Ngày 31/12/2019 tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về công tác khóa sổ thu, chi NSNN năm 2019. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tham dự và chỉ đạo Hội nghị.
|
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: M.P) |
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hoạt động tài chính, thu ngân sách nhà nước (NSNN) đến 12h00 ngày 31/12/2019, tổng thu NSNN đạt 1.539,4 nghìn tỷ đồng, vượt 9,1% (128,1 nghìn tỷ đồng) so với dự toán, tăng 82,1 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội.
Trong đó, thu nội địa đạt 1.260,5 nghìn tỷ đồng, vượt 7,4% (87 nghìn tỷ đồng); thu từ dầu thô 55,9 nghìn tỷ đồng, vượt 25,3% (11,3 nghìn tỷ đồng); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu sau khi trừ số hoàn thuế giá trị gia tăng đã tăng thêm 18,8 nghìn tỷ đồng so với dự toán.
Số thu cân đối ngân sách đạt xấp xỉ 217,9 nghìn tỷ đồng, vượt 15,2% (28,8 nghìn tỷ đồng) so với dự toán. Tỷ lệ động viên thu NSNN đạt 25%GDP, riêng động viên thuế và phí đạt 21%GDP. Với kết quả này, đánh giá cả giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ huy động thu vào NSNN bình quân đạt 24,7%GDP (vượt kế hoạch là 23,5%GDP)…
Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, kết quả thu NSNN năm 2019 ấn tượng, toàn diện ở một số điểm như: cả thu ngân sách Trung ương và địa phương đều vượt dự toán. Trong đó, thu của Trung ương vượt xấp xỉ 4% (32,2 nghìn tỷ đồng), thu địa phương vượt 16% (96 nghìn tỷ đồng) so với dự toán. Đáng chú ý, hầu hết các địa phương hoàn thành vượt dự toán thu nội địa, với 30 địa phương vượt trên 20% dự toán, 14 địa phương vượt từ 10 - 20% dự toán và 17 địa phương vượt dưới 10% dự toán.
Những địa phương có kết quả thu đạt cao là Ninh Bình, Bắc Giang, Bình Định, Phú Yên...
Cũng theo Bộ Tài chính, năm 2019, cơ quan Thuế đã thực hiện thu hồi 35.200 tỷ đồng thuế nợ đọng từ năm trước chuyển sang. Tổng số nợ thuế nội địa cuối tháng 12/2019 là 80.830 tỷ đồng, tăng 5,9% so với thời điểm 31/12/2018, trong đó: nợ có khả năng thu là 40.602 tỷ đồng, chiếm 50,2% tổng số tiền thuế nợ, tăng 4,8% so với thời điểm 31/12/2018; nợ không có khả năng thu hồi là 40.228 tỷ đồng, chiếm 49,8%, tăng 7,1% so với thời điểm 31/12/2018. Cơ quan Hải quan đã thu hồi và xử lý 992 tỷ đồng nợ đọng thuế.
Đối với việc triển khai sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-TW, đến nay đã thực hiện cắt giảm được 2.901 đầu mối (riêng năm 2019 giảm 2.172 đầu mối) các đơn vị từ trung ương đến địa phương.
Thực hiện tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài chính nên lũy kế năm 2019 và dự toán năm 2020 đã tiết kiệm được khoảng 3.000 tỷ đồng.
Về chi NSNN, theo quy định của Luật NSNN, một số nhiệm vụ chi đang thực hiện dở dang sẽ tiếp tục được thanh toán đến hết ngày 31/1/2020 (hết thời gian chỉnh lý quyết toán), có những nhiệm vụ được xem xét chuyển nguồn tiếp tục thực hiện trong năm 2020. Chi NSNN năm 2019 được quản lý chặt chẽ theo đúng dự toán và tiến độ thực hiện; tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, đồng thời cơ cấu lại chi trong từng lĩnh vực, gắn với đổi mới sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới khu vực sự nghiệp công.
Với kết quả thu, chi NSNN như trên, bội chi NSNN năm 2019 giảm từ mức 3,7% dự toán xuống ở mức dưới 3,4% GDP thực hiện; nợ công đến nay giảm còn 56,1% so với mức 63,7% cuối năm 2016.
Năm 2019 đã tiếp tục cơ cấu một bước nợ công, kéo dài kỳ hạn phát hành TPCP (kỳ hạn bình quân là 13,47 năm, tăng 0,78 năm so với cuối năm 2018); giảm chi phí nợ công (lãi suất phát hành bình quân 11 tháng năm 2019 là 4,68%/năm, giảm từ 1,2-1,6%/năm so với thời điểm đầu năm 2019); tăng tỷ trọng vay trong nước, dự kiến cuối năm 2019 đạt 62,3% tổng dư nợ Chính phủ (so với mức 60,1% năm 2016)...
Cũng tại Hội nghị, một số địa phương cũng đồng loạt báo tin vui về thu ngân sách nhà nước năm 2019 như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh… Đây là những địa phương vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ thu cả năm 2019.
Phát biểu tại Hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ đánh giá cao nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên Bộ Tài chính nói chung, cũng như ngành Thuế, Hải quan, Kho bạc nói riêng.
Phó Thủ tướng cho biết, năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp cả nước hoàn thành 12 chỉ tiêu chủ yếu mà Quốc hội đặt ra, trong đó, kết quả về thu ngân sách là những đóng góp quan trọng đối với kinh tế vĩ mô. Các chỉ số lạm phát thấp, tăng trưởng GDP, bán lẻ hàng hoá dịch vụ, đặc biệt kỷ lục hơn 138 nghìn doanh nghiệp thành lập mới phản ánh tình hình kinh tế khả quan.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý bên cạnh những kết quả tổng thể đáng ghi nhận, vẫn có khoản thu, nhiệm vụ thu gặp khó khăn, vướng mắc đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các đơn vị trong Bộ Tài chính cũng như các bộ ngành liên quan.
“Vì vậy, cần tiếp tục cải tiến khâu lập và giao dự toán, việc giao dự toán bám sát tình hình kinh tế - xã hội. Bên cạnh bảo đảm số thu, ngành tài chính cần có các giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, “nuôi dưỡng nguồn thu tạo nguồn thu tốt hơn cho tương lai”, Phó Thủ tướng đề nghị.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý về thuế như Thuế Thu nhập doanh nghiệp, Thuế Giá trị gia tăng. Riêng Thuế Thu nhập cá nhân cần phải tính toán chuẩn bị cho việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Bộ Tài chính cũng cần tiếp tục phát huy, làm tốt hơn nữa công tác quản lý thuế chống gian lận thương mại, xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn trong 5 năm tới. Cần tiếp tục tinh giản bộ máy, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Về lĩnh vực Hải quan, Phó Thủ tướng đề nghị thực hiện tốt việc quản lý theo phương pháp quản trị rủi ro. Hoạt động kiểm tra sau thông quan được xác định trở thành một trụ cột của quản lý hải quan hiện đại, phát triển theo hướng chủ động đẩy mạnh công tác thu thập, phân tích thông tin, tập trung vào các chuyên đề, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, các mặt hàng có rủi ro cao.
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, kết quả thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2019 là điều kiện thuận lợi, bước tạo đà quan trọng để triển khai và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ NSNN năm 2020, cũng như hoàn thành các mục tiêu tài chính - ngân sách giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, góp phần tích cực vào ổn định vĩ mô và thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2016-2020./.