Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1210 nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phân loại đô thị - Ảnh: VGP/ĐH
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về phân loại đô thị
Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị dựng trình bày tại phiên họp cho biết, Nghị quyết số 1210 sau khi được ban hành đã trở thành công cụ quản lý quan trọng để đánh giá chất lượng đô thị. Phân loại đô thị đã trở thành một trong các cơ sở để lập, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch xây dựng đô thị; quản lý, đầu tư phát triển đô thị; xây dựng điều chỉnh cơ chế chính sách quản lý, đầu tư phát triển đô thị, thành lập đơn vị hành chính đô thị.
Qua đó, đã phát huy tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị và kiến trúc cảnh quan; diện mạo đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, một số quy định trong Nghị quyết số 1210 cũng đã bộc hạn chế, bất cập. Cụ thể, một số tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị quy định trong Nghị quyết số 1210 chưa xem xét đến đặc điểm vùng miền, yếu tố đặc thù; không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn, hoặc các quy định mới, các quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành mới được ban hành.
Việc áp dụng quy định pháp luật còn có những điểm cần được rà soát, quy định cụ thể để thống nhất cách hiểu và áp dụng trong thực tế. Việc kiểm tra, giám sát sau công nhận loại đô thị, theo dõi đánh giá khả năng khắc phục các tiêu chí còn yếu, còn thiếu, việc quản lý chất lượng đô thị sau sắp xếp đơn vị hành chính đô thị chưa được quy định cụ thể…
"Do đó, để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và yêu cầu thể hóa các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210 là thực sự cần thiết và cấp bách", Bộ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1210 nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phân loại đô thị. Xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị, quy trình, thủ tục lập thẩm định, phê duyệt đề án và các báo cáo phân loại đô thị.
Đồng thời, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan Trung ương, các cấp chính quyền địa phương trong việc phân loại đô thị, kiểm tra, giám sát sau công nhận loại đô thị, theo dõi đánh giá khả năng khắc phục các tiêu chí còn yếu, còn thiếu; quản lý chất lượng đô thị sau sắp xếp đơn vị hành chính đô thị phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch đô thị, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản pháp luật có liên quan còn hiệu lực thi hành.
Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210 tiến hành: Sửa đổi, bổ sung mục đích và nguyên tắc phân loại đô thị; sửa đổi, bổ sung quy định về phân loại đô thị áp dụng vùng miền và đặc thù; sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ, thủ tục lập, thẩm định, công nhận loại đô thị và rà soát, đánh giá phân loại đô thị; bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý, kiểm tra công tác phân loại đô thị và sau khi được công nhận loại đô thị; sửa đổi, bổ sung Phụ lục các tiêu chuẩn của các tiêu chí phân loại đô thị;…
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, mục đích xây dựng Nghị quyết nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn của ĐVHC, đặc biệt là các ĐVHC có yếu tố đặc thù - Ảnh: VGP/ĐH
Tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính
Tờ trình của Chính phủ dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (ĐVHC) do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tại phiên họp cho hay, mục đích xây dựng Nghị quyết nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn của ĐVHC, đặc biệt là các ĐVHC có yếu tố đặc thù. Trên cơ sở đó, đề xuất sửa đổi các quy định về áp dụng để việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới và sắp xếp ĐVHC đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội và quá trình đô thị hóa của đất nước.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định về cách xác định tiêu chuẩn, thời hạn và trình tự, thủ tục phân loại ĐVHC để phù hợp với quy định mới của pháp luật. Tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Quan điểm xây dựng dự thảo Nghị quyết này là thể chế hóa các chủ trương của Đảng và cụ thể hóa các quy định của pháp luật về tổ chức ĐVHC và phát triển đô thị.
Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; kế thừa các quy định của Nghị quyết số 1211 đã được thực tiễn kiểm nghiệm là hợp lý; sửa đổi những quy định không còn phù hợp; đồng thời bổ sung những vấn đề mới đã rõ qua quá trình tổng kết thực tiễn.
Từ những căn cứ chính trị, pháp lý và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, dự thảo Nghị quyết đã sửa đổi 24 điều, bổ sung 4 điều mới, bãi bỏ 1 điều và 1 phụ lục của Nghị quyết số 1211.
Các nội dung sửa đổi bổ sung là: Sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn của ĐVHC; sửa đổi, bổ sung một số quy định về phân loại ĐVHC, trong đó có sửa đổi, bổ sung quy định cách tính tổng số điểm phân loại ĐVHC và hồ sơ, trình tự, thủ tục phân loại ĐVHC cấp huyện, cấp xã tại những nơi không tổ chức HĐND theo quy định của Quốc hội và sửa đổi, bổ sung làm rõ quy định về cách tính điểm tăng thêm của các tiêu chuẩn phân loại ĐVHC khi đạt trên mức tối thiểu và cách thức tổ chức thẩm định hồ sơ phân loại ĐVHC để thống nhất với việc phân loại đô thị (theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13).
Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua 2 Nghị quyết với 100% thành viên có mặt tán thành.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo mới kèm theo báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp tại phiên họp này để trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.
Nguyễn Hoàng