Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chốt mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2018 (Ảnh: KT)
Cuộc họp của Hội đồng tiền lương quốc gia gồm đại diện đầy đủ 3 bên là: Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) (đại diện cho Chính phủ), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (đại diện cho người lao động), Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI, đại diện cho giới sử dụng lao động).
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết, trong cuộc họp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, VCCI đã đưa ra 2 phương án để bỏ phiếu với mức tăng bình quân 7% và 6,5%.
Kết quả bỏ phiếu, đã có 6/14 thành viên hội đồng bỏ phiếu mức tăng 7%; 8/14 phiếu bỏ cho phương án tăng 6,5%.
“Như vậy, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ chốt phương án tăng lương tối thiểu 6,5%, tức tăng từ 180.000 đồng đến 230.000 tùy từng vùng để trình Chính phủ quyết định” – Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.
Căn cứ vào mức đề xuất này, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ làm báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét và ban hành Nghị định tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 thời gian tới.
Trao đổi với báo chí, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Đại điện người sử dụng lao động chưa cảm thấy thoả mãn với mức tăng này. Với mức tăng 6,5% thì lộ trình tăng lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu có thể phải kéo dài đến sau năm 2020. Mức tăng này thể hiện sự chia sẻ rất lớn của người lao động với doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng bày tỏ chưa hài lòng với kết quả này. Nguyên nhân là kinh tế khó khăn, doanh nghiệp đang có nhiều gánh nặng, giờ lại phải gánh tăng lương... Ông phát biểu: “Qua khảo sát của chúng tôi với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn nước ngoài FDI cho thấy họ đều cùng quan điểm không muốn tăng lương. Nếu liên tục tăng lương tối thiểu như những năm qua thì ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp”./.
Kim Thanh