Thịt lợn giá cao, doanh nghiệp lãi lớn, Bộ cảnh báo nguy cơ 

(Chinhphu.vn) – Sau đợt giá lợn xuống đáy vào năm ngoái, nhiều nông hộ đã bỏ chuồng, nhường “sân chơi” chăn nuôi lại cho các doanh nghiệp (DN), trang trại lớn. Giá thịt lợn hiện đã tăng lên trên 50.000 đồng/kg lợn hơi - giá cao chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây khiến sản xuất và tiêu thụ thịt lợn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

 

 
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Cần giảm giá lợn về mức thực tế để đảm bảo sự bền vững của thị trường - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Không khan hiếm nguồn cung

Thời điểm này tại Hà Nội và các tỉnh như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Nam Định... giá lợn hơi giảm nhẹ, nhưng vẫn dao động ở mức 50.000 - 52.000 đồng/kg; lợn ngon có giá cao hơn. Còn tại các tỉnh thuộc Bắc Trung bộ là 52.000 - 54.000 đồng/kg. Tại các tỉnh ở Nam Trung bộ, ngoài Quảng Nam có giá 51.000 đồng/kg, các tỉnh còn lại từ Quảng Ngãi tới Bình Thuận báo giá dưới 50.000 đồng. Tại khu vực phía Nam, trước đây giá lợn hơi thấp hơn ở phía Bắc thì nay cũng tăng vọt lên mức 50.000 - 56.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT chia sẻ: “Trước tình hình giá có dấu hiệu tăng cao, chúng tôi đã đi kiểm tra về tình hình sản xuất của các địa phương thì thấy rõ ràng có một sự thật là không hề khan hiếm nguồn cung, cứ nhìn vào thực tế tại các siêu thị, cửa hàng hoặc các chợ dân sinh, thịt lợn vẫn được bày bán rất nhiều chứng tỏ không phải là khan hiếm. Nhưng tại sao giá vẫn cao?”

Căn cứ giá thành chăn nuôi lợn hơi hiện nay khoảng xung quanh 36.000 đồng/kg, ông Nguyễn Xuân Dương khẳng định, mức lãi mà các DN đang hưởng hiện nay quá lớn – mỗi kg lợn hơi doanh nghiệp được hưởng lãi 20.000 đồng/kg – mức lãi gần như cao nhất từ trước đến nay.

Trước tình hình trên, chiều 9/10 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có buổi gặp gỡ, chia sẻ với các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ, chế biến thịt lợn và một số địa phương chăn nuôi trọng điểm nhằm cùng nhau đóng góp, hiến kế giúp ngành chăn nuôi lợn duy trì được sự ổn định, bền vững. Bộ trưởng nhận định việc giá lợn hơi cao bất hợp lý trên 50.000 đồng/kg tiếp tục kéo dài sẽ tạo ra những hệ lụy không thể lường trước, đặc biệt nguy cơ việc xâm nhập của thịt lợn nhập khẩu kéo theo nguy cơ dịch bệnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, giá thành sản xuất khoảng 35.000 -36.000 đồng/kg, nhưng bán với giá 52.000-56.000 đồng, trước mắt là có lãi, nhưng trước mức giá chênh lệch, thịt lợn ngoại sẽ ồ ạt nhập vào Việt Nam; rồi các hộ, các trang trại chăn nuôi ồ ạt mở đàn, thịt lợn lại rơi vào cảnh dư thừa, rớt giá.

“Nếu không kịp thời xử lý ngành chăn nuôi lợn lại một lần nữa rơi vào khủng hoảng thừa. Trong thời đại hội nhập, chúng ta xuất khẩu ra thế giới 40 tỉ USD/năm giá trị nông, lâm, thủy sản thì không có lý gì đóng cửa từ chối không nhập hàng hóa nước ngoài”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phân tích: “Sau 3 quý vừa rồi ngành chăn nuôi thắng lợi lớn, lợi nhuận rất cao. Thế nhưng, Bộ NN&PTNT lại phải mời DN đến bàn giải pháp bởi nếu không bàn ngay thì ‘cái quá được’ sẽ sang trạng thái khác, đó là không bền vững, không chỉ sẽ ảnh hưởng đến người chăn nuôi mà còn chính là các DN, mất thị trường do sản phẩm bên ngoài tràn vào, dịch bệnh bùng phát nhất là dịch tả lợn hơi châu Phi đang xảy ra ở 20 quốc gia trên thế giới, sản phẩm lợn hơi nhập lậu, phi chính thức không giữ được thị trường, mất thị trường”.

Toàn cảnh buổi làm việc của Bộ NN&PTNT với các DN lớn trong ngành chăn nuôi - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Tâm tư của doanh nghiệp

Tại buổi làm việc, hầu hết các DN đều bày tỏ sự đồng tình về việc tiềm ẩn nhiều rủi ro từ việc giá thịt lợn quá cao như hiện nay.

Đại diện Tập đoàn C.P Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Kiều Minh Lực cho biết, hiện C.P đang bán số lượng lợn ra thị trường hàng ngày cao hơn các ngày bình thường tới 30%. Để có đủ nguồn lợn cung ứng cho các lò mổ, thương lái C.P phải hạ tiêu chuẩn trọng lượng lợn hơi từ trên 120kg/con xuống còn 90kg/con. Tuy nhiên, ông Lực khẳng định đơn vị cũng không thể duy trì được cường độ này trong thời gian dài bởi lợn không lớn kịp để bán.

Còn đại diện Công ty TNHH Japfa Việt Nam thì cho rằng, với giá heo trên 50.000 đồng/kg như hiện tại doanh nghiệp chăn nuôi rất vui mừng nhưng không hẳn là mong muốn, mức giá các doanh nghiệp chăn nuôi heo mong muốn duy trì ổn định nhất chính là trục giá 40.000 - 45.000 đồng/kg.

Kiến nghị giải pháp giúp bình ổn giá heo, đại diện các DN đề nghị Bộ NN&PTNT, trực tiếp là Cục Chăn nuôi thường xuyên cập nhật, chia sẻ thông tin với các doanh nghiệp lớn. Đặc biệt, về giải pháp kỹ thuật có thể nâng trọng lượng heo xuất chuồng từ 90kg như hiện nay lên 10 - 15% nữa để tăng nguồn cung thịt lợn ra thị trường giúp hạ nhiệt dần giá heo xuống dưới 50.000 đồng/kg.

Còn theo hiến kế của ông Võ Việt Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Chế biến Thực phẩm Nam Hà Nội, nếu có thể Bộ NN&PTNT và Cục Chăn nuôi hàng tuần, hàng tháng có thể đề nghị các doanh nghiệp tự nguyện công bố giá bán để từ đó đưa ra mức giá trung bình hợp lý nhất. Bên cạnh đó, theo ông Dũng, ngành chăn nuôi lợn hiện nay thiếu mất hiệp hội ngành hàng để có thể cùng ngồi lại với nhau, tạo thành một chuỗi và một thị phần đủ lớn để có thể điều tiết được thị trường.

Đồng tình với việc nên có một hiệp hội về chăn nuôi lợn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dabaco Việt Nam Phạm Văn Học nhấn mạnh, phải có các hiệp hội với các doanh nghiệp chiếm thị phần, tỷ trọng đủ lớn mới có thể cùng các cơ quan quản lý đứng ra điều tiết khi thị trường đi theo chiều hướng bất hợp lý hay chiều hướng xấu, không có lợi cho lâu dài ngành chăn nuôi như giá lợn hơi hiện nay. Chứ bản thân một mình Dabaco hay C.P giảm giá bán cũng không thể giải quyết được vấn đề.

Con ông Lê Thanh Phương, Giám đốc chăn nuôi Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam cho rằng, về ngắn hạn nên để giá lợn hơi vận động theo quy luật cung cầu của thị trường, còn lâu dài nên thành lập các hiệp hội để phối hợp cùng cơ quan quản lý nhà nước trong điều tiết, nắm bắt cung cầu. Cũng theo ông Phương, chính người tiêu dùng mới là người quyết định giá bán và hiện tại có rất nhiều lựa chọn thực phẩm thay thế thịt lợn nên cũng không quá lo lắng trong ngắn hạn trước mắt.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc bảo vệ được thị trường trong nước, đặc biệt là ngành chăn nuôi lợn các cơ quan quản lý phải chịu áp lực vô cùng to lớn từ phía các nước đối tác.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ra lời kêu gọi các doanh nghiệp hoạt động ở mọi công đoạn từ thức ăn, chăn nuôi gia công, giết mổ, chế biến, tiêu thụ bán lẻ trong khả năng của mình tiếp tục cải tiến thay đổi nâng cao giá trị quản trị, giá trị sản xuất, hạ giá thành bảo vệ cho bằng được ngành chăn nuôi lợn đang phát triển rất tốt như hiện nay.

Bộ trưởng chia sẻ: “Tôi cũng là người chăn nuôi nên tôi rất hiểu, nên lấy đúng lãi để lấy đường trường. Đường trường ở đây là một thị trường ổn định được duy trì lâu dài thay vì nay đắt mai lại rẻ. Nếu DN vẫn còn cố tình tham lãi cao để bán bấp chấp thì sẽ có ngày “gậy ông đập lưng ông””.

 

Đỗ Hương
355 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 669
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 669
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88323444