Thiếu tiền đạo nội giỏi ở V-League: Khó dung hòa lợi ích của nhiều bên 

Huấn luyện viên Park Hang-seo có quyền phàn nàn vì V-League “chuộng” tiền đạo ngoại thay vì nội binh. Nhưng câu lạc bộ cũng có lý khi buộc phải sử dụng “Tây” vì áp lực thành tích. Hiển Nguyễn (Vietnam+)
Thiếu tiền đạo nội giỏi ở V-League: Khó dung hòa lợi ích của nhiều bên

Sau trận đấu giao hữu giữa đội tuyển Việt Nam với U22 Việt Nam hôm 27/12 vừa qua, huấn luyện viên Park Hang-seo một lần nữa phàn nàn về vấn đề khan hiếm tiền đạo của bóng đá Việt Nam. Điều này khiến ông không có nhiều lựa chọn tốt cho các đội tuyển trước áp lực giành thành tích cao ở vòng loại World Cup, AFF Cup và SEA Games. 

Ông Park chia sẻ rằng: “Việt Nam đang rất thiếu tiền đạo. Chúng tôi thử nghiệm nhiều mà chưa tìm được ai cả. Ở V-League, hầu hết ngoại binh đá tiền đạo, nhiều cầu thủ tiền đạo ở tuyển U22 không được đá chính khi về câu lạc bộ.” 

Huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam nhấn mạnh: “V-League nên tự hỏi rằng tại sao vấn đề này tồn tại. Tất nhiên một số câu lạc bộ sẽ phản ứng trước ý kiến này nhưng tôi chỉ muốn làm sao để các cầu thủ trẻ, các tiền đạo nội được ra sân. VPF và VFF phải nghiêm cứu lại vấn đề này.” 

Thieu tien dao noi gioi o V-League: Kho dung hoa loi ich cua nhieu ben hinh anh 1Huấn luyện viên Park Hang-seo nhiều lần đề cập vấn đề tiền đạo nội ít cơ hội được thi đấu tại V-League. (Ảnh: Kim Chi/Vietnam+)

Đây không phải lần đầu tiên huấn luyện viên Park Hang-seo phàn nàn về vấn đề khan hiếm tiền đạo như trên. Một lần nữa, những lời phát biểu vừa qua tạo sức ảnh hưởng lớn hơn, khiến các giải bóng đá chuyên nghiệp “dậy sóng,” song cách giải quyết thì vẫn luôn bỏ ngỏ. 

Sau lời phát biểu gây tranh cãi, huấn luyện viên Phan Thanh Hùng (Becamex Bình Dương) và Ngô Quang Trường (Sông Lam Nghệ An) đều chia sẻ, cảm thông với huấn luyện viên Park Hang-seo về khó khăn hiện tại. Cả hai đều ủng hộ phương án tạo cơ hội cho tiền đạo nội và cầu thủ trẻ. 

Tuy nhiên, đây chỉ là số ít so với phần còn lại ở V-Leauge bởi áp lực thành tích, tham vọng danh hiệu khiến không nhiều đội bóng có thể mạo hiểm với lứa trẻ.

Giám đốc kỹ thuật Câu lạc bộ Nam Định, ông Nguyễn Văn Sỹ, khẳng định áp lực với huấn luyện viên ở V-League rất lớn. Ông nói: “Điều lệ khống chế bao nhiêu cầu thủ ngoại được đá trên sân nhưng không thể bắt ở vị trí nào phải sử dụng cầu thủ trẻ. Việc bớt cầu thủ này, cầu thủ kia ở một vị trí nhất định nào đó là rất khó. Đương nhiên, đội tuyển Việt Nam là quan trọng, nhưng nếu ít ngoại binh thì sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng V-League.”

Đây chắc chắn cũng là vấn đề của Hà Nội FC, Câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh và những đội bóng có tham vọng vô địch giải đấu hàng đầu Việt Nam. 

Hơn ai hết, chính huấn luyện viên Park Hang-seo cũng hiểu được áp lực thành tích khi dẫn dắt câu lạc bộ nên cần tận dụng tất cả nguồn lực tốt nhất, đặc biệt từ cầu thủ ngoại. 

Thieu tien dao noi gioi o V-League: Kho dung hoa loi ich cua nhieu ben hinh anh 2Câu lạc bộ cần tiền đạo ngoại để vì thành tích, tham vọng danh hiệu. (Ảnh: Hiển Nguyễn/Vietnam+) 

Huấn luyện viên Park Hang-seo có quyền phàn nàn vì V-League “chuộng” tiền đạo ngoại thay vì nội binh bởi trách nhiệm ở tuyển Việt Nam và đội U22 với mục tiêu tại những giải đấu đòi hỏi thành tích cao như vòng loại World Cup 2022, AFF Cup và SEA Games 31. Nhưng rõ ràng, câu lạc bộ cũng có lý khi buộc phải sử dụng tiền đạo “Tây” vì áp lực của mình.

Đặc biệt, chính việc sử dụng ngoại binh giỏi lại mang tới những giá trị khác cho giải đấu như chất lượng tăng cao, cầu thủ có sự cọ sát tốt hơn...

Vì thế, sự xung đột về lợi ích là nguyên nhân chính khiến vấn đề khan hiếm tiền đạo vẫn khó được giải quyết. 

Một lãnh đạo VPF cho hay: “VPF sẽ cân nhắc vấn đề này sau khi bàn bạc cùng với VFF. Các cầu thủ trẻ được thi đấu nhiều ở V-League sẽ tốt cho tương lai của bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, cho dù VFF hay VPF muốn, chúng tôi cũng phải thông qua các đội bóng, lấy ý kiến. Tôi nghĩ rằng, cần có sự đồng thuận cao của các câu lạc bộ.”

Các chuyên gia cho rằng chỉ khi những nhà tổ chức cân bằng được lợi ích hoặc đủ khả năng để thay đổi những tiền lệ cũ thì vấn đề khan hiếm tiền đạo nội mới được giải quyết./.

Có cần thêm giải đấu dành cho lứa U22 tại các câu lạc bộ hay không? 

Năm 2020, lần lượt các giải đấu như U15 cúp Quốc gia, U17 cúp Quốc gia được ra đời vì VFF muốn tăng số lượng trận đấu, tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ thi đấu nhiều hơn để đẩy mạnh sự phát triển hơn nữa. 

Tuy nhiên, cho tới lứa cầu thủ 22 tuổi khi cần sự bứt phá thì cơ hội được cọ xát lại đang ít đi. Lâu nay, giải hạng Nhất Quốc gia luôn được coi là “sân khấu” để các cầu thủ trẻ thể hiện mình và vươn tới V-League. Như trường hợp của tiền vệ Hữu Thắng, nhờ chơi tốt ở Bình Định, giúp đội bóng lên hạng nên cầu thủ này được lên tuyển U22 Việt Nam, rồi về lại Viettel để đá V-League 2021. 

Hiện có nhiều ý kiến cho rằng cần thêm một giải đấu nữa cho lứa trẻ ở U22 thi đấu để tăng số trận thi đấu và tạo cơ hội cọ sát như nhiều nước châu Âu. 

Hiển Nguyễn (Vietnam+)
299 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thể thao

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 644
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 644
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87211562