|
Tham tán Công sứ, Phó Trưởng Đại diện Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Nguyễn Phương Trà phát biểu tại cuộc họp |
Báo cáo tại cuộc họp có Phó Giám đốc Điều hành Cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) Anita Bhatia, người sáng lập Quỹ toàn cầu vì góa phụ Heather Ibrahim-Leathers và một đại diện tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực này.
Tại cuộc họp, các nước thành viên HĐBA, đại diện UNWomen và Quỹ toàn cầu vì góa phụ chia sẻ thực trạng cũng như thách thức mà hơn 350 triệu góa phụ đang phải đối mặt, nhấn mạnh sự cần thiết phải xoá bỏ các rào rản, định kiến đối với họ, cũng như cần phải nâng cao nhận thức chung về vai trò, đóng góp của các góa phụ trong bối cảnh xung đột và hậu xung đột.
Các nước cũng trao đổi, thảo luận các biện pháp ở cấp quốc gia và quốc tế nhằm hỗ trợ tốt hơn các góa phụ.
Phát biểu tại cuộc thảo luận, Tham tán Công sứ, Phó Trưởng Đại diện Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Nguyễn Phương Trà cho rằng, dù các góa phụ chưa được quan tâm đầy đủ trong xung đột nhưng họ có năng lực và vai trò quan trọng trong gia đình, trong xây dựng hòa bình và hàn gắn cộng đồng.
Để bảo đảm lợi ích và quan tâm đầy đủ hơn đối với các góa phụ, đại diện Việt Nam khẳng định cần nâng cao nhận thức về vai trò cũng như nhu cầu, lợi ích chính đáng của góa phụ. Các cộng đồng cần xóa bỏ các rào cản, kỳ thị đối với họ và con cái họ, thay vào đó, cần xem họ là tác nhân của sự thay đổi và xây dựng hòa bình tiềm năng trong xung đột.
Đại diện Việt Nam nhấn mạnh các nước và các bên liên quan trong xung đột phải bảo đảm an ninh, an toàn cho những người góa bụa và con cái của họ, bảo đảm tiếp cận nhân đạo không bị cản trở.
Các quyền thừa kế, tài sản, đất đai, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và các quyền bình đẳng khác của góa phụ trong và sau xung đột cần được chú trọng. Đồng thời, các góa phụ cũng cần được tạo điều kiện tham gia bình đẳng vào quá trình ra quyết định và trong các tiến trình hòa bình.
Về hợp tác quốc tế, Phó Trưởng Đại diện Phái đoàn Việt Nam tại LHQ khuyến nghị các quốc gia, các tổ chức quốc tế và khu vực thu thập số liệu thống kê, chuẩn bị các báo cáo về những thách thức của các góa phụ để tạo cơ sở cho việc xây dựng các chương trình và chính sách liên quan.
Đồng thời, Tham tán Công sứ Nguyễn Phương Trà khuyến nghị Tổng Thư ký LHQ có một phần riêng về tình trạng góa phụ trong Báo cáo thường niên của Tổng Thư ký về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh.
Nhân dịp này, đại diện Việt Nam tái khẳng định, Việt Nam luôn nỗ lực và cam kết phối hợp với cộng đồng quốc tế để bảo đảm sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và có ý nghĩa của tất cả phụ nữ vào các quá trình liên quan.
Cũng trong ngày 15/11, tại New York, Hoa Kỳ, HĐBA LHQ đã tham vấn định kỳ về tình hình tại Syria và biểu quyết thông qua 2 nghị quyết liên quan tới tình hình ở Abyei và Somalia.
Tại tham vấn về tiến trình chính trị và tình hình nhân đạo Syria, HĐBA đã nghe các báo cáo định kỳ hằng tháng của Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về Syria Geir Pedersen và Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách vấn đề nhân đạo Martin Griffiths.
Phát biểu tại cuộc họp, bà Nguyễn Phương Trà khẳng định ủng hộ giải pháp chính trị do người dân Syria dẫn dắt và làm chủ, nhấn mạnh việc cần thúc đẩy các nỗ lực đàm phán và xây dựng lòng tin giữa các bên tại Syria với sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng quốc tế.
Đại diện Việt Nam cũng chia sẻ lo ngại về tình hình nhân đạo ngày một xấu đi trước tác động của bất ổn an ninh, khủng hoảng kinh tế và đại dịch COVID-19.
Tham tán Công sứ Nguyễn Phương Trà khẳng định Việt Nam ủng hộ đẩy mạnh hợp tác nhằm duy trì các nỗ lực hỗ trợ nhân đạo, đặt trọng tâm vào đáp ứng nhu cầu nhân đạo cấp thiết trong mùa Đông sắp tới và ứng phó COVID-19.
Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai các chương trình hồi phục hậu xung đột, tăng cường hỗ trợ sinh kế cho người dân Syria.
Cùng ngày, HĐBA cũng thông qua 2 Nghị quyết số 2606 và 2607 liên quan tới tình hình tại Abyei (khu vực có tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan) và tình hình tại Somalia.
Nghị quyết 2606 được thông qua với 15/15 phiếu thuận, quyết định gia hạn kỹ thuật nhiệm vụ của UNISFA- Phái bộ An ninh Lâm thời LHQ tại Abyei- đến ngày 15/12/2021.
HĐBA quyết định gia hạn ngắn trong một tháng để có thêm thời gian thảo luận cụ thể hơn về nhiệm vụ của Phái bộ này trong những tuần tới.
Nghị quyết 2607 được thông qua với 13 phiếu thuận và 2 phiếu trắng của Nga và Trung Quốc.
Nghị quyết quyết định việc gia hạn cơ chế trừng phạt liên quan tới Somalia thêm một năm, trong đó gia hạn các biện pháp trừng phạt đến ngày 15/11/2022 và nhiệm vụ của Nhóm chuyên gia hỗ trợ Ủy ban Trừng phạt liên quan tới Somalia (Ủy ban 751) đến ngày 15/12/2022.
Với nghị quyết này, các biện pháp như cấm vận vũ khí, trang thiết bị quân sự, phong tỏa tài sản, cấm đi lại và cấm xuất nhập khẩu than tiếp tục được áp dụng nhằm hỗ trợ bảo đảm tình hình an ninh tại Somalia./.