|
Chính phủ đã ra "tối hậu thư" về việc cuối năm 2019 là hạn chót triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng tại các trạm BOT toàn quốc. Ảnh: VGP. |
Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ GTVT cho biết, đối với các trạm thu phí do Bộ GTVT quản lý, giai đoạn 1 là 44 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đã lắp đặt và vận hành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (chỉ còn trạm tránh thành phố Thanh Hóa đang dừng thu do thay đổi vị trí trạm).
18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác được bổ sung vào dự án đã vận hành thương mại được 4 trạm (Mỹ Lộc, Tân Đệ, QL10 Quán Toan - Cầu Nghìn và trạm An Sương - An Lạc); 14 trạm còn lại đang triển khai trong năm 2019.
Ngoài ra, để tăng hiệu quả đầu tư hệ thống thu phí tự động, tăng số lượng phương tiện dán thẻ, tránh ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, Bộ GTVT đã tập trung triển khai trước một số thuộc cửa ngõ thành phố có lưu lượng lớn như trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, cầu Đồng Nai, An Sương - An Lạc, Mỹ Lộc, QL10…
Giai đoạn 2 có 33 trạm, bao gồm 10 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (các trạm này đã triển khai thu phí tự động không dừng theo công nghệ cũ trước đây (OBU), hiện nay đang điều chỉnh công nghệ cho phù hợp) và 23 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác. Hiện,Tổng cục Đường bộ vừa ký hợp đồng triển khai với Liên danh Viettel-Vietinf-VVT-ITD. Liên danh này sẽ triển khai thu phí tự động tại 33 trạm thu phí còn lại từ tháng 7/2019, tới hết năm nay.
Đối với các trạm do địa phương quản lý, Tổng cục Đường bộ đã thống nhất với Sở GTVT các tỉnh, thành phố có trạm thu phí. Hiện, có 6/14 địa phương có trạm thu phí đã tham gia vào dự án hoàn thành việc lắp đặt và vận hành; 8/14 địa phương đang nghiên cứu để tự triển khai thực hiện, sau khi hoàn thành sẽ kết nối vào dự án để đảm bảo tính kết nối liên thông.
Thủ tướng Chính phủ đã ra “tối hậu thư”
Ngày 15/7, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước và các địa phương để đôn đốc tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng, Thủ tướng yêu cầu
các trạm BOT không chuyển sang thu phí tự động theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 06/CT-TTg sẽ bị dừng hoạt động.
Theo Chỉ thị 06, nhà đầu tư BOT phải sửa đổi hợp đồng dự án phục vụ việc chuyển sang thu phí tự động; ký kết hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng để vận hành và kết nối đồng bộ với hệ thống.
Mặc dù nảy sinh một số bất đồng giữa Tổng cục Đường bộ và nhà đầu tư khiến tiến độ triển khai thu phí không dừng có nguy cơ bị chậm, Thủ tướng vẫn giữ nguyên hạn chót là 31/12/2019 phải chuyển sang thu phí tự động tại tất cả trạm thu phí trên toàn quốc.
Những người đứng đầu gồm Bộ trưởng GTVT, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về tiến độ chuyển sang thu phí tự động, báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 30/11.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phải đảm bảo hệ thống thu phí tự động không dừng hoạt động tin cậy, không có sự cố, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật, quy chuẩn. Sau khi triển khai xong hệ thống này, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT rà soát, đánh giá và có báo cáo tổng kết gửi Thủ tướng trong tháng 1/2020.
Bộ GTVT cần ngồi lại với Nhà đầu tư để xử lý
Chiều 8/7/2019, các nhà đầu tư đã phản ứng văn bản của Tổng cục Đường bộ yêu cầu dừng thu phí (từ chiều 10/7) tại 5 dự án BOT giao thông. Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, Bộ GTVT đã rút lại văn bản được cho là gây hiểu nhầm về việc yêu cầu 4 nhà đầu tư BOT dừng thu phí tại 5 trạm thu phí nêu trên.
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về sự việc, PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông cho biết, tất cả các doanh nghiệp BOT đều ủng hộ chủ trương của Chính phủ về thu phí không dừng, bởi đây là chủ trương đúng đắn, không chỉ mang lại lợi ích cho nhân dân, mà còn tăng hiệu quả thu phí cho chính bản thân các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, “cách làm của Bộ GTVT chưa đúng trình tự theo quy định của pháp luật”, PGS.TS Trần Chủng nhận định.
Chính vì lý do này nên ông Phạm Quốc Vượng, Tổng Giám đốc Cty Phước Tượng - Phú Gia BOT (đơn vị quản lý vận hành trạm thu phí Bắc Hải Vân) đã phản ứng gay gắt vì cho rằng, trạm Bắc Hải Vân đã lắp thiết bị thu phí tự động không dừng và đưa vào từ lâu, hiện chỉ đang vướng mắc ở mức phí trả cho đơn vị thu phí tự động (VETC) mà thôi.
Thậm chí, ông Vượng còn cho biết, việc Tổng cục Đường bộ đưa ra văn bản yêu cầu dừng thu phí đã khiến một số tài xế lấy lý do này tập trung tới trạm thu phí gây mất trật tự, cản trở hoạt động thu phí của doanh nghiệp.
Về phản ứng của các nhà đầu tư, PGS.TS Trần Chủng cho biết, hiện nay các trạm BOT không phải chỉ của mỗi nhà đầu tư BOT mà còn có vai trò của ngân hàng cấp vốn, mặc dù các nhà đầu tư đều đã đồng ý với Bộ GTVT và địa phương về việc cần thiết phải lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng. Song, việc triển khai thực hiện chưa tuân thủ đúng trình tự của pháp luật, không có sự trao đổi, thương thảo, đàm phán khi làm phụ lục bổ sung và các nhà đầu tư nhận thấy cách làm như vậy không phù hợp.
“Tôi cho rằng động thái rút văn bản vừa qua của Bộ GTVT là dũng cảm và cầu thị vì họ đã nhận thấy là cách làm chưa phù hợp.
Các nhà đầu tư không phản đối, mà họ mong muốn Bộ GTVT (đại diện là Tổng cục Đường bộ) đứng ra gặp gỡ, trao đổi, đàm phán có sự chứng kiến của đại diện ngân hàng để thực hiện các biên bản làm việc. Đây không phải cách làm rườm rà mất thời gian, vừa rồi như BOT Phú Gia-Phước Tượng đã xử lý rất nhanh, chỉ trong 2 tuần đã ký xong phụ lục hợp đồng”, PGS.TS Trần Chủng cho hay.
Nói về trình tự, PGS.TS Trần Chủng cho biết, nhà đầu tư phải làm việc với đại diện cơ quan quản lý nhà nước-đối tượng trong hợp đồng BOT - ở đây là Bộ GTVT để ký phụ lục hợp đồng với những vấn đề liên quan, dưới sự chứng kiến của ngân hàng cấp vốn. Sau khi có phụ lục hợp đồng rồi, nhà đầu tư mới ký tiếp với đơn vị thu phí không dừng-VETC.
Phan Trang