Thổ Nhĩ Kỳ muốn có thỏa thuận cùng có lợi trong tranh chấp với Hy Lạp 

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố sẽ không khuất phục trước những lời đe dọa trừng phạt đồng thời kêu gọi các cuộc đàm phán phải bao gồm sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong khu vực.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn có thỏa thuận cùng có lợi trong tranh chấp với Hy Lạp

Ngày 7/12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã bày tỏ tin tưởng có thể đạt được với Hy Lạp "thỏa thuận đôi bên cùng có lợi" trong vấn đề khai thác nguồn tài nguyên ở vùng nước sâu tranh chấp.

Trong tuyên bố của mình, Tổng thống Erdogan nêu rõ: "Tôi kêu gọi tất cả các nước láng giềng ở Địa Trung Hải, đặc biệt là Hy Lạp, không coi vấn đề này là cuộc chơi có kẻ thắng, người thua. Tôi tin rằng một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi tuân theo quyền của mỗi bên có thể đạt được."

Ông khẳng định trong vấn đề Đông Địa Trung Hải, Ankara muốn sự hợp tác và công bằng. Cách thức để đạt được mục tiêu này đòi hỏi các cuộc đàm phán phải dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố sẽ không khuất phục trước những lời đe dọa trừng phạt đồng thời kêu gọi các cuộc đàm phán phải bao gồm sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong khu vực. 

[Thổ Nhĩ Kỳ gia hạn hoạt động khảo sát địa chất tại Địa Trung Hải]

Lời kêu gọi của Tổng thống Erdogan được đưa ra trong bối cảnh ngoại trưởng các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) xem xét tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới tranh chấp khai thác khí đốt trên Địa Trung Hải, trước khi các lãnh đạo của khối này đưa ra quyết định cuối cùng tại Hội nghị thượng đỉnh dự kiến vào ngày 10-11/12 tới.

Trước đó, ngày 4/12, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đáp lại thiện chí ngoại giao từ phía EU để giảm căng thẳng với Hy Lạp trong vấn đề Đông Địa Trung Hải đồng thời cảnh báo các thành viên EU sẽ cân nhắc các biện pháp trừng phạt.

Theo ông Michel, Thổ Nhĩ Kỳ cần chấm dứt việc liên tục đưa các tàu thăm dò khí đốt vào vùng biển của Hy Lạp. Ông cho biết các nước thành viên EU sẽ thảo luận về vấn đề này tại Hội nghị thượng đỉnh ngày 10/12 tới và sẵn sàng sử dụng những biện pháp đạt được thống nhất chung.

Giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp lâu nay tồn tại mâu thuẫn về vấn đề lãnh hải ở Đông Địa Trung Hải. Căng thẳng giữa hai nước đồng minh trong NATO trong thời gian qua đã leo thang với nhiều hoạt động quân sự trên biển sau khi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tàu khảo sát Oruc Reis tại vùng biển phía Đông Địa Trung Hải vào tháng Tám.

NATO đã thiết lập một cơ chế giảm xung đột để tránh nguy cơ xảy ra những xung đột quân sự đáng tiếc giữa các bên. Đức cũng thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao thiện chí với Ankara, nhưng không hiệu quả.

Trong khi đó, một số thành viên EU, trong đó có Pháp và Hy Lạp, đang kêu gọi các biện pháp mạnh hơn. Tuy nhiên, nhiều nước khác lo ngại căng thẳng gia tăng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thỏa thuận nhằm ngăn chặn dòng người di cư qua Thổ Nhĩ Kỳ vượt Địa Trung Hải đổ về châu Âu./.

Phương Oanh (TTXVN/Vietnam+)

 

430 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 335
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 335
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88620248