát.
Về tổng thể, Bộ GTVT sẽ triển khai những giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đảm bảo dự án hoàn thành đúng lộ trình như Thủ tướng đã chỉ đạo?
Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Bên cạnh việc điều chỉnh chi phí tổ chức thu để đảm bảo tính hiệu quả của dự án thu phí tự động không dừng, Bộ GTVT sẽ tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý như sửa đổi Quyết định 07/2017, sửa đổi Nghị định 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó sẽ điều chỉnh quy định các phương tiện không dán thẻ sẽ không được đi vào làn ETC, bổ sung các quy định pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng liên quan đến công tác thanh toán. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để người dân ủng hộ và sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng.
Đồng thời, hoàn thiện việc kết nối liên thông tài khoản cá nhân tại các ngân hàng với tài khoản giao thông tạo sự thuận lợi, minh bạch cho người sử dụng và sự đồng thuận của các ngân hàng cung cấp tín dụng cho các dự án BOT.
Bộ GTVT sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị khuyến khích các phương tiện thuộc diện thu phí đường bộ phải tham gia dán thẻ và sử dụng dịch vụ; chỉ đạo các bộ, ngành địa phương gương mẫu dán thẻ và sử dụng dịch vụ đối với toàn bộ các phương tiện thuộc diện nộp phí khi qua trạm thu phí đường bộ do mình quản lý.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Theo một lãnh đạo Công ty NAPAS - đơn vị chịu trách nhiệm về chuyển mạch quốc gia và thanh toán liên ngân hàng (trực thuộc Ngân hàng Nhà nước) thông tin: Quý 4/2018, NHNN đã ban hành chuẩn VCCS ứng dụng công nghệ chip cho thẻ nội địa, chuẩn này có thể ứng dụng cho việc thu phí không dừng trong giao thông.
Theo đó, các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank... hoàn toàn có thể cung cấp cho ngành giao thông giải pháp cũng như trang thiết bị đầu cuối và Napas sẽ xử lý chuyển mạch các giao dịch này để thực hiện thu phí không dừng trong giao thông. Như vậy, các thẻ ATM nội địa của các ngân hàng trong lộ trình chuyển đổi chip có thể thanh toán thu phí không dừng mà các bên liên quan không phải đầu tư phát hành thêm phương tiện thanh toán khác để dùng trong giao thông nữa. Vấn đề cơ bản nhất là cần có sự phối hợp giữa ngành giao thông và ngân hàng để đưa ra một giải pháp tổng thể, hỗ trợ tiện lợi nhất cho người dùng.
Phan Trang