|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nếu không thay đổi, đổi mới mạnh mẽ hơn, chúng ta sẽ không tận dụng được cơ hội, bị tụt hậu. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng trân trọng ghi nhận, cám ơn nỗ lực của tất cả những người làm công nghệ thông tin, truyền thông, và những người đã cùng đồng hành với ngành thông tin-truyền thông, từ Trung ương đến địa phương, cùng nhau vượt qua những khó khăn chưa từng có, đạt được được những thành tích rất đáng tự hào.
Theo Phó Thủ tướng, năm 2020 hết sức đặc biệt ở hai chữ “khó khăn”, có những khó khăn lường trước được và cả không lường trước được như quy mô, sự tàn phá của dịch bệnh COVID-19 đối với cả thế giới. Trong bối cảnh đấy, năm 2020 Việt Nam có những bước tiến rất đặc biệt, như đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Chính phủ với địa phương (ngày 28/12/2020): Năm 2020 vẫn được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua với những kết quả, thành tích đặc biệt.
Điều đó thể hiện trong năm 2020 Việt Nam là một trong số ít những nước đạt tăng trưởng dương (2,91%), các cân đối vĩ mô của nền kinh tế được đảm bảo, và hơn lúc nào hết trong đại dịch, thiên tai bão lũ, tinh thần tương thân tương ái lại được khơi dậy. Sự vận hành thông suốt của cả bộ máy, từ Trung ương đến địa phương, “ý Đảng, lòng dân” hòa quyện cùng vượt qua thách thức, khơi dậy thêm nữa lòng tự hào dân tộc, niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, chế độ và hơn hết là lòng tin của mọi người Việt Nam, cả trong nước và nước ngoài, vào con đường đi lên của dân tộc Việt Nam.
Đó là nhờ sự lãnh đạo xuyên suốt của Đảng, điều hành của Nhà nước, sự hưởng ứng, tham gia của doanh nghiệp, người dân, trong đó có lực lượng làm công tác thông tin, truyền thông.
Dẫn lại kết quả khảo sát người dân Việt Nam tin tưởng nhiều nhất vào các chủ trương, giải pháp của Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Phó Thủ tướng cho rằng bên cạnh chủ trương, giải pháp đúng, quan trọng nhất là những tư tưởng quan điểm đó đã được truyền tải đến người dân.
Phó Thủ tướng chia sẻ ngay từ những ngày đầu xuất hiện thông tin về dịch bệnh COVID-19, Bộ TT&TT, các tập đoàn, công ty công nghệ thông tin lớn đã chủ động triển khai các giải pháp ứng phó dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin từ hệ thống kết nối các cơ sở y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 đến thực hiện khai báo y tế điện tử, truy vết, theo dấu các ca nhiễm… Những điều đó đã tiếp thêm sức mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy chính phủ điện tử ở Việt Nam, điển hình như cung cấp dịch vụ công trực tuyến, giáo dục trực tuyến, làm việc trực tuyến…
Nhắc đến vai trò hết sức quan trọng của việc nâng cao dân trí trong bối cảnh cách mạng công nghiệp công nghệ 4.0, Phó Thủ tướng cho rằng, qua mấy năm kiên trì, văn hóa đọc đã được khơi dậy, phục hồi dần sau một thời gian phần nào bị quên lãng. Đây là điều vô cùng đáng quý, bởi “một dân tộc muốn hùng mạnh trước hết phải không được dốt, nhất thiết phải học, nhất thiết phải đọc”.
|
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Về những một số vấn đề cần tập trung trong thời gian tới, trước hết Phó Thủ tướng nhắc lại sứ mệnh tiên phong, đi đầu của ngành bưu điện khi đất nước bắt đầu đổi mới cách đây hơn 30 năm đã làm được những việc tưởng chừng như không thể với tinh thần “không nghĩ theo cách cũ, làm theo cách mới”. Việt Nam đã là một trong những nước sớm chuyển sang công nghệ kỹ thuật số trên thế giới. Ngành bưu điện không chỉ phục vụ phát triến kinh tế-xã hội mà còn mở ra cách làm mới, không tính toán trên quy luật bình thường mà khơi dậy tiềm năng để đi tắt, đón đầu. Và dường như sứ mệnh tiên phong của ngành bưu điện đã được chuyển giao cho ngành công nghệ thông tin, viễn thông. Thực tế năm 2020 cho thấy ngành công nghệ thông tin, viễn thông có thể tìm ra những cách thức mới để đi lên mạnh mẽ hơn, đạt được những điều tưởng chừng như không thể.
Từ sự chuyển đổi của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) sang thành DN công nghệ, Phó Thủ tướng cho rằng nếu các DN công nghệ thông tin lớn không chuyển đổi mạnh hơn thì sẽ bị tụt hậu, thậm chí sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.
“Không thay đổi, đổi mới mạnh mẽ hơn, chúng ta sẽ không tận dụng được cơ hội, bị tụt hậu. Nhưng nếu khơi dậy được sự sáng tạo, quyết tâm, khát vọng, cách làm thì chúng ta có thể làm được. Những doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông phải tiên phong chuyển đổi số”, Phó Thủ tướng nói và chia sẻ “30 năm trước ngành bưu điện giải quyết vấn đề liên lạc điện thoại, bây giờ là câu chuyện dữ liệu. Năng lực của một máy điện thoại thông minh có thể gấp 16.000-20.000 máy tính thời đó. Đây không chỉ là cơ hội mà còn là sự thúc ép phải thay đổi”.
“Việt Nam có quy mô dân số 100 triệu dân đủ sức "ươm mầm" cho những công nghệ, giải pháp của người Việt trước khi ra thế giới. Sứ mệnh mới của ngành công nghệ thông tin, viễn thông là làm sao 5-10 năm nữa Việt Nam có tên trên bản đồ sản xuất thiết bị viễn thông của thế giới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và tin tưởng công nghệ 5G, phong trào “Make in Vietnam” là thời cơ để mơ ước phát triển nền công nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam trở thành hiện thực.
Về lĩnh vực chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong những năm tới đây, Phó Thủ tướng nêu lại kinh nghiệm xây dựng hệ thống giám định bảo hiểm y tế chỉ trong vòng vài tháng đã kết nối toàn bộ hơn 11.000 trạm y tế, hay việc triển khai dạy học trực tuyến trong dịch bệnh COVID-19, mới đây nhất là Bộ Y tế, Bộ TT&TT phối hợp với các DN công nghệ thông tin lớn đã hoàn thiện nền tảng quản lý thống nhất tất cả trạm y tế cơ sở cho thấy “chỗ khó khăn nhất lại là nơi dễ triển khai nhất”.
Cùng với đó, việc Bộ Y tế, Bộ TT&TT, tỉnh Bến Tre chỉ trong thời gian ngắn đã thực hiện cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 bằng cách yêu cầu tất cả các đơn vị, cục, vụ hay sở, ngành đều phải làm, không có tình trạng “người làm, người không”, vừa tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân, DN, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, đơn giản hoá, cắt giảm những thủ tục không cần thiết, có ít hồ sơ phát sinh.
“Thay vì làm từ trên trên xuống, từ chỗ hiện đại, phát triển nhất thì phải có thêm mũi thứ hai là làm từ dưới lên, từ chỗ khó khăn nhất”, Phó Thủ tướng đúc kết.
“Nếu tất cả người dân Việt Nam đều có điện thoại thông minh, được cài đặt những dịch vụ công cơ bản, cùng với thúc đẩy thanh toán di động, trực tuyến thì cả xã hội sẽ chuyển mình. Đây là thời cơ và cũng là sự thôi thúc có tính lịch sử đối với ngành công nghệ thông tin, viễn thông. Đây là trách nhiệm của các bộ ngành Trung ương và cả địa phương”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh “làm chính phủ điện tử, chính phủ số không khó như vẫn tưởng, chỉ cần chúng ta đồng lòng, quyết tâm và nhận thấy rằng nó giúp chính phủ, chính quyền minh bạch hơn, gần người dân hơn, thực sự vừa quản lý tốt, vừa phục vụ nhân dân thì chắc chắn sẽ làm được”.
Phó Thủ tướng kêu gọi các DN công nghệ thông tin, viễn thông tham gia vào các chương trình của Bộ TT&TT khởi xướng, tạo ra những nền tảng mở để các DN khác cùng phát triển các ứng dụng dựa trên nhu cầu thực tiễn của người dân, với lợi thế quy mô thị trường, dân số để đi nhanh hơn, có những bước nhảy vọt mạnh mẽ về công nghệ thông tin, viễn thông.
“Chúng ta phải nhất thiết đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin triệt để, cùng với sáng tạo của trí tuệ Việt, quy mô dân số, thị trường, sự lãnh đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước để Việt Nam có thể đứng vào nhóm những nước hàng đầu về ứng dụng công nghệ thông tin, có những sản phẩm, giải pháp phục vụ trong nước cũng như được khẳng định trên thị trường thế giới”, Phó Thủ tướng mong muốn.
Đình Nam