Thịt nhân tạo: Xu hướng gây tranh cãi 

(Chinhphu.vn) - Kỷ nguyên ‘thịt nhân tạo’ dường như đã bắt đầu với việc Beyond Meat trở thành công ty thịt nhân tạo đầu tiên lên sàn chứng khoán, đánh dấu xu hướng sử dụng thịt "không hại động vật", đồng thời khích lệ thay đổi thói quen ăn thịt truyền thống. Tuy nhiên, xu hướng này vẫn vấp phải nhiều tranh cãi lẫn hoài nghi, ngay từ việc loại thực phẩm này có được gọi là "thịt" hay không.

 

Ảnh minh họa


Các sản phẩm thịt nhân tạo có nguồn gốc từ thực vật đang ngày càng bán chạy trên các siêu thị và trở thành nguyên liệu ưa chuộng của các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, công ty thực phẩm công nghiệp và cả giới đầu tư Phố Wall. Theo AFP, Ngân hàng JPMorgan Chase, có trụ sở tại New York (Mỹ), ước tính thị trường ‘thịt chay’ có thể đạt con số 100 tỉ USD (hơn 2,32 triệu tỉ đồng) trong vòng 15 năm tới, còn Ngân hàng Barclays (Anh) nhận định sản phẩm này có thể chiếm khoảng 10% toàn bộ thị trường thịt thế giới trong 10 năm nữa.

Hồi tháng 4, hãng đồ ăn nhanh Burger King đã bắt đầu thử nghiệm phiên bản bánh burger whopper dùng thịt nhân tạo trong khi đối thủ của họ, McDonald's cũng công bố loại burger “thịt mà không phải thịt” tại Đức. KFC cũng đang nghiên cứu bước đi tương tự để phục vụ nhu cầu của khách hàng. “Giống y chang thịt bò”, Đài NBC News dẫn lời một khách hàng ở New York khẳng định. Ông cho hay đã ăn thử các món burger thịt nhân tạo nhiều lần và đến nay vẫn chưa tìm ra được sự khác biệt nào.

Theo CNN, Beyond Meat đã phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào ngày 2/5 tại Phố Wall và cổ phiếu nhanh chóng tăng 163%, kết thúc phiên giao dịch ở mức 65,75 USD/cổ phiếu. Kể từ đó, cổ phiếu tiếp tục tăng hơn gấp đôi, đạt 139,13 USD khi chấm dứt phiên giao dịch cuối tuần qua. Doanh thu của hãng cũng tăng trưởng 140%. Reuters cho biết, thịt bò nhân tạo của Impossible Food hiện đã được bán tại hơn 7.000 nhà hàng tại Mỹ và châu Âu, giá trị công ty vừa tăng lên 2 tỉ USD sau đợt gây quỹ mang về 300 triệu USD.

Những hoài nghi

Tuy nhiên, sự phát triển chóng mặt của thịt nhân tạo cũng gây nhiều tranh cãi và bị cho là đe dọa ngành chăn nuôi giết mổ truyền thống. Các hiệp hội gia súc kêu gọi người tiêu dùng “hãy chọn lựa sự tự nhiên và nguyên bản” trong khi hồi tháng 8/2018, Missouri trở thành tiểu bang đầu tiên của Mỹ ban hành lệnh cấm các nhà sản xuất thực phẩm gọi thịt nhân tạo là “thịt”. Theo USA Today, luật của bang quy định từ “meat” (thịt) không được sử dụng cho bất cứ thứ gì “không được sản xuất từ gia súc và gia cầm nuôi”. Cá nhân hay tổ chức vi phạm có thể sẽ bị tuyên án một năm tù, bên cạnh số tiền phạt lên đến 1.000 USD.

Ngoài ra, xu hướng này cũng vấp phải nhiều phản ứng nghi ngờ từ một số tên tuổi trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm.

Các luồng tranh cãi rơi vào 4 ý kiến chính: Thịt nhân tạo bị xử lý quá nhiều; chứa sinh vật đột biến gen (GMO); không thực sự tốt, thậm chí còn gây hại cho sức khỏe; và không đem lại cảm giác hấp dẫn như thịt thật.

Lãnh đạo các tập đoàn lớn như Whole Foods hay Chipotle đã chỉ trích các loại thịt chế biến từ thực vật đã đi qua quá nhiều quy trình xử lý trước khi đến tay người tiêu dùng. Giám đốc điều hành của Whole Foods, ông John Mackey, trong một cuộc trả lời phỏng vấn CNBC, cho rằng việc ăn các loại thực phẩm qua nhiều quá trình xử lý là không lành mạnh. Thay vào đó, Mackey tin rằng con người nên tiêu thụ thực phẩm toàn phần, ít qua xử lý.

Bên cạnh đó, hàm lượng các sinh vật biến đổi gene (GMO) - cũng là một yếu tố gây lo ngại. Trở thành mục tiêu của chiến dịch phản đối GMO do Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe tổ chức, công ty Impossible Burger đã thanh minh việc sử dụng hạt đậu nành và một nguyên liệu “heme” đặc biệt từ rễ đậu biến đổi gene nhằm tạo hiệu ứng “chảy máu” giống thịt thật nhưng chúng đều được sản xuất từ nấm men. Bên cạnh đó, công ty còn giải thích rằng việc nhập đậu nành không chứa GMO từ Brazil sẽ làm tăng lượng phát thải carbon và ảnh hưởng tới môi trường. Hiện, vẫn chưa có bằng chứng nào chứng minh tác hại của GMO tới sức khỏe con người. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng đã chứng nhận độ an toàn của heme mà Impossible Food sử dụng.

Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng đã phân tích và cho rằng thịt nhân tạo không tốt hơn, những cũng không gây hại cho sức khỏe hơn thịt thật. Theo cây bút khoa học Ryan Mendelbaum, nếu muốn có một bữa ăn giàu dinh dưỡng và tốt cho tim mạch, chúng ta có thể, và nên ăn các loại rau, ngũ cốc nguyên hạt và hoa quả (thay vì burger thịt nhân tạo).

Trái với ý kiến cho rằng ăn thịt nhân tạo không đem lại cảm giác “tự nhiên” như thịt động vật, thực tế cho thấy 99% lượng thịt ở Mỹ được sản xuất theo quy trình công nghiệp, trong đó các con vật bị nuôi nhốt hoàn toàn, không thấy ánh mặt trời và thậm chí không có chỗ để xoay thân mình. Do đó, loại thịt phần lớn người dân Mỹ đang ăn cũng không hề tự nhiên.

Song những lợi ích của thịt nhân tạo lại khá rõ ràng. Một số ý kiến cho rằng thịt nhân tạo lành mạnh hơn vì chúng giúp người tiêu dùng tránh dung nạp các yếu tố gây ung thư có liên quan tới thịt đỏ và các hormone tăng trưởng cũng như kháng sinh trong chăn nuôi gia súc. Bên cạnh đó, yếu tố thân thiện với môi trường của thịt nhân tạo là đáng kể khi lượng phát thải khí CO2 và các loại khí nhà kính, nguồn nước và đất cần để sản xuất sẽ ít hơn hẳn so với chăn nuôi gia súc lấy thịt.

Dù đang tăng trưởng một cách nhanh chóng, ngành công nghiệp thịt nhân tạo vẫn còn đoạn đường dài để đi vào chế độ dinh dưỡng phổ biến của người dân khi chỉ chiếm ít hơn 1% thị trường thịt tại Mỹ. Bởi vậy, nếu muốn thâm nhập thị trường chính thống, các công ty sản xuất thịt thay thế sẽ phải giải quyết được những lo ngại trên.

 Vũ Phong (tổng hợp)

361 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 612
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 612
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87209301