Bài viết "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả" của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm mang thông điệp cách mạng mạnh mẽ và do đó thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân quan tâm. Từ việc đúc kết lý luận và thực tiễn nước ta; khẳng định tầm quan trọng to lớn của năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và hiệu lực, hiệu năng của hệ thống chính trị, đồng chí Tổng Bí thư phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện về những kết quả đạt được trong quá trình cải cách, sắp xếp bộ máy, nhất là đánh giá tình hình, kết quả trong 7 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được trong quá trình tổ chức sắp xếp bộ máy, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo vận hành thông suốt từ Trung ương đến cơ sở, đồng chí Tổng Bí thư cũng chỉ rõ những hạn chế, tồn tại gây hậu quả nghiêm trọng: “Những tồn tại, hạn chế, sự chậm chạp, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng. Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức trên thực tế. Sự chồng chéo, phân định không rõ chức năng, nhiệm vụ dẫn đến không rõ trách nhiệm, “lấn sân”, cản trở, thậm chí “vô hiệu hóa” lẫn nhau, làm giảm tính chủ động, sáng tạo, dẫn đến năng suất lao động, hiệu suất công tác thấp, đùn đẩy trách nhiệm, tiêu cực, cản trở phát triển, phát sinh phiền nhiễu, giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Tầng nấc trung gian dẫn đến mất thời gian qua “nhiều cửa” thủ tục hành chính, gây cản trở, thậm chí tạo điểm nghẽn, làm lỡ cơ hội phát triển. Chi phí vận hành hệ thống tổ chức bộ máy lớn, làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. So với những thay đổi to lớn của đất nước sau 40 năm đổi mới, sự phát triển của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và những thành tựu khoa học công nghệ; tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta tuy đã được đổi mới ở một số bộ phận, nhưng cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới là trái với quy luật phát triển; tạo ra tâm lý “Nói không đi đôi với làm”.
Đảng ta chủ trương, xây dựng Đảng phải gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Chủ trương này hoàn toàn đúng đắn cả về lý luận khoa học và chính trị thực tiễn. Bởi lẽ, Đảng là thành viên của hệ thống chính trị nhưng đồng thời cũng là thành viên lãnh đạo hệ thống đó. Đảng không thể trong sạch, vững mạnh nếu như hệ thống chính trị mà Đảng lãnh đạo còn nhiều hạn chế, yếu kém. Điều đó chỉ dẫn rằng, muốn nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng thì không thể tách rời việc nâng cao hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Mặt khác, quá trình đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có tiến hành cải cách, sắp xếp hệ thống chính trị đã thể hiện trong nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng từ năm 1986 đến nay. Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam hành động, việc hoạch định đường lối, chủ trương đổi mới là xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của đất nước dựa trên lý luận khoa học dẫn đường, có lộ trình, bước đi cụ thể. Đảng ta chủ trương đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy, có nghĩa là lối suy nghĩ, cách làm cũ không có hiệu quả dẫn đến tình hình phát triển trên các lĩnh vực không đảm bảo hiệu quả khiến lãng phí nguồn lực của đất nước, dẫn đến nhiều hệ lụy cho xã hội.
Với trách nhiệm của người lãnh đạo trước Đảng, trước Nhân dân, đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ rõ những ưu điểm, những hạn chế, yếu kém trong quá trình tiến hành cải cách bộ máy nhà nước. Đồng thời, trước những yêu cầu của đất nước ngày càng cao về hội nhập quốc tế, nâng tầm vai trò vị thế của nước ta trên trường thế giới đòi hỏi phải phát huy mọi nguồn lực, trong đó nguồn nhân lực và thể chế là các yếu tố then chốt, đòi hỏi sự đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân với ý chí quyết tâm cao nhất để tổ chức thực hiện việc sắp xếp bộ máy tinh, gọn, hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả, đảm bảo nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng trong tình hình mới. Cụ thể là gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh. Ban hành quy định về khung tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí cán bộ ở từng cấp, từ Trung ương tới cơ sở, từng loại hình để chủ động rà soát, xác định có thể bố trí ngay. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đánh giá cán bộ. Có cơ chế hữu hiệu sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và sử dụng đối với người có năng lực nổi trội.
Kết thúc bài viết, đồng chí Tổng Bí thư nhắc lại câu nói của Lê-nin để khẳng định tầm quan trọng của việc sắp xếp bộ máy Nhà nước, đồng thời những khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện sắp xếp bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực sự đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm thực hiện: “Phải tuân theo quy tắc này: thà ít mà tốt... Tôi biết rằng giữ vững quy tắc ấy và vận dụng được nó vào tình hình thực tế của chúng ta là khó khăn... Tôi biết rằng sẽ phải kháng cự một cách mãnh liệt, sẽ phải tỏ ra kiên trì phi thường... Song tôi vẫn tin chắc rằng chỉ có tiến hành công tác đó, chúng ta mới có thể xây dựng được một nước cộng hòa thật sự xứng danh là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô - Viết”.
Thời điểm 100 năm đất nước ta dưới sự lãnh đạo Đảng và 100 năm thành lập nước không còn xa, để đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi; muốn vậy cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị./. Phan Văn Lãn