THỬ BÀN VỀ PHẨM CHẤT CẦN CÙ CỦA CON NGƯỜI QUẢNG TRỊ 

Phẩm chất cần cù, chịu khó, chịu khổ, nhẫn nại đến mức cam chịu là một đặc điểm chung của tất cả những cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Con người Quảng Trị đương nhiên cũng không thể ngoại lệ.

Quảng Trị nằm ở trung tâm khu vực nhiệt đới ẩm gió mùa và là vùng chuyển tiếp giữa hai miền khí hậu Bắc Nam nên khá khắc nghiệt. Vùng đất được mệnh danh là “Ô châu ác địa”, thường xuyên đối mặt với biết bao thử thách, đặc biệt là điều kiện tự nhiên khắc nghiệt với gió Phơn Tây Nam gầm rú, nắng hè chói chang, bão giông quần thảo…cùng biết bao hiểm nguy rình rập. Sản xuất, canh tác trên mảnh Quảng Trị có thể nói là đặc biệt khó khăn hơn, những rủi ro, hiểm họa cũng thường xuyên hơn, nghiệt ngã hơn, cho nên phẩm chất nhẫn nại, chịu khó, chịu khổ của con người Quảng Trị mang nhiều nét đặc biệt hơn.“Cái khắc nghiệt của thiên nhiên, thời tiết đã từng làm cho con người Quảng Trị lắm nổi gian truân và khó nhọc; mà cũng chính điều đó tạo nên những gì gọi là bản sắc của một vùng văn hóa đậm tính khu biệt[1] . Điều này, cho phép chúng ta đi đến nhận định: Nếu chỉ có chịu khó, chịu khổ thôi chưa đủ để con người vượt qua mọi hiểm họa, rủi ro, chưa đủ để giúp cho con người không buông bỏ, không tuyệt vọng và tiếp tục đứng lên, giành giật lấy sự sống cho mình. Cuộc sống cơ cực hàng trăm năm trên vùng đất khắc nghiệt này đã hun đúc cho con người Quảng Trị một phẩm chất đồng thời của sự chịu đựng, đấy là niềm lạc quan, ý chí vươn lên, tiếp tục cuộc sống và hướng về tương lai. Như vậy, rõ ràng, sự chịu đựng và tinh thần lạc quan trước mọi hoàn cảnh là hai mặt không thể tách rời của một phẩm chất. Sự lạc quan là “giá đỡ”, là “cứu cánh” cho sự nhẫn nại chịu đựng, ngược lại, sự kiên trì chịu đựng gian khó đã nảy nở ra phẩm chất lạc quan.

Chúng ta có thể nhìn thấy trong cuộc sống cũng như có thể tìm thấy trong di sản tinh thần (như ca dao tục ngữ) hình ảnh nhẫn nại chịu đựng của người dân trước rủi ro bất hạnh có khi đến mức phi thường không thể tưởng tượng được và liền theo đó lại là một tinh thần lạc quan kì diệu của con người trên mảnh đất này.  Chẳng hạn như: Bài ca dao Mười quả trứng (được cho xuất phát từ vùng đất Triệu Hải) [Triệu Phong, thị xã Quảng Trị và Hải Lăng ngày nay] là sự khái quát điển hình nhất cho sự nghèo túng, xui xẻo và cũng là sự cam chịu đến khó tin của con người Quảng Trị: Tháng Giêng/ tháng Hai/, tháng Ba/ tháng Bốn/ tháng khốn/ tháng nạn/ Đi vay đi dạm được một quan tiền/ Ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái về nuôi, hắn đẻ ra mười trứng/ Một trứng ung/ Hai trứng ung/ Ba trứng ung/ Bốn trứng ung/ Năm trứng ung/ Sáu trứng ung/ Bảy trứng ung/ Còn ba trứng nở ra ba con/Con diều tha/ Con quạ bắt/ Con cắt xơi/ Chớ than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây. Bài ca dao có 18 câu thì hết 16 câu đầu miêu tả sự phụ bạc đến bất nhân của hoàn cảnh. Cứ ngỡ sự tàn khốc đến mức ấy thì ai cũng sẽ phải sụp đổ. Nhưng chỉ cần hai câu cuối: “ Đừng than phận khó ai ơi/ còn da lông mọc, còn chổi nảy cây” chúng ta lại thấy sự chịu đựng, nhẫn nại, quyết không buông bỏ, không tắt niềm hy vọng, cùng với đó là sự lạc quan đến kinh ngạc của con người nơi đây.

Tinh thần lạc quan, dũng cảm còn thể hiện rõ nét trong các chuyện trạng Vĩnh Hoàng thời chống Pháp chống Mỹ. Đọc những truyện: “Vít cổ tàu bay”, “Thừa một đứa con”, “Địa đạo xuyên lục địa”… chúng ta thật sự cảm phục tinh thần “thép” của những người dân bình dị xứ này. Giữa cuộc chiến tàn khốc mà đế quốc Mỹ dồn mọi sức lực, vật lực tạo nên hòng biến miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá, người Vĩnh Hoàng vẫn xem không có gì đáng bận tâm. Đối với họ, việc đánh giặc, đối đầu với giặc cũng nhẹ nhàng như đi làm đồng; thậm chí bom lùi của Mỹ chui vào hầm nhưng người mẹ cứ tưởng mình thừa một đứa con…Còn khi dân quân làng Huỳnh Công đào địa đạo, Khu đội Vĩnh Linh gọi lên báo cáo kết quả, họ bảo đã đào không biết bao nhiêu km mà kể, chỉ  biết rằng khi đào xong thì gặp mấy anh to cao râu ria xồm xoàm, nói xì xồ xì xà. Hỏi ra mới biết là gặp con cháu của… Fidel Castro, nghĩa là người dân Vĩnh Hoàng đã đào đến đất nước Cu Ba cách chúng ta nửa vòng trái đất. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều thống nhất, truyện trạng Vĩnh Hoàng là báu vật sống, là hòn ngọc quý hiếm có một không hai trong kho tàng văn hóa dân gian cả nước. Truyện Trạng Vĩnh Hoàng đã nêu bật được bản sắc độc đáo của con người Việt Nam ở Vĩnh Hoàng. Tuy là truyện Trạng nhưng vẫn có giá trị hiện thực. Đây không phải là những truyện bông lơn, nói láo một cách hời hợt dễ dãi mà xây dựng từ những thành quả lao động và chiến đấu. Qua các truyện trạng, con người Vĩnh Hoàng nói riêng, người Quảng Trị nói chung hiện lên thật đẹp đẽ: cần cù, sáng tạo trong lao động; dũng cảm, kiên cường trước sức mạnh của thiên nhiên cũng như sự tàn khốc của chiến tranh; lạc quan, yêu đời trước mọi khó khăn, thử thách- Đây thực sự là điều rất đáng tự hào và ngưỡng mộ! Như vậy, rõ ràng, sự chịu đựng và tinh thần lạc quan là hai mặt không thể tách rời của phẩm chất cần cù, chịu khó.

Mới đây, tại hội nghị góp ý văn kiện đại hội, có đại biểu đã phát biểu: Là người Quảng Trị tôi rất tự hào đi đâu anh em bạn bè đều nhận xét Người Quảng Trị trực tính, thẳng thắn, thật thà, hiếu khách ...Nhưng nghiên cứu kỹ, so sánh với những vùng đất khác thì người Quảng Trị có những hạn chế nhất định, đó là một bộ phận người dân có tâm lý chịu khổ hơn chịu khó. Chịu khổ tức là cam chịu, ít có khát vọng hơn; mau thỏa mãn. Đây là điều cần phải suy nghĩ và cần có giải pháp nào, chính sách nào để khơi dậy sự khát vọng vươn lên làm giàu của doanh nhân, của người dân. Đó mới là nội lực phát triển ”. Để làm được điều đó, trong thời gian tới công tác tuyên truyền phải làm cho mọi người dân Quảng Trị thấu hiểu, tự hào và phát huy phẩm chất cần cù; trong đó cần tập trung mấy việc; một là, cần nhận thức nội hàm cần cù trong thời kỳ mới đó là không chỉ chăm chỉ, chịu khó, chịu khổ “đầu tắt, mặt tối”, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà phải“cần cù suy nghĩ” đổi mới, sáng tạo để nâng cao giá trị sức lao động. Phải xây dựng phương pháp làm việc khoa học, tác phong làm việc chuyên nghiệp. Thứ hai là phải chuyển từ suy nghĩ, thói quen “thà chịu khổ chứ không chịu khó” sang “phải chịu khó để không bao giờ khổ”, chịu khổ luyện để học tập, nghiên cứu; chịu khó để chắt lọc trí tuệ nhân loại“Hút mật trăm hoa làm mật ngọt cho mình”. Và thứ ba “Cần” phải đi đôi với “kiệm”, sự cần cù, chịu khó phải gắn liền với thực hành tiết kiệm trong lao động sản xuất và tổ chức cuộc sống của mỗi con người. 

                                  Trí Ánh-Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 

 

    [1]  Tạp chí Văn hóa số 5/1991

4295 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 780
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 780
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76858518