Chiều 8/7, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn Hợp tác doanh nghiệp (DN) và báo chí trong môi trường biến đổi và lễ phát động Tác phẩm báo chí viết về doanh nhân-DN năm 2021.
|
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi chủ trì Diễn đàn. Ảnh: VGP
|
Tiếng nói thúc đẩy cải cách thể chế
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhìn nhận, Đảng và Chính phủ đã có những chủ trương chỉ đạo rất quyết liệt, kịp thời trong phòng chống COVID-19, trong đó có duy trì sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế. Các gói hỗ trợ cho an sinh xã hội và trợ giúp cho DN bao phủ và kịp thời đã và đang bước đầu phát huy tác dụng.
Việc kiên trì mục tiêu kép với mục tiêu tăng trưởng từ 6 đến 6,5% và lạm phát dưới 5% thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, tạo việc làm, đảm bảo sinh kế cho người dân. Niềm tin của người dân và DN đang tiếp tục được khơi dậy.
Để có được niềm tin đó, báo chí đóng một vai trò rất quan trọng. Những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, qua báo chí, đã đến kịp thời tới các tầng lớp nhân dân và cộng đồng DN, được nhân dân và cộng đồng DN tin tưởng đi theo.
“Muốn giữ được niềm tin để phát triển, bên cạnh việc duy trì, giữ vững ổn định nền kinh tế vĩ mô, hệ thống tài chính, thanh khoản của DN, thì việc từng bước mở cửa thị trường, đẩy mạnh cải cách thể chế là những giải pháp quan trọng nhất", ông Vũ Tiến Lộc phân tích.
Chủ tịch VCCI chia sẻ, dù phải hết sức cẩn trọng để phòng ngừa dịch bệnh có thể quay trở lại, nhưng chúng ta cũng không thể chậm chân trong phục hồi và phát triển kinh tế để bảo đảm việc làm, lo sinh kế cho dân.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay, có 70.200 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có 11.700 DN rút lui khỏi thị trường.
Chính phủ đang đặc biệt quan tâm đến việc phục hồi DN với việc hỗ trợ bằng tài khoá, tín dụng… Nhưng do giới hạn về nguồn lực và áp lực cân bằng vĩ mô, giải pháp này cũng là hữu hạn. Những nỗ lực khơi thông thị trường, cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục… luôn là vô hạn và là động lực lớn nhất cho sự phát triển.
“Do đó, các DN kỳ vọng báo chí hãy chung tay trong việc thúc đẩy cải cách thể chế. Đây là thời điểm thích hợp để chúng ta có thể đột phá trong vấn đề này. VCCI đã và đang có nhiều đề xuất để triển khai tổng rà soát những chồng chéo, xung đột, bất hợp lý trong hệ thống pháp luật để sửa chữa, bổ sung. Thực tế, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhiều DN chia sẻ cần cơ chế hơn là tiền”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
Ở chiều ngược lại, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, về phía các DN cũng cần tự soi trong “chiếc gương” báo chí để định vị mình tốt hơn trong nỗ lực phát triển có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Song song với thúc đẩy cải cách thể chế, báo chí cũng góp phần định hướng cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đại diện cộng đồng DN bày tỏ đồng tình với các quan điểm mới, linh hoạt của Chính phủ trong bối cảnh chống dịch bệnh trong điều kiện khẩn trương, dùng cơ chế đặc biệt để ứng phó với COVID-19 và vấn đề phát triển kinh tế-xã hội.
"Cần có cơ chế để hành động trên sự thống nhất, đẩy nhanh áp dụng dùng một luật sửa nhiều luật hay gỡ ngay những điểm bất hợp lý, chồng chéo hiện nay. Chúng tôi mong có những đột phá như vậy trong cải cách thể chế để hậu thuẫn cho cộng đồng DN", ông Vũ Tiến Lộc cho biết.
|
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: DN kỳ vọng báo chí hãy chung tay trong việc thúc đẩy cải cách thể chế. Ảnh: VGP
|
Thông tin đa chiều gỡ vướng và cổ vũ cho DN
Ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho biết, các DN đặc biệt quan tâm đến việc Chính phủ thực hiện Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, ban hành ngày 1/7.
“Đây là đòn bẩy để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và người sử dụng lao động trong giai đoạn khó khăn này. Chúng tôi mong muốn đối với gói hỗ trợ này, Chính phủ có kế hoạch triển khai một cách cụ thể, nhanh chóng, kịp thời, chính xác”, ông Mạc Quốc Anh chia sẻ.
Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội mong muốn cần đẩy mạnh đối thoại trực tuyến, với sự tham gia của cả báo chí để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN. Đại diện các DN vừa và nhỏ Hà Nội cũng nêu một số kiến nghị về giảm, giãn thuế, khoanh nợ, giảm thanh tra…
Ông Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về những vấn đề liên quan đến sự phát triển kinh tế-xã hội, về hoạt động của DN, nhìn nhận đánh giá, kiến giải và đưa ra những đề xuất sâu sắc cho các vấn đề DN đang quan tâm, thúc đẩy DN phát triển.
"Cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin thường xuyên, chuyên nghiệp với cơ quan báo chí để bảo đảm thông tin chính xác, kịp thời, tránh sai sót làm tổn hại đến uy tín người sản xuất kinh doanh và DN, tạo sự đồng thuận đồng hành chung sức vì lợi ích chung của DN và báo chí", ông Phan Xuân Thủy nhấn mạnh.
VCCI và cộng đồng DN cần tạo điều kiện để các nhà báo, phóng viên, biên tập viên có nhiều thông tin chính xác, đầy đủ để phản ánh kịp thời những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, các nhân tố điển hình ở các DN để phổ biến nhân rộng.
Cùng quan điểm, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, báo chí phải cung cấp thông tin đầy đủ hơn, đẩy mạnh thông tin phản biện, nhất là trong quá trình thực hiện các chính sách, kết quả… Các tấm gương tốt, các cách làm hay cần được biểu dương, những sai phạm, những thiếu sót cần được báo chí phản ánh để từ đó có những sửa chữa, khắc phục.
“Thời điểm hiện tại là lúc mà báo chí cần cùng cấp nhiều hơn nữa thông tin về thị trường và đầu tư để DN có thể nhanh chóng tận dụng được các cơ hội từ đó sớm vượt qua khủng hoảng của COVID-19”, ông Hồ Quang Lợi gợi ý.
Huy Thắng