|
Các Bộ, ngành cùng bàn bạc để thống nhất giải pháp xử lý phế liệu tồn đọng tại các cảng biển. Ảnh minh họa |
Ngày 14/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã họp bàn với các Bộ, ngành: Tài chính, Tư pháp, Công an, Công Thương, Giao thông vận tải, Tổng cục Hải quan… để thống nhất phương án xử lý phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, cùng với 4 Bộ, ngành để đưa ra các giải pháp, khẩn trương giải quyết triệt để tình trạng tồn đọng phế liệu. Cuộc họp hôm nay sẽ tập trung vào 3 vấn đề: Cập nhật tình hình phế liệu tồn đọng; thống nhất giải pháp xử lý và thống nhất cơ chế chính sách, quy trình xử lý giữa các cơ quan liên quan.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 6656 ngày 5/12 gửi các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương và Tư pháp để lấy ý kiến thống nhất về phương án giải quyết, xử lý phế liệu nhập khẩu còn tồn đọng tại các cảng biển hiện nay.
Theo Tổng cục Hải quan, số lượng container phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển tại Hải Phòng, Bình Dương, Đà Nẵng, Cần Thơ, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn đang gia tăng. Tính đến ngày 19/10/2018 có tổng số 19.376 container tồn đọng tại các cảng biển, trong đó số container quá hạn trên 90 ngày khoảng 10.200.
Cụ thể các phương án giải quyết tồn đọng
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất cụ thể và chi tiết các giải pháp xử lý đối với các lô hàng phế liệu tồn đọng theo 2 loại hình: Các lô hàng tồn đọng quá 90 ngày và các lô hàng còn lại.
Đối với các lô hàng phế liệu tồn đọng quá 90 ngày, Cơ quan Hải quan đã thông báo tìm chủ sở hữu mà không có người đến nhận, thì phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, khám xét phân loại để xử lý theo hướng: Đối với hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường quy định thì yêu cầu hãng tàu có trách nhiệm vận chuyển lô hàng phế liệu nhập khẩu vi phạm đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo. Trường hợp hãng tàu không thể vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam thì phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
Đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường, Cơ quan Hải quan thực hiện tịch thu xung công quỹ và bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Số tiền thu được sau khi trừ đi các chi phí kiểm tra, khám xét, chi phí lưu kho, lưu cảng… được nộp vào ngân sách nhà nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm lựa chọn các cơ sở xử lý chất thải đủ năng lực, đã được cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại. Đồng thời phải đáp ứng được yêu cầu thực tế về diện tích kho bãi, bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu; về phương án phân loại và xử lý; về công nghệ xử lý, tiêu hủy… gửi Bộ Tài chính để lựa chọn tiêu hủy phế liệu vi phạm theo quy định.
Về phương án xử lý các lô hàng phế liệu tồn đọng còn lại, Cơ quan Hải quan tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa vắng mặt người khai hải quan theo quy định và phân thành 3 loại để xử lý. Trong đó phế liệu nhập khẩu không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường, hãng vận chuyển không đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam sẽ bị xử lý, tiêu hủy, kinh phí thực hiện do hãng tàu và tổ chức nhập khẩu (nếu xác định được) thanh toán theo quy định và xử lý nghiêm vi phạm.
Phế liệu nhập khẩu đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường, nhưng người nhận hàng đứng trên tờ khai E-Manifest không có Giấy xác nhận còn hiệu lực và hạn ngạch nhập khẩu sẽ bị tịch thu, sung công quỹ nhà nước.
Phế liệu nhập khẩu đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và người nhận hàng đứng tên trên tờ khai E-Manifest có Giấy xác nhận còn hiệu lực và hạn ngạch nhập khẩu. Cơ quan Hải quan yêu cầu chủ hàng hoặc thông báo tìm chủ hàng đến làm thủ tục thông quan theo quy định trong thời gian 30 ngày. Quá thời hạn trên Cơ quan Hải quan bán hàng hóa tồn đọng theo quy định và nộp ngân sách nhà nước, sau khi trừ các khoản chi phí bán hàng...
Thành lập Tổ công tác xử lý phế liệu tồn đọng
Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, cần thành lập Tổ công tác xử lý phế liệu tồn đọng, thành viên là cán bộ chủ chốt của các Bộ, ngành liên quan để thống nhất về quy trình và giải pháp xử lý phù hợp. Trong đó, ngành Hải quan giữ vai trò chủ trì, ngành Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm việc rà soát các giấy phép về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp có phế liệu tồn đọng.
Đại diện các Bộ, ngành tham dự cũng đã thảo luận về một số vấn đề liên quan đến phế liệu nhập khẩu, như cho phép các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu được chọn địa điểm làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập, hoặc tại nơi có nhà máy, cơ sở sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất để làm thủ tục thông quan.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất cho phép tổ chức, cá nhân làm thủ tục thông quan các lô hàng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại cảng đối với trường hợp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất mới hết hiệu lực (chưa được cấp lại).
Đồng thời, cho phép Bộ tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố tiếp tục xem xét, cấp Giấy xác nhận cho các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu để sản xuất các sản phẩm trung gian, gồm phôi thép, bột giấy tái chế và hạt nhựa tái chế, nếu đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, theo quy định tại Điều 76 Luật Bảo vệ môi trường 2014; Nghị định số 38 ngày 24/4/2015 của Chính phủ.
Thu Cúc