|
Theo quy định mới, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) sẽ là đầu mối kiểm tra chất lượng đối với thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc thực vật - Ảnh:VGP/Đỗ Hương |
Theo Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) trong 63 TTHC liên quan tới kiểm tra chuyên ngành được quy định tại 27 văn bản (3 văn bản luật, 6 Nghị định, 18 Thông tư), qua rà soát, Bộ sẽ cắt giảm, đơn giản hóa 39/63 TTHC (đạt 61,9%) về kiểm tra chuyên ngành.
Các TTHC đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa tập trung vào các nội dung như: Đơn giản hóa, lược bỏ một số giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu thực hiện; đơn giản hóa trình tự thực hiện; giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
Cùng với đó, thực hiện gộp một số TTHC có liên quan chặt chẽ trong chuỗi trình tự thực hiện của cơ quan nhà nước nhằm giảm thời gian thực hiện các TTHC của tổ chức, cá nhân; tổ chức triển khai thực hiện TTHC trực tuyến mức độ 3, 4, cơ chế 1 cửa quốc gia. Bộ cũng sẽ lên phương án thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm ở tất cả các thủ tục hành chính kiểm tra an toàn thực phẩm; thực hiện quản lý hàng hóa theo phương thức quản lý rủi ro; giảm tần suất lấy mẫu lô hàng. Kết quả đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 39 TTHC.
Theo kết quả thống kê của Tổng cục Hải quan đối với các mặt hàng xuất nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành của Bộ thì tính đến quý I/2018, Bộ mới chỉ cắt giảm được 1.069 mặt hàng trên tổng số 12.402 mặt hàng so với năm 2015 (trong đó giảm 1195; tăng 126 mặt hàng). Như vậy, để đạt được chỉ tiêu cắt giảm 50% danh mục cần sự rà soát toàn diện, xác định đúng bản chất của hoạt động kiểm tra chuyên ngành để nhận diện các loại hàng hóa phải thực hiện kiểm tra.
Về các sản phẩm, hàng hóa chịu nhiều hình thức kiểm tra chuyên ngành: Bộ rà soát 6 nhóm hàng hóa đang chịu sự kiểm tra chuyên ngành của nhiều đơn vị trong Bộ. Hiện nay lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã thống nhất giao cho một đầu mối kiểm tra đối với các nhóm hàng đang chồng chéo trong quản lý như sau:
Đối với “kén tằm”, “côn trùng”, thống nhất giao một đầu mối kiểm tra là Cục Bảo vệ thực vật.
Đối với “Giống thủy sản”, thống nhất giao đầu mối kiểm tra là Cục Thú y (chỉ thực hiện kiểm dịch trước thông quan).
Đối với thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc động vật, thống nhất giao một đầu mối kiểm dịch và kiểm tra chất lượng (đối với những lô hàng kiểm tra trước thông quan) cho Cục Thú y.
Đối với thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc thực vật, thống nhất giao một đầu mối kiểm dịch và kiểm tra chất lượng (đối với những lô hàng kiểm tra trước thông quan) cho Cục Bảo vệ thực vật.
Đỗ Hương