Thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 

(ĐCSVN) – Những năm gần đây, trong xu hướng của cách mạng công nghệ 4.0, việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật công nghệ vào sự phát triển nói chung và sản xuất nói riêng đã trở thành phổ biến. Sản xuất nông nghiệp (SXNN) Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.

 

Theo số liệu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) mới đây, từ năm 2012 đến nay đã có 44 doanh nghiệp (DN) được công nhận là DN nông nghiệp (NN) ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong 3 lĩnh vực. Bên cạnh đó, căn cứ các tiêu chí quy định, đến nay đã có 8 vùng NN ứng dụng CNC thâm canh tôm, hoa lúa, chuối, tôm... được công nhận.

Về khu NN ứng dụng CNC, Thủ tướng Chính phủ đã quy hoạch 11 khu nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020. Đến nay, có 3 khu đã được Thủ tướng quyết định thành lập tại các tỉnh: Phú Yên, Bạc Liêu, Hậu Giang. 4 địa phương (Thái Nguyên, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Cần Thơ) thuộc quy hoạch tổng thể để xây dựng đề án thành lập khu gửi Bộ NN&PTNT để tổ chức thẩm định. Bộ NNN&PTNT đã tổng hợp ý kiến góp ý của bộ, ngành, gửi địa phương hoàn thiện hồ sơ đề án trước khi tổ chức thẩm định.

3 địa phương còn lại thuộc quy hoạch tại Quyết định 575/QĐ-TTg (Lâm Đồng, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh) chưa lập hồ sơ để thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ, mặc dù các mô hình khu đã đi vào hoạt động khá hiệu quả.

Cùng với đó, đến nay, dư nợ tín dụng ngân hàng đối với lĩnh vực NN ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch (chương trình cho vay, theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ - gói vay tín dụng 100.000 tỷ đồng) đạt khoảng 39.000 tỷ đồng, với hơn 16.800 khách hàng.

 Không phủ nhận hiệu quả của NN ứng dụng CNC nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận còn nhiều thách thức trong phát triển loại hình này (Ảnh: HNV)

Chính sách có nhưng còn tồn tại nút thắt

Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Anh Phong, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard), vẫn còn khó khăn để đạt được mục tiêu của Quyết định 176/QĐ-TTg (29 /01 /2010) phê duyệt Đề án phát triển NN ứng dụng CNC đến năm 2020: mỗi tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm có 7 - 10 doanh nghiệp, 5 - 7 vùng SXNN ứng dụng CNC; mỗi vùng sinh thái có 1 - 3 khu NN ứng dụng CNC; tỷ trọng giá trị SXNN ứng dụng CNC: 30-35% tổng giá trị SXNN.

Thực tế cho thấy, chính quyền địa phương chưa vào cuộc vì vốn đầu tư cơ sở hạ tầng tại các khu NN ứng dụng CNC rất lớn, giải phóng mặt bằng khó. Thêm nữa, DN chưa mặn mà tham gia do nguồn vốn thấp, khó có thể tham gia đầu tư vào khu NN ứng dụng CNC; không thích hợp với một số đối tượng cây con đòi hỏi diện tích sử dụng đất và không gian cách ly lớn. Ngoài ra, tại các vùng sản xuất NN ứng dụng CNC, do áp dụng CNC không đồng bộ nên chất lượng sản phẩm chưa cao và chưa đồng đều. Đáng chú ý là khâu tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc vào các hợp đồng với các doanh nghiệp nên chưa ổn định; Chính sách chưa đủ mạnh hoặc khó áp dụng…

Xét về mặt chính sách, chúng ta đã có nhiều văn bản liên quan tới phát triển NN ứng dụng CNC. Đơn cử như: Quyết định số 2457/2010/QĐ-TTg Chương trình quốc gia về phát triển CNC đến năm 2020; Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 04/5/2015 về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào NN&NT; Quyết định 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất NN; Nghị định 89/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản; Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NN&NT… Đồng thời có chủ trương và quyết tâm thực hiện hiệu quả, với các ưu đãi chính sách chủ yếu về các mức thuế, phí theo địa bàn đầu tư, lĩnh vực đầu tư, KCN, khu chế xuất và khu CNC.

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức có vẻ đang ở dòng chủ đạo với việc: Thiếu đất quy mô lớn để đầu tư ứng dụng KHCN theo vùng sản xuất tập trung, phải thuê đất của nhiều hộ riêng lẻ, thường xuyên thay đổi nên việc nhận hỗ trợ miễn giảm tiền thuê đất còn khó thực hiện; Xác lập quyền sở hữu của DN còn khó khăn và tốn kém; việc thực hiện quyền chuyển nhượng đất đai (hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được giao hoặc thuê) cũng rất khó khăn; nhưng nhà nước thu hồi quyền sử dụng đất của DN lại quá dễ, không tiên liệu trước được khiến DN thấy rủi ro trong đầu tư. Hay như việc có quy định về tài trợ toàn bộ chi phí cho các dự án nghiên cứu CNC nhưng mức hỗ trợ đầu tư cho quá nhiều khoản và mục dẫn đến áp lực về nguồn vốn để giải ngân cộng với khó khăn về đăng ký sở hữu trí tuệ: bắt buộc báo chi tiết về công nghệ, sáng chế (mất thông tin, bí quyết, qui trình công nghệ); thủ tục hướng dẫn đăng ký và cấp giấy chứng nhận sở hữu trí tuệ phức tạp; chưa có quy định cụ thể về thẩm định và xác định kết quả KHCN thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp của DN; Xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ bản quyền chưa đủ sức răn đe các hành vi vi phạm.

Hoặc giả như có quy định về việc được hưởng hỗ trợ lãi suất, mở rộng chủng loại máy, địa điểm bán máy và địa điểm vay vốn nhưng lại chỉ dành cho DN có ký kết thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản; Phải có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt và dự án đầu tư chưa được hưởng hỗ trợ từ các chính sách khác. Thêm vào đó, danh sách chủng loại máy, thiết bị được hưởng chính sách chưa đầy đủ, đặc biệt công nghệ cao, chưa có lâm nghiệp; các loại máy, thiết bị phải là máy, thiết bị mới, chất lượng phù hợp tiêu chuẩn…

Rồi với quy định về vay không có tài sản bảo đảm 70% - 80% giá trị dự án theo mô hình liên kết; linh hoạt phương thức cho vay (lưu vụ, lưu gốc); không có mức lãi suất cho vay cứng (nhỏ hơn lãi suất cho vay tối đa của NHNN); giảm lãi suất cho vay 0,2%/năm nếu mua bảo hiểm; quy định nguyên tắc, quy trình xử lý các khoản nợ vay gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh nhưng thủ tục cấp giấy chứng nhận DN NN ứng dụng CNC còn rất phức tạp; Tài sản được thế chấp vẫn giới hạn là quyền sử dụng đất, không tính đến tài sản gắn trên đất; Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với quyền sở hữu tài sản trên đất còn quá chậm, chủ yếu dựa vào nguồn vốn huy động của Ngân hàng, nên nguồn huy động lãi suất rẻ còn rất hạn chế; Rất ít các tổ chức tín dụng tham gia, chủ yếu là Agribank do lo ngại rủi ro và chi phí cao…

TS Phong cũng phân tích: “đấy là còn chưa kể các khó khăn, thử thách về đất đai khi không có đất lớn, chi phí thuê và quản lý đất lớn do ký hợp đồng với nhiều hộ nhỏ lẻ;  đầu tư tài sản lớn trên đất không được bảo đảm khi nhà nước chuyển đổi mục đích sử dụng đất; về hạ tầng khi nhà nước thiếu nguồn lực thực hiện, đặc biệt hạ tầng cho CNC; về KHCN khi thị trường KHCN chưa vận hành; về thuế khi còn nhiều mức thuế suất khác nhau về các quy định miễn giảm, thủ tục xác định được miễn giảm phức tạp gây phiền hà cho DN…

Đưa chính sách vào thực tiễn một cách hiệu quả

Vì lẽ đó, nhiều nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế, nhất là các chuyên gia trong lĩnh vực NN cho rằng, do còn khá nhiều lực cản trong phát triển NN ứng dụng CNC, cần thiết phải cần sự đồng bộ trong toàn hệ thống đặc biệt, đưa chính sách vào thực tiễn một cách thực sự để thực thi hiệu quả.

Trước mắt, cần quy hoạch đất cho NN ứng dụng CNC. Việc quy hoạch sẽ phải dựa trên cân đối cung cầu, lợi thế tự nhiên, kinh tế, xã hội và khả năng đầu tư, giữa thực trạng và dự báo tương lai, ưu tiên đặc biệt cho các khu NN ứng dụng CNC cho các mặt hàng nông sản chiến lược quốc gia. Đồng thời, thu hồi những diện tích đất sử dụng không đúng mục đích, đất dự án bỏ hoang, đất không thực hiện đúng cam kết để giao lại đất dài hạn cho DN ứng dụng CNC.

Tiếp theo, cần ưu tiên phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng cho các khu vực quy hoạch dài hạn dành cho NN ứng dụng CNC, có thể huy động nguồn lực tư nhân theo hình thức công tư (PPP) trong đầu tư cơ sở hạ tầng NN ứng dụng CNC.

Song song là đề xuất cơ chế định giá phần vốn DN ứng trước để đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào dự án và trừ dần vào tiền thuê đất, tiền thuê cơ sở hạ tầng hoặc thu nhập chịu thuế của DN.

Bên cạnh đó, xây dựng thí điểm các khu CNC theo hình thức chọn một DN trụ cột đầu tư, làm quy hoạch, quản lý chung và đầu tư một số cơ sở hạ tầng, sau đó một số nhà đầu tư thứ cấp tham gia, nhà nước chỉ làm đối tác công tư (PPP) đầu tư một phần nhỏ.

Ngoài ra, còn phải tích cực hỗ trợ về nghiên cứu chuyển giao KHCN; xây dựng thí điểm cơ chế nghiên cứu khoa học do DN đặt hàng, cùng đầu tư, nghiệm thu, sử dụng và thương mại hóa kết quả; điều chỉnh các cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức trung gian thương mại hóa sáng chế; thí điểm phát triển một số loại hình chợ công nghệ cho riêng DN NN CNC, công nghệ ưu tiên, công nghệ mũi nhọn.

Đặc biệt, xem xét tới hiệu quả của Quỹ Đổi mới KHCN NN, quản lý theo hình thức Hội đồng Quản lý Quỹ, do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT làm Chủ tịch, thành viên gồm chuyên gia trong nước và quốc tế; đại diện doanh nghiệp KHCN dẫn đầu. Hội đồng thực hiện phê duyệt đặt hàng KHCN và áp dụng cơ chế giải ngân dựa trên kết quả sản phẩm.

Tin rằng, trong xu thế phát triển chung, việc nhân rộng NN ứng dụng CNC cũng ngày càng phát triển theo chiều hướng hiệu quả và chất lượng thực sự, góp phần vào phát triển một nền nông nghiệp bền vững ở nước ta./..

 

 
Hà Anh
490 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 830
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 830
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87004772