Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu tới bạn đọc toàn văn Thông cáo chung:
1. Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Cộng hòa Ác-hen-ti-na Mau-ri-xi-ô Ma-cơ-ri đã thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 19 - 21/02/2019.
2. Hai nhà lãnh đạo đã hội đàm về chương trình nghị sự song phương, các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phát triển trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại và hợp tác kỹ thuật, hai bên nhất trí làm sâu sắc mối quan hệ đối tác toàn diện vốn có giữa hai quốc gia, hướng đến thiết lập đối tác chiến lược.
3. Hai bên thống nhất duy trì tiếp xúc cấp cao và thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp từ trung ương đến địa phương, giữa hai Quốc hội cũng như giữa các cơ quan khác, nhằm củng cố mối quan hệ chính trị và thể chế giữa hai quốc gia.
4. Hai nhà lãnh đạo đánh giá kết quả tích cực của khóa họp lần thứ VI Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam – Ác-hen-ti-na về Kinh tế, Thương mại, diễn ra tại Bu-ê-nốt Ai-rết vào tháng 10/2018, và nhất trí duy trì cơ chế này nhằm đạt được các kết quả cụ thể.
5. Hai bên cùng nhắc lại rằng năm 2018 vừa qua đã có nhiều chuyến trao đổi đoàn doanh nghiệp giữa hai quốc gia và nhấn mạnh tầm quan trọng của Diễn đàn doanh nghiệp được tổ chức ngày 21/2/2019 tại Hà Nội. Hai nhà lãnh đạo hy vọng rằng các doanh nghiệp hai bên sẽ tiếp tục duy trì đối thoại nhằm tăng cường trao đổi thương mại trong lĩnh vực công nghiệp, lương thực - thực phẩm. Hai bên cũng nhất trí rằng các diễn đàn doanh nghiệp tương tự sẽ thúc đẩy phát triển cũng như mối liên kết giữa nhân tài và nguồn lực tại hai quốc gia, và đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp hai bên tiếp tục hợp tác trên tinh thần này.
Hai bên thống nhất khuyến khích, thúc đẩy sự tham dự của các doanh nghiệp Việt Nam tại Hội chợ Quốc tế “Expo 2023” do Ác-hen-ti-na đăng cai, với chủ đề “Ngành công nghiệp sáng tạo trong kỷ nguyên hội tụ kỹ thuật số”.
Nhằm thắt chặt mối quan hệ hợp tác trên cơ sở Bản ghi nhớ đã được ký kết giữa Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương Việt Nam và Cơ quan Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Quốc tế Ác-hen-ti-na, hai nhà lãnh đạo đề nghị hai cơ quan này tiếp tục thực hiện các hoạt động nhằm thúc đẩy đầu tư và thương mại giữa hai quốc gia.
6. Hai Nguyên thủ bày tỏ sự hài lòng về mối quan hệ song phương đạt được trong lĩnh vực kinh tế - thương mại và nhất trí tiếp tục nỗ lực hơn nữa nhằm tăng cường và đa dạng hóa trao đổi kinh tế - thương mại, cân bằng lợi ích của hai bên, thông qua Ủy ban Liên Chính phủ, các phái đoàn thương mại và chuyến thăm chính thức lẫn nhau. Hai bên cam kết đẩy mạnh trao đổi các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn hơn, cũng như tăng cường hợp tác giữa các cơ quan kiểm dịch động thực vật trong các vấn đề tiếp cận thị trường và tiếp tục các hoạt động hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật. Trên cơ sở đó, Ác-hen-ti-na bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp.
Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh thỏa thuận mở cửa thị trường cho bốn loại hoa quả của mỗi nước, trong đó mở cửa thị trường ngay cho quả thanh long và vải của Việt Nam cũng như cho quả chanh và bưởi của Ác-hen-ti-na, cam kết cụ thể hóa sớm nhất có thể, cùng với các biện pháp kiểm dịch tương ứng, việc mở cửa thị trường sớm nhất có thể cho quả nhãn và xoài của Việt Nam và cho quả cam, quýt của Ác-hen-ti-na.
Ác-hen-ti-na tái khẳng định mối quan tâm trong việc nhanh chóng cụ thể hóa việc tiếp cận thị trường Việt Nam đối với táo, lê, việt quất và anh đào, cũng như thịt lợn, tinh trùng và phôi thai bò, ngựa và bò sống, bột và dầu cá, mật ong và các sản phẩm khác. Về phần mình, Việt Nam đề nghị phía Ác-hen-ti-na có bước đi nhằm thiết lập và cải thiện tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm của Việt Nam bao gồm rau, củ, trái cây, hồ tiêu, hạt điều, cà phê, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, da giầy và phụ kiện dệt may, cao su và các sản phẩm cao su, sợi tổng hợp, hàng điện tử, máy móc dụng cụ cơ khí, máy nông nghiệp, hàng gốm sứ, hàng thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm khác.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục thúc đẩy du lịch nhằm đem lại lợi ích kinh tế và góp phần nâng cao hiểu biết và tin cậy giữa nhân dân hai nước, hoan nghênh việc hai nước xem xét áp dụng một số biện pháp nhằm tạo thuận lợi về nhập cảnh cho công dân hai nước.
7. Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng một bản Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) sẽ mang lại những tác động kinh tế tích cực; thống nhất tiến hành nghiên cứu khả thi về việc đàm phán hiệp định này.
Việt Nam cảm ơn Ác-hen-ti-na công nhận Việt Nam hoàn toàn có nền kinh tế thị trường theo các thỏa thuận đã kí tại WTO và nhấn mạnh việc tất cả các nước thành viên MERCOSUR công nhận việc này sẽ tạo cơ sở quan trọng cho khả năng khởi động đàm phán một Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và khối MERCOSUR.
8. Ác-hen-ti-na và Việt Nam nêu bật đóng góp tích cực của hợp tác kỹ thuật như một công cụ nhằm củng cố quan hệ song phương. Hai bên ghi nhận đóng góp của chương trình hợp tác gồm 15 dự án được Quỹ Hợp tác Quốc tế Ác-hen-ti-na (FO.AR) tài trợ, với trọng tâm là công nông nghiệp và nhân chủng học pháp y. Phía Ác-hen-ti-na nhấn mạnh rằng Việt Nam là đối tác có mối quan hệ sâu rộng nhất với nước này tại khu vực Đông Nam Á trên lĩnh vực hợp tác kỹ thuật.
Ác-hen-ti-na và Việt Nam nhấn mạnh việc hai bên tăng cường trao đổi kinh nghiệm, kiến thức và công nghệ giữa các cơ quan, tổ chức kỹ thuật thông qua chuyển giao kiến thức và công nghệ. Về công nông nghiệp, việc trao đổi giữa hai bên được cụ thể hóa bằng Hội thảo khu vực về hợp tác kỹ thuật, được tổ chức vào tháng 7/2018 tại Hà Nội, qua đó đã xuất hiện nhiều sáng kiến mới hai bên cùng quan tâm. Phía Việt Nam cũng đánh giá cao những kết quả đạt được trong hợp tác kỹ thuật với Ác-hen-ti-na trong việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ tại Việt Nam, dự án do Nhóm Nhân chủng học pháp y Ác-hen-ti-na (EAAF) phụ trách. Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực này trong khuôn khổ Kế hoạch hành động 2019 - 2021 giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Tôn giáo Ác-hen-ti-na về hợp tác kỹ thuật nhằm đào tạo năng lực trong việc xác định danh tính hài cốt liệt sỹ.
Hai bên khẳng định cam kết của mình với quá trình đàm phán trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao lần thứ II của Liên hợp quốc về Hợp tác Nam-Nam, sẽ được tổ chức tại Buenos Aires từ ngày 20 - 22/03/2019. Về vấn đề này, hai nhà lãnh đạo nhất trí nỗ lực hợp tác để bản văn kiện cuối cùng của Hội nghị thể hiện sự đóng góp của các nước đang phát triển đối với mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời để các sáng kiến về hợp tác ba bên được đánh giá như một cơ chế hiệu quả nhằm vượt qua các thách thức phát triển vẫn còn hiện hữu tại mỗi quốc gia.
9. Hai nguyên thủ bày tỏ sự quan tâm hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình và nêu bật tiềm năng hợp tác sản xuất lò phản ứng nghiên cứu, cũng như áp dụng năng lượng nguyên tử trong y tế, thông qua cơ quan INVAP và các viện nghiên cứu phía Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
10. Hai bên bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, trong đó có việc sớm ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương trong thời gian tới, tập trung thúc đẩy các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm như công nghiệp quốc phòng, các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, hậu cần, quân y.
11. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác và trao đổi thông tin với mục đích đấu tranh phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, khủng bố, buôn bán ma túy, rửa tiền và buôn bán người; đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham gia giải quyết những vấn đề an ninh, trật tự mang tính toàn cầu thông qua các cơ quan hữu quan của hai quốc gia hướng tới tiếp tục đẩy mạnh các đàm phán của một Thỏa thuận hợp tác về phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Thỏa thuận hợp tác về phòng, chống, điều tra tội phạm buôn bán người, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân giữa hai Chính phủ trong năm 2019.
12. Nhằm củng cố và mở rộng quan hệ văn hóa, hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy Chương trình trao đổi văn hóa giai đoạn 2019-2023, nhằm tạo khuôn khổ giao lưu sâu rộng hơn giữa hai nền văn hóa. Hai nguyên thủ cùng ghi nhận rằng việc thúc đẩy trao đổi thông tin và hợp tác trong lĩnh vực phát thanh truyền hình có vai trò chiến lược nhằm củng cố tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước, thúc đẩy việc triển khai Bản ghi nhớ hợp tác giữa Đài Tiếng nói Việt Nam và Hệ thống Truyền thông và Thông tin Đại chúng Liên bang Cộng hòa Ác-hen-ti-na.
Hai bên thống nhất khuyến khích hợp tác trong lĩnh vực thể thao và tăng cường trao đổi thông tin, hợp tác trong các sự kiện thể thao quốc tế.
13. Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, FEALAC và các diễn đàn hợp tác Nam – Nam. Phía Việt Nam cảm ơn phía Ác-hen-ti-na đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
14. Hai bên nhất trí làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác và trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo cán bộ ngoại giao.
15. Hai nhà lãnh đạo thống nhất tăng cường trao đổi kinh nghiệm về chăm sóc sức khỏe Cộng đồng, đặc biệt là trao đổi kinh nghiệm chính sách nhằm hạn chế lạm dụng rượu và thuốc lá. Đồng thời, hai bên đã tái khẳng định các cam kết được đề cập trong Biên bản ghi nhớ được ký năm 2009 giữa các Cơ quan Quản lý Dược phẩm của hai quốc gia (ANMAT - DAV) và chỉ đạo các Cơ quan này tiếp tục trao đổi để cập nhật các nội dung hai bên cùng quan tâm trong Biên bản ghi nhớ.
16. Hai bên nhất trí rằng các tranh chấp về chủ quyền và lãnh thổ cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
17. Ác-hen-ti-na và Việt Nam tái khẳng định tầm quan trọng của hệ thống đa phương về thương mại tự do và mở, dựa trên luật lệ, tính công khai, minh bạch, lợi ích bao trùm, không phân biệt đối xử và bình đẳng, với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) làm trọng tâm. Hai bên ủng hộ việc cùng hợp tác để cải thiện hoạt động của WTO, bao gồm các cơ chế đàm phán, giám sát và giải quyết tranh chấp nhằm xử lý một cách phù hợp các thách thức mà hệ thống đang phải đối mặt, đem lại lợi ích cho mọi người dân và doanh nghiệp. Hai nhà lãnh đạo thống nhất việc hiện đại hóa WTO cần được thực hiện vì lợi ích của tất cả các thành viên, phải luôn tính đến nhu cầu, quyền lợi của các quốc gia đang phát triển.
18. Hai nguyên thủ cùng bày tỏ sự hài lòng với việc ký kết các thỏa thuận hợp tác trên lĩnh vực văn hóa, pháp y, truyền thông đại chúng và giữa hai phòng thương mại nhân dịp chuyến thăm này.
19. Tổng thống Mau-ri-xi-ô Ma-cơ-ri cảm ơn Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vì sự đón tiếp nồng hậu và thân thiện của Chính phủ và nhân dân Việt Nam dành cho Đoàn đại biểu Ác-hen-ti-na trong suốt chuyến thăm và trân trọng mời Chủ tịch nước thăm chính thức nước Cộng hòa Ác-hen-ti-na. Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vui vẻ nhận lời và đề nghị hai bên thu xếp chuyến thăm qua đường ngoại giao./.