Tọa đàm trực tuyến đưa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị vào cuộc sống với chủ đề “Kinh tế tư nhân đầu tư hạ tầng, phát triển năng lượng sạch”. (Ảnh: K.D)

Chiều 10/7, Báo Nhân Dân đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến đưa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị vào cuộc sống với chủ đề “Kinh tế tư nhân đầu tư hạ tầng, phát triển năng lượng sạch”.

Tại Tọa đàm, đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, các doanh nghiệp tư nhân đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, đóng góp những ý kiến tâm huyết liên quan đến việc xây dựng các cơ chế, chính sách hiệu quả để thu hút các nhà đầu tư tư nhân, có tâm, có tầm, có vốn và công nghệ tiên tiến chung tay phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia.

Đồng thời, các đại biểu tập trung thảo luận về những vấn đề đặt ra trong quản lý nhà nước về năng lượng; những vướng mắc cần tháo gỡ đối với doanh nghiệp tư nhân trong đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng năng lượng; các giải pháp ưu tiên phát triển, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; cơ chế tài chính và huy động vốn cho đầu tư phát triển ngành năng lượng; phát triển công nghệ, sản xuất thiết bị điện theo hướng hiện đại ít tiêu hao năng lượng và bảo đảm bảo vệ môi trường…

Tổng quan về thị trường điện, nguồn điện và năng lượng tái tạo Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay, thị trường điện của Việt Nam phát triển qua ba cấp độ: thị trường phát điện cạnh tranh; thị trường bán buôn điện cạnh tranh và thị trường bán điện lẻ cạnh tranh. Từ năm 2012 đến nay, việc phát triển thị trường phát điện cạnh tranh và thị trường bán buôn điện cạnh tranh đã đạt được những kết quả khả quan. Thị trường phát điện cạnh tranh đã được hoàn thành về cơ bản và đến nay EVN không còn giữ vai trò độc quyền trong khâu mua buôn điện mà đã có thêm 5 tổng công ty điện lực.

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, hiện nay, Bộ Công Thương đang nghiên cứu để triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, sẽ thực hiện thí điểm và từ sau năm 2023, chuyển dần việc Nhà nước điều tiết giá điện sang cơ chế giá thị trường. Như vậy, việc phát triển thị trường điện tại Việt Nam phù hợp tinh thần với Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị trong việc từng bước áp dụng giá thị trường, tạo môi trường cạnh tranh thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành điện, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng, xóa bỏ độc quyền trong các khâu sản xuất kinh doanh điện.

Bộ Công Thương cũng đang nghiên cứu cơ chế bán điện trực tiếp từ các nhà sản xuất điện cho các đơn vị tiêu thụ điện. Cơ chế này sẽ tạo động lực để khuyến khích thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế vào phát triển các nguồn điện, nhất là năng lượng tái tạo; tiến tới nhân rộng cơ chế trong thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, tạo lập môi trường bảo đảm theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 55 - ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay.

Cần cơ chế khuyến khích tư nhân đầu tư lĩnh vực năng lượng

Đại diện phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam cho rằng, để phát triển lĩnh vực này, tư nhân và nhà nước phải gắn liền quyền lợi với nhau.

“Đơn cử, Tập đoàn Trung Nam được Chính phủ và UBND tỉnh Ninh Thuận cho phép đầu từ vào trạm biến áp và truyền tải 500kV. Đây là trạm và đường dây truyền tải trong phạm vi hẹp khoảng 6.000MW nhằm giảm tải cho các máy phát điện khoảng 50%. Xét về mặt lợi ích khi tư nhân thực hiện dự án này thì tất cả đều có lợi. Cụ thể, Nhà nước, tỉnh không phải bỏ tiền đầu tư; Tập đoàn Điện lực Việt Nam có thêm tài sản, giải tỏa được công suất; Trung Nam bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, người dân cũng được hưởng lợi khi có hệ thống truyền tải ổn định. Thực tế cho thấy, hệ thống truyền tải của Việt Nam rất mạnh, nhưng “chưa được khỏe” do khâu truyền tải còn nhiều bất ổn. Đầu tư hệ thống truyền tải cần làm theo chuỗi và đồng bộ, do đó việc Trung Nam đầu tư vào trạm biến áp và đường dây 500kV sẽ bảo đảm tính ổn định trong quá trình truyền tải” – ông Nguyễn Tâm Tiến khẳng định.

 Cần cơ chế khuyến khích tư nhân đầu tư lĩnh vực năng lượng.

Cũng theo Nghị quyết 55, chúng ta cần có lộ trình đối với việc thay đổi công nghệ, sản xuất thiết bị điện theo hướng hiện đại, ít tiêu hao năng lượng và bảo đảm bảo vệ môi trường. Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Đình Thắng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu cũng cho hay:  Việc thay đổi công nghệ, hướng tới các nguồn năng lượng sạch là xu thế tất yếu của thế giới hiện nay. Nắm bắt được xu thế đó, lãnh đạo công ty luôn đặt tiêu chí: An toàn – tiết kiệm – thân thiện môi trường lên hàng đầu trong quá trình sản xuất.

“Chúng tôi áp dụng mô hình và công nghệ mới nhất vào sản xuất, áp dụng công nghệ 4.0 vào việc theo dõi, giám sát từ xa vào tất cả các sản phẩm thiết bị điện mà ACIT sản xuất cung cấp ra thị trường, để từ đó có thể phân tích, đánh giá và đưa ra dự đoán sớm đối với các sự cố có thể xảy ra với các sản phẩm của chúng tôi trong tương lai gần, nhằm bảo đảm cấp điện một cách liên tục không gián đoạn. Điều này phù hợp với xu thế phát triển của ngành năng lượng trong tương lai khi mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang có những tác động tích cực đến mọi mặt của xã hội”.

Ngoài ra, để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư hạ tầng truyền tải điện, ông Nguyễn Tuấn Anh cũng cho rằng,  cơ chế khuyến khích về giá phát điện là một trong những giải pháp chính, tạo động lực cho nhà đầu tư phấn đấu thực hiện đầu tư của dự án. Nếu chỉ xem xét lợi ích từ một phía, không đánh giá tổng thể hiệu quả chung, có thể gây áp lực cho Nhà nước, ngành điện phải đầu tư hạ tầng truyền tải với chi phí tốn kém, hiệu quả tổng thể không cao và làm tăng giá bán lẻ điện.

Về phía các công trình điện do EVN/EVNNPT đầu tư, để bảo đảm đầu tư hạ tầng truyền tải đáp ứng nhu cầu, ngoài việc đôn đốc các đơn vị thực hiện đầu tư đáp ứng tiến độ thì Cục cũng đã tham mưu Bộ, Chính phủ xây dựng cơ chế để triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách, tháo gỡ các vướng mắc về chính sách, quy định về đầu tư, về đất đai trong triển khai dự án - ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay.

 
Tin, ảnh: Kim Dung