Thống đốc NHNN: sớm hoàn thiện khung pháp lý cho ngân hàng số và Fintech phát triển 

(Chinhphu.vn) – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung vào Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) các nội dung mới liên quan đến công nghệ nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho quá trình chuyển đổi số và hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.

 

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu. Ảnh:VGP.

Đây là ý kiến của Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tại phiên thảo luận tại Hội nghị trực tuyến chuyên sâu về Việt Nam thảo luận các chiến lược để tối ưu cơ hội đầu tư vào Việt Nam sau đại dịch COVID-19, chiều 7/9.

 

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhận định, sự xuất hiện và phát triển với tốc độ nhanh chóng của Fintech đã khiến các cơ quan quản lý tài chính của các quốc gia phải đối mặt với những thách thức và khó khăn trong công tác quản lý, giám sát như nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố (AML/CFT), rủi ro liên quan đến an ninh, an toàn, bảo mật thông tin…

 

Nhiệm vụ đặt ra với các cơ quan quản lý tài chính trên thế giới là bảo đảm đồng thời mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo của lĩnh vực ngân hàng trong khi vẫn phải duy trì sự ổn định, an toàn của thị trường tài chính và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

 

Cũng như các cơ quan quản lý trên thế giới, NHNN và các cơ quan liên quan tại Việt Nam cũng đang gặp phải các thách thức mới trong công tác quản lý Nhà nước với sự xuất hiện của các công ty Fintech hoạt động trong các lĩnh vực như cho vay ngang hàng (P2P Lending), các mô hình thanh toán mới, chuyển tiền xuyên biên giới, chia sẻ dữ liệu người dùng qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open APIs)....

 

Lãnh đạo NHNN thẳng thắn thừa nhận, hoạt động của loại hình các công ty, mô hình này hiện nay hầu hết đều chưa có quy định pháp lý cụ thể điều chỉnh, do đó những rủi ro phát sinh chưa được kiểm soát đầy đủ. 

 

Xuất phát từ thực tiễn phát triển của Hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam và thông lệ quản lý lĩnh vực Fintech trên thế giới, trước mắt đối với các dịch vụ mới hoàn toàn chưa có quy định pháp lý thì việc thiết lập Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam là hết sức cấp bách và cần thiết.

 

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, hiện nay, NHNN đang trong quá trình phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện bộ Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.

 

Song song với đó, đối với các dịch vụ đã có một phần quy định pháp lý điều chỉnh, lãnh đạo NHNN cho hay đang thực hiện rà soát và tiến hành sửa đổi, bổ sung ngay các quy định này nhằm hỗ trợ các TCTD, ngân hàng có thể nhanh chóng triển khai việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động của mình.

 

Cụ thể, để triển khai ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực thanh toán, tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt); thực hiện xác thực khách hàng từ xa E-KYC thì sửa đổi, bổ sung Nghị định 116/2013/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền...

 

“NHNN cũng đang nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung vào Luật các TCTD các nội dung mới liên quan đến công nghệ nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho quá trình chuyển đổi số và hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng”, Thống đốc nói.

 

Được biết, trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, một trong các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong năm 2020 là ban hành khuôn khổ cơ chế quản lý thử nghiệm (Sandbox) đối với hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong hoạt động ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt.

 

Trong Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng nêu ra nhiệm vụ, cần sớm ban hành khung cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để triển khai thí điểm sau đó nhân rộng đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cách mạng công nghiệp 4.0 có tiềm năng gây rủi ro cao. Việc triển khai thí điểm, thử nghiệm, phải xác định rõ phạm vi không gian và thời gian.

 
 

Anh Minh

263 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 801
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 801
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87231186