|
Ảnh: VGP/Quang Thương |
Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nội vụ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Cuộc họp nhẳm thống nhất phương án xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc thực hiện Nghị định 40. Trước đó, ngày 27/8, Tổ công tác đã trực tiếp lắng nghe các ý kiến phản ánh từ phía doanh nghiệp về Nghị định này.
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, Bô trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho rằng, Nghị định 40 ra đời trong bối cảnh vấn đề quản lý phế liệu được xã hội và các cơ quan quản lý rất quan tâm. Quan điểm nhất quán của Nghị định là không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, phát triển kinh tế phải giữ được môi trường. Nghị định đã xử lý được rất nhiều vấn đề, chấn chỉnh các khâu liên quan tới bảo vệ môi trường từ cấp phép, nhập khẩu tới sản xuất. Bên cạnh đó, việc thực hiện Nghị định cũng có những khó khăn, vướng mắc.
Vừa qua, Đại sứ quán Nhật Bản, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản và các doanh nghiệp trong nước gửi thư kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ và Tổ công tác về các khó khăn, vướng mắc này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Tổ công tác tổ chức buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan để xử lý các kiến nghị này, tinh thần là quản lý nhà nước nhưng phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Tại buổi làm việc, các bộ, cơ quan đã thống nhất hướng xử lý nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan tới việc thực hiện Nghị định 40. Các bộ, cơ quan cho rằng, các kiến nghị, phản ánh của các hiệp hội doanh nghiệp là hợp lý và có cơ sở thực tiễn, do khó khăn bất khả kháng của tình hình đại dịch COVID-19.
|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc. - Ảnh: VGP/Quang Thương |
Cụ thể, theo khoản 20, 23 Điều 3 Nghị định 40, các cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải liên tục, tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương để được theo dõi, giám sát, thời hạn hoàn thành trước 31/12/2020.
Các doanh nghiệp phản ánh, do đại dịch COVID-19 kéo dài, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp không bảo đảm nguồn lực để hoàn thành thủ tục theo thời hạn nêu trên. Vì chưa lắp đặt hệ thống quan trắc nói trên, các doanh nghiệp cũng không thể nhập được phế liệu dùng làm nguyên liệu để sản xuất do không xin được giấy phép nhập khẩu.
Các bộ, cơ quan đã thống nhất đề nghị Tổ công tác của Thủ tướng kiến nghị Chính phủ cho phép gia hạn thời gian phải hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc đến trước ngày 31/12/2021, tức là thêm 1 năm nữa.
Các bộ, cơ quan cũng thống nhất phương án, cho tự động gia hạn/cấp lại giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu nguyên liệu làm nguyên liệu sản xuất đến hết ngày 31/12/2021.
Cùng với đó, cho tự động gia hạn/cấp lại giấy phép xử lý chất thải nguy hại cho doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 39 điều 3 Nghị định 40 đến hết ngày 31/12/2021.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết các nội dung này sẽ được báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sắp tới để tháo gỡ ngay cho doanh nghiệp.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, nghiên cứu Nghị định 40 nhằm kịp thời phát hiện các bất cập, tồn tại khi áp dụng trong thực tiễn để đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước và phù hợp với các quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Đồng thời, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị các doanh nghiệp cũng cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm với đất nước, với xã hội trong việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường.
Hà Chính