Thực hiện Đề án Văn hóa công vụ: Mong chờ sự thay đổi tích cực 

(Chinhphu.vn) - Đề án Văn hóa công vụ phải trở thành hơi thở của cuộc sống, gắn chặt với động cơ thực thi để mỗi người, nhóm người có thể thực hiện công việc một cách quyết liệt, có động lực.

 

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1847/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ. Với những nội dung được đúc kết quy định về chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, Đề án được kỳ vọng sẽ khơi dậy quyết tâm và niềm tin vào tính chuyên nghiệp, hiệu quả của các cơ quan công quyền. Báo Điện tử Chính phủ đã phỏng vấn PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam về Đề án này dưới góc nhìn giáo dục và văn hóa.

Đề án Văn hóa công vụ nhằm hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chứcÔng đánh giá thế nào về đề án? 

Đề án Văn hóa công vụ (Đề án) là tâm huyết của nhiều lãnh đạo, các ban ngành và các chuyên gia, chính vì thế rất đáng trân trọng. Đề án đã bao quát được nhiều vấn đề về mặt nội dung. Trong đó, những vấn đề mới và các yêu cầu cơ bản để hướng đến hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc khoa học và chuyên nghiệp.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam.

Theo ông cần nhìn nhận thế nào về những khó khăn khi thực hiện Đề án trong môi trường công vụ hiện nay?

Tôi nghĩ, cần đặt ra quan điểm mới về môi trường công vụ bởi thực tế đang thay đổi. Tuy nhiên, đặt vào môi trường thực tiễn, môi trường công vụ vẫn có những thách thức nhất định khi triển khai đề án. Ví dụ như những yếu tố có liên quan như nền tảng về đào tạo, phong cách, chế độ làm việc và yêu cầu công việc; sự kiên quyết thay đổi hướng đến chất lượng...  Điều cần nhấn mạnh, người lãnh đạo của cơ quan có tác động đáng kể bởi nếu những sự định hướng, chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa tích cực thì việc thực hiện Đề án vẫn có nguy cơ khó đạt kết quả như mong đợi.

Vậy làm thế nào để triển khai được đề án có hiệu quả trong thực tiễn? 

Trước hết, các nhà quản lý, lãnh đạo phải nắm chắc nội dung, yêu cầu Đề án cũng như bảo đảm  quán triệt tư tưởng, phương châm thay đổi tích cực.

Hai là, để Đề án triển khai hiệu quả cần có chương trình hành động ở các cấp song song với vấn đề truyền thông.
Ba là, nền tảng để thực thi Đề án là các chuẩn mực căn bản trong phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Vì vậy, cần có các cẩm nang hay các sổ tay hướng dẫn theo các chuẩn mực tiếp cận với xu hướng quốc tế.

Bốn là, văn hóa công vụ cần được nhìn nhận và khai thác trên bình diện các ban, ngành, các cấp chứ không nên phân biệt nhóm cơ quan hay nhóm ngành nghề. 

Bên cạnh đó, điều quan trọng là phải chuẩn bị về tâm thế, nhận thức của con người; "mềm hóa" các yêu cầu, các tiêu chuẩn. Song song đó, cần đảm bảo những nền tảng, những công cụ để thực thi, chuẩn bị tư tưởng, tâm lý để có sự đồng thuận của tất cả các bộ phận... 

Một trong những mục tiêu nâng cao văn hoá công vụ là để phục vụ nhân dân. Ông có luận bàn gì về hình ảnh của cán bộ hiện nay?

Hình ảnh của cán bộ hiện nay, thời gian vừa qua đã có sự chỉnh đốn, thay đổi so với những năm trước ở một mức độ nhất định. Cụ thể như hình ảnh của một số Việt kiều đã chọn các cơ sở bệnh viện Việt Nam để thăm khám cho thấy sự thay đổi nhất định của đội ngũ này. Cũng cần phải nói, sự thay đổi này phải còn tiếp tục và nâng cao hơn nữa. Mô hình "một cửa, một dấu" ở một số cơ quan công vụ, lịch hẹn trả hồ sơ cũng là những minh chứng có liên quan cho sự thay đổi về phong cách làm việc, phục vụ.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận sự thay đổi này chưa đều, chưa rộng khắp. Hơn nữa, vẫn còn có biểu hiện: Thay đổi theo yêu cầu, “nhìn mặt” để thay đổi chứ chưa thay đổi một cách toàn diện. Ngoài ra, bản lĩnh thực sự của phong cách ứng xử có văn hóa, chuyên nghiệp... chưa ổn định khi xuất hiện các tình huống có vấn đề, thời điểm căng thẳng, mệt mỏi hay quá tải.

Ngành giáo dục phải đào tạo học sinh nhất là kỹ năng mềm, kỹ năng sống từ trên ghế trường phổ thông, đại học thế nào để đáp ứng được yêu cầu công vụ khi các em ra làm việc?

Để đáp ứng được yêu cầu công vụ khi người học tốt nghiệp đại học tôi cho rằng vấn đề quan điểm đào tạo phải được nhất quán: phát triển năng lực song song với thái độ; giáo dục thái độ gắn chặt và lồng ghép trong năng lực. Quan trọng hơn cả có thể đảm bảo xây dựng chuẩn phải bao gồm kỹ năng sống, kỹ năng mềm; chuẩn đầu ra phải gồm yêu cầu về phong cách làm việc chuyên nghiệp gắn chặt với tiêu chuẩn trong văn hóa công vụ.

Mỗi thầy cô giáo cũng phải thay đổi và đảm bảo thực hiện văn hóa công vụ của chính mình với phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực. Mặt khác, mỗi cá nhân hãy ý thức và trao cho người học – học sinh, sinh viên những cái nhìn chuẩn mực với tư cách là người làm mẫu, tác động định hướng, rèn luyện...

Hơn thế nữa, vấn đề đánh giá người học, đánh giá theo chuẩn sau tốt nghiệp, đánh giá định kỳ trong học phần, trong các đợt thực tập... cần bám sát vào chuẩn đã xác định. Các chương trình hành động đảm bảo đi theo đúng hướng đã xác lập là góp phần rèn luyện khả năng ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ.

Phương Liên (thực hiện)

1040 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1251
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1251
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87172068