Thông điệp của Thủ tướng: Xử lý cứng rắn với gian lận xuất xứ 

(Chinhphu.vn) - Thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là chỉ đạo quyết liệt và có các giải pháp cứng rắn, hiệu quả nhằm ngăn chặn việc giả mạo, gian lận xuất xứ và chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, xử lý nghiêm minh, triệt để và không có ngoại lệ.

 

 
Ảnh: VGP


Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, nhấn mạnh điều này khi dẫn đầu Tổ công tác làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Công Thương, Bộ Tài chính về tình hình cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và công tác phòng chống gian lận xuất xứ, chiều 15/11.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các nước đang diễn ra, việc gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng tới uy tín của hàng hóa Việt Nam, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.

“Việc cấp C/O phải bảo đảm thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng chúng ta cũng không để lợi dụng việc cấp C/O để gian lận thương mại, gian lận xuất xứ. Các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, chân chính rất quan tâm vấn đề này”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ.

“Không thể để chúng ta trở thành điểm trung chuyển hàng hóa gian lận. Nếu không làm tốt công tác này sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn”, Bộ trưởng nêu rõ.

Hiện nay, có 2 hình thức gian lận là gian lận xuất xứ ưu đãi (C/O do Bộ Công Thương cấp) để hưởng ưu đãi thuế quan và gian lận xuất xứ không ưu đãi (C/O do VCCI cấp) để lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, lừa dối người tiêu dùng.

Xử lý triệt để, không có ngoại lệ

Ngày 4/7/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 824 phê duyệt Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Trong đó, yêu cầu nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước với hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.

Cùng ngày, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công Thương, VCCI báo cáo Thủ tướng về tình hình cấp C/O, Bộ Tài chính báo cáo về tình hình kiểm tra xuất xứ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong 6 tháng năm 2019. Thủ tướng cũng yêu cầu Tổ công tác tìm hiểu về tình hình gian lận xuất xứ và Tổ công tác cũng đã làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan để nắm bắt thông tin đầy đủ, khách quan các nội dung liên quan.

Thủ tướng cũng đã giao Bộ Công Thương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số biện pháp cấp bách để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng chống gian lận xuất xứ. Hiện dự thảo này đang được lấy ý kiến các bộ, cơ quan.

Theo Tổ trưởng Tổ công tác, buổi làm việc hôm nay nhằm kịp thời phát hiện các bất cập, vướng mắc về thể chế, chính sách, bất cập trong thực thi công vụ để kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, yêu cầu cụ thể với các bộ, cơ quan liên quan nhằm ngăn chặn, phòng ngừa có hiệu quả các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp.

“Thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là chỉ đạo quyết liệt và có các giải pháp cứng rắn, hiệu quả nhằm ngăn chặn việc giả mạo, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, xử lý nghiêm minh, triệt để và không có ngoại lệ với các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của hàng hóa Việt Nam, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính”, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh.

Thời gian qua, Bộ Công Thương và VCCI đã hết sức tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc cấp C/O, nhưng trong bối cảnh mới, cần xem xét lại nhiều vấn đề như cấp C/O gắn với kiểm tra thực tế sản xuất, dán nhãn thế nào, kiểm tra các tài liệu, chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, vật tư đầu vào, quy trình sản xuất của các doanh nghiệp xin cấp C/O… Việc này cần sự phối hợp của nhiều cơ quan khác nhau.

“VCCI có bảo đảm việc tiến hành kiểm tra thực tế nơi sản xuất về nhà máy, nhân lực, đầu vào nguyên  liệu khi cấp C/O không, hay chỉ kiểm tra hồ sơ”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu vấn đề. Cùng với đó, trong thực tế, ngoài các loại C/O theo quy định, hiện VCCI còn cấp giấy chứng nhận với nội dung xác nhận bằng tiếng Anh, tuy không phải là giấy chứng nhận xuất xứ, nhưng theo phản ánh, việc cấp giấy chứng nhận này dễ tạo kẽ hở cho doanh nghiệp sử dụng như chứng nhận xuất xứ hàng hóa. VCCI cần xem xét kỹ vấn đề này.

Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. - Ảnh: VGP

25 mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ

Theo VCCI, số liệu cấp C/O không phản ánh đầy đủ tình hình xuất khẩu thực tế của doanh nghiệp do nhiều lô hàng xuất khẩu không đề nghị cấp C/O. Chẳng hạn, 9 tháng đầu năm 2019, số lượng doanh nghiệp được cấp C/O cho hàng hóa sang Hoa Kỳ tăng khoảng 17,9% so với cả năm 2018, nhưng trị giá xuất khẩu của các hồ sơ cấp C/O mẫu B chỉ chiếm khoảng 15,5% so với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Cụ thể, VCCI cấp C/O cho 2.396 doanh nghiệp với trị giá xuất khẩu 6,9 tỷ USD, so với tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ là 44,6 tỷ USD theo số liệu của hải quan.

Để phòng chống gian lận, VCCI đã tiến hành phân loại và lập danh mục các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ để tăng cường kiểm tra chặt chẽ. Cùng với đó, 9 tháng đầu năm, các tổ cấp C/O của VCCI đã kiểm tra 262 cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu, gấp 5 lần so với năm 2018. Qua đó, từ chối cấp C/O cho 30 sản phẩm vì quy trình sản xuất không vượt qua công đoạn gia công, chế biến đơn giản.

“Một doanh nghiệp vừa ra đời năm trước, tổng vốn chỉ có 2 triệu USD nhưng sản xuất lô hàng trị giá cả tỷ USD thì phải xem xét”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu ví dụ và cho rằng các cơ quan cần hết sức nhạy cảm trong việc kiểm tra khi cấp C/O.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định tỷ lệ C/O bị hải quan các nước yêu cầu xác minh xuất xứ trong tổng số C/O ưu đãi được cấp là rất nhỏ. Kết quả xác minh cũng cho thấy, các lô hàng được cấp C/O Việt Nam đều đáp ứng các điều kiện được cấp C/O. Tuy vậy, có tình trạng doanh nghiệp làm giả C/O để gian lận xuất xứ.

Các mặt hàng chủ yếu là một số loại hạt, mặt hàng tấm gỗ ghép… Bộ Công Thương đã ngay lập tức có cảnh báo tới các cơ quan, tổ chức cấp C/O để đặc biệt lưu ý trong việc tăng cường kiểm tra hồ sơ và kiểm tra cơ sở sản xuất.

Thông tin thêm, Thứ trưởng Khánh cho biết Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ xây dựng, cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại. Đây là cơ sở để các bộ ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ chi tiết tại Đề án đã được Thủ tướng phê duyệt. Cho đến nay, đã có 25 mặt hàng trong danh sách này.

Khẩn trương sửa đổi, ban hành các quy định

Lắng nghe các ý kiến từ Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và VCCI  về các vướng mắc, bất cập, kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng gian lận xuất xứ, mà trước hết là do hành lang pháp lý chưa theo kịp diễn biến thực tế. Cùng với đó, phải xem xét vấn đề thực thi, bởi trên thực tế vẫn còn có những sơ hở.

Một nguyên nhân khác là chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe các vi phạm. Đáng lo ngại là cách làm việc thiếu trách nhiệm của một số cơ quan, cá nhân ở cơ sở. Bên cạnh đó là sức ép từ hàng hóa nhập khẩu giá rẻ - có khi được bán dưới giá thành sản xuất, điều này tạo động lực cho gian lận thương mại.

Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị các bộ, cơ quan trước hết xem xét lại các quy định của pháp luật, khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho sản phẩm lưu thông tại thị trường trong nước, cần hoàn thành trong tháng 11 này. Cũng trong tháng 11, cần trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ về một số biện pháp cấp bách để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng chống gian lận xuất xứ. Cố gắng hoàn thành các thông tư, nghị định liên quan trong năm 2019.

Cùng với đó, xem xét kết nối hệ thống trao đổi thông tin dữ liệu giữa Công Thương, VCCI và Hải quan. Đầu tháng 12 tới, thủ tục cấp C/O sẽ được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Bộ trưởng cũng đề nghị các cơ quan khuyến cáo các hiệp hội tăng cường tham gia giám sát, bảo vệ các doanh nghiệp chân chính, phản ánh các hành vi gian lận. “Thủ tục cấp C/O có nên có sự tham gia của doanh nghiệp hiệp hội ngành hàng không, vì họ nắm thông tin rất chính xác, VCCI cân nhắc, tham khảo”, Bộ trưởng đề nghị.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho rằng, sẽ không có việc kiểm tra toàn bộ các doanh nghiệp đề nghị cấp C/O, nhưng với các doanh nghiệp, mặt hàng nguy cơ, cần phải có giải pháp để tránh việc doanh nghiệp lợi dụng.

"Các cơ quan cấp C/O phải xác định rõ trách nhiệm, chứ không thể nói là đã làm đúng cả. Chúng ta xác định tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhưng có cơ chế kiểm soát để không để xảy ra khả năng lợi dụng để gian lận xuất xứ”, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh một lần nữa.

Hà Chính

269 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 443
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 443
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88609141